ClockThứ Tư, 19/10/2022 11:11

Phải hành động để giữ gìn không gian chùa Huế

TTH.VN - Đem lý sự của “phép tắc” để ứng xử với không gian của các ngôi chùa dường như có gì đó không chuẩn. Mà phải ứng xử với chùa Huế như ứng xử với di sản của vùng đất...

Chùa Thiên Mụ

“Chùa đấy ư? Chùa sao mà lạ nhỉ?”. Một người bạn đã ngạc nhiên hỏi tôi như vậy khi lần đầu tiên được dạo phố Hà Nội và bắt gặp những ngôi chùa “nằm xen” giữa phố xá, hai bên tả hữu bị các công trình “nêm” cứng, trông hết sức bức bí.

Sở dĩ người bạn ấy ngạc nhiên như vậy là do Huế của anh, chùa chiền rất nhiều, song ngôi chùa nào cũng có không gian rất thoáng đãng, nên thơ. Không gian đề cập ở đây không chỉ bó hẹp trong khuôn viên chùa mà cả không gian chung quanh nữa- Cái không gian có thể ví như vùng đệm, làm nên cái “nền” đắc địa để tôn bật vẻ đẹp chủ đề chính của bức tranh là ngôi chùa. Lẽ dĩ nhiên, trong tiến trình đô thị hóa, một số ngôi chùa ở Huế cũng lộ ra với phố xá, nhưng cũng không đến mức quá bức bí như Hà Nội, hay cả ở Tp Hồ Chí Minh (HCM) nữa. Tôi cũng từng rơi vào cảm giác như anh khi lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Nhưng riết rồi cũng “quen mắt” tuy trong lòng không khỏi lấy làm nuối tiếc khi biết rằng trước đây những ngôi cổ tự ở các thành ở phố này cũng có một không gian không tệ. Quá trình đô thị hóa, và cả sự “vô tình”của con người, không gian chung quanh của chùa cứ bị lấn dần, cuối cùng trở nên rất bí bách và có lẽ vô phương vãn hồi.

Nhiều ngôi chùa ở Hà Nội "lâm cảnh" bức bí như thế này

Đi rồi trở về, mới thấy Huế của chúng ta thật may mắn khi đa phần các ngôi chùa đều đang giữ được không gian thoáng đạt từ trong vườn chùa cho đến ngoại tự. Chính cái không gian đó đã đóng một vai trò quan trọng làm nên “hồn cốt” và giá trị rất riêng của quần thể các ngôi chùa trên đất cố đô; khiến cho chùa Huế có một sức hút hết sức mạnh mẽ cho dù Huế không có những ngôi chùa quá vạm vỡ để đi vào “guiness” như của một vài địa phương khác. Lẽ dĩ nhiên, trước làn sóng đô thị hóa, một số ngôi chùa cũng không tránh khỏi “bỗng chốc” ra mặt tiền, hoặc là bị các công trình xây dựng dần dà chen ép; Dẫu chưa quá nhiều nhưng cũng đủ để khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc và âu lo khi nghĩ về viễn cảnh của những ngôi chùa trên vùng đất vốn dĩ còn được mệnh danh là “kinh đô Phật giáo” hay xứ Thiền kinh. Nhất là khi mà Quốc tự- Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Thánh Duyên, một ngôi cổ tự nằm cách trung tâm thành phố đến 60 Km từng bị các hộ dân xâm lấn lối dẫn vào. Hay Tổ đình Từ Hiếu, ngôi chùa “sắc tứ” đẹp nổi tiếng của Huế có tuổi đời gần hai trăm năm với đồi thông cổ thụ thơ mộng bao quanh, nhiều năm nay, lối dẫn vào chùa bắt đầu từ điểm nối với đường Lê Ngô Cát vốn dĩ tươi xanh thoáng đãng cũng đã lần lượt mọc lên các công trình nhà cửa khiến nó có nguy cơ sẽ trở thành một “đường ống” đầy bức bí trong nay mai…

 

Các công trình lần lượt mọc lên khiến lối dẫn vào chùa Từ Hiếu đối diện nguy cơ trở nên bí bách

Lên tiếng về điều này, có thể sẽ có người bắt bẻ, rằng người ta có làm gì sai đâu mà ý kiến ý cò, bởi các công trình đâu có vi phạm pháp luật về xây dựng, về quy hoạch, về bảo vệ di tích… Lý như thế thì… chết lý, vì thực tế đất người ta người ta có quyền xây. Mà xây bây giờ thảy đều phép tắc hết, cái thời xây chui, xây sai với nội dung được cấp phép gần như đã qua rồi. Đất của chùa thì vẫn là của chùa đấy, chủ công trình không xâm phạm, không lấn chiếm, chùa lấy lý gì mà ý kiến?!!

Tất nhiên, lý thì lý vậy, nhưng nó vẫn làm cho không chỉ nhà chùa mà cả phật tử cũng như những người nặng lòng với Huế cứ thao thức khôn nguôi. Bởi một lẽ, ngôi chùa đâu chỉ là một công trình xây dựng đơn thuần, mà đó còn là nơi di dưỡng tinh thần, là ngôi nhà chung, là vỉa tầng văn hóa, là quê hương, là dân tộc. Tu sĩ Huyền Không lúc ở xa quê từng thổn thức: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông...”. Đó như là một đúc kết đồng điệu của triệu triệu trái tim người Việt.

Đường lên tháp Điều Ngự (chùa Thánh Duyên)

Diễn giải dài dòng như thế chỉ để muốn nói, đem lý sự của “phép tắc” để ứng xử với không gian của các ngôi chùa dường như có gì đó không chuẩn. Mà phải ứng xử với chùa Huế như ứng xử với di sản của vùng đất, dẫu rằng phần đa trong số đó chưa được công nhận là di tích. Song, cần nhớ, đó là vì những lý do khách quan thôi, chứ tự thân của rất nhiều ngôi chùa xứ Huế, với kiến trúc, với lịch sử hình thành và phát triển, với những con người, những câu chuyện, những cổ vật/hiện vật gắn kết và ẩn tàng trong nó, thì nếu làm hồ sơ, tin chắc chúng thừa sức có tên trong danh sách xếp hạng. Trên website chính thức của thành phố Huế khi đề cập đến chùa Huế đã dành những dòng trang trọng: “…Huế còn lưu giữ, bảo tồn trên 100 ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục Tổ đình và hầu hết đều giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng đã cùng với quần thể kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian tạo cho Huế cái dáng vẻ riêng biệt, đẹp như tranh họa đồ giữa non xanh nước biếc, thơ mộng và hữu tình… Mỗi ngôi chùa tọa lạc trong một khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, siêu thoát. Mỗi khu vườn chùa là một vũ trụ thu nhỏ, đượm tính triết lý nhà Phật và chất văn hóa phương Đông…. Đến cửa thiền, con người ta tĩnh tâm, thanh thản và sống độ lượng hơn, yêu thương đồng loại hơn, bởi xu hướng tâm linh là dòng chảy tiềm ẩn sâu bền trong con người Huế.”

Tiếc là chưa gặp “thuận duyên” nên những động thái cần thiết tiến đến công nhận, xếp hạng di tích đối với những ngôi chùa xứ Huế đến nay vẫn chưa được thực hiện nhiều. Nếu làm được điều này, khung cảnh chùa Huế sẽ bớt đi sự đe dọa, và Huế sẽ gìn giữ được cho mình một di sản hết sức quý mà nhiều nơi dẫu mong cầu cũng không dễ có được.

Một số hình ảnh về chùa Huế:

Chùa Từ Hiếu

Tổ đình Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Huyền Không Sơn Thượng- Ngôi chùa được thành lập chưa lâu, nhanh chóng được nhiều người biết tiếng

Chùa Ba La Mật, ngôi chùa gắn với dòng họ Nguyễn Khoa mà nổi tiếng là quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, người đã có công dẹp yên, mang lại an ninh cho truông Nhà Hồ và phá Tam Giang (Phá Tam Giang giờ rày đã cạn/ Truông nhà Hồ Nội tán dẹp yên)

Chùa Thiên Mụ không ngày nào vắng bước chân của phật tử và du khách thập phương tham quan, chiêm bái.

Huy Khánh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Nhếch nhác và bất tiện

Giữa mùa hè nắng ráo, nhưng cảnh như các bạn thấy trong ảnh đây cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện ở khu vực trước số nhà 68 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân (Tp Huế). Rất nhếch nhác và rất bất tiện.

Nhếch nhác và bất tiện
Giải cứu những cây thông trên đường Lê Ngô Cát

Ngày 2/5, Thừa Thiên Huế Online đăng bài “Hoàn thành “mục tiêu” (?!)” của tác giả Huy Khánh. Bài viết phản ánh thực trạng nhiều cây thông trên tuyến đường Lê Ngô Cát do thiếu quan tâm chăm sóc, quản lý nên bị xâm hại dẫn đến cây chết, chậm lớn, lổ đổ…

Giải cứu những cây thông trên đường Lê Ngô Cát
Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi tôi vừa tròn 7 tuổi. Đám tang bà nội tôi sau khi di chuyển rất khó khăn trên con đường đất ngoằn ngoèo, nay là đường Nguyễn Khoa Chiêm, dưới trời mưa tầm tã, thì đến chùa Tra Am.

Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu
Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

Dù thời tiết trời mưa phùn và lạnh nhưng rất nhiều người dân xứ Huế đã tìm đến các ngồi chùa vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để lễ Phật, cầu một năm mới may mắn bình an, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

TIN MỚI

Return to top