|
Các thành viên trong ban nhạc Rockband Napalm |
Xuất phát điểm chỉ với ba thành viên, gồm Cao Xuân Anh Tú (hát chính, sinh năm 1992), Hoàng Tiến Nghĩa (guitar, sinh năm 1996) và Nguyễn Đại Long (chơi bass, sinh năm 1999), rock band Napalm xuất hiện đơn giản vì Nghĩa “muốn được chơi rock, thế nên đăng tin tìm những người cùng chí hướng”. Đơn giản vậy mà Napalm từ một “tân binh lẻ loi” của rock dần dần trưởng thành, có được lượng người hâm mộ riêng, đại diện Cố đô tham gia Rockshow “Comeback Cố đô” cùng các band nổi tiếng, như Brainwave, Cá Hồi Hoang và đặc biệt là “cây đa” của rock Việt – ban nhạc Bức Tường.
Chơi nhạc từ khi 2/3 thành viên còn đi học, các thành viên của Napalm vừa tự tập luyện với nhau, tự trau dồi kỹ năng, rồi chơi nhạc tại các quán cà phê, bar, pub… Các bạn chơi nhạc để thỏa mãn bản thân, thỏa mãn tình yêu âm nhạc mà cụ thể là rock cháy bỏng trong lòng mỗi người. Khi ấy không có tiền, không có chỗ chuyên nghiệp để tập luyện, Napalm chỉ luyện tập quanh quẩn tại phòng trọ, lắm lúc bị hàng xóm qua “mắng vốn” vì ồn ào. Nhưng điều đó không dập tắt tình yêu âm nhạc của các bạn trẻ.
Là một rock band nhưng trong thời gian đầu nhóm lại thiếu một trong những vị trí quan trọng nhất, đó là tay trống. Tiến Nghĩa cho biết: “Lượng người chơi trống ở Huế không đông, chưa kể việc một bộ trống đắt hơn một cây đàn guitar khá nhiều mà chơi nhạc lại không phải công việc hái ra tiền, cát-xê thì bèo bọt” nên việc tìm người chơi trống là khó khăn lớn của nhóm. Trong ba năm đầu, các tay trống chơi cùng Napalm tại các show diễn chỉ là “lính đánh thuê” chứ không có… cơ hữu.
Để có thể thu hút người về đánh trống cho nhóm, cả nhóm quyết tâm đến mức để dành cát-xê, khi ấy chỉ là 50.000 đồng/người/show, ba người 150.000 đồng trong suốt một năm để chung mua một bộ trống hơn 3.000.000 đồng và… tuyển người. Đầu tư đến vậy nhưng vẫn không có ai phù hợp trở thành mảnh ghép còn thiếu cho Napalm. Năm 2020, Tiến Nghĩa “tư vấn” cho em trai là Hoàng Tiến Hiếu (sinh năm 2001) đang học guitar chuyển sang… tập trống; thế là Napalm sở hữu tay trống của riêng mình. Theo thời gian, có sự thay đổi về thành viên, người cũ đi nhưng ban nhạc cũng đón nhận nhiều thành viên mới.
Năm 2022, Trương Viết Trịnh (1997) gia nhập Napalm với tư cách hát chính thay cho Anh Tú, năm 2022 là keyboard Trần Ngọc Thanh (2004), violist Trần Nguyễn Ánh Hồng (2007), năm nay là tay bass Hồ Nguyễn Gia Long (1998). Họ cùng với hai anh em Tiến Nghĩa, Tiến Hoàng là đội hình hiện tại của Napalm. Mặc dù có chênh lệch về độ tuổi, thế nhưng thứ gắn kết họ là tình yêu âm nhạc, hay cụ thể hơn là sự cháy bỏng của rock trong tâm hồn.
Với Napalm, 2022 là một năm đáng nhớ của ban nhạc. Khoảng thời gian ấy vì dịch bệnh họ không luyện tập cùng nhau được, thế là Viết Trịnh, Tiến Nghĩa, Tiến Hoàng bước đầu sáng tác các bài hát đầu tiên của nhóm. Từ những giai điệu và lời nhạc được Trịnh ngân nga trên điện thoại, hai anh em họ Hoàng bắt tay vào phối nhạc. Thêm vào tiếng trống, tiếng guitar, tiếng bass đến những hiệu ứng từ piano, violon, các thành viên của Napalm cùng nhau góp ý, cùng nhau tạo nên một bài hát của riêng họ. Napalm từ một ban nhạc chỉ chơi nhạc của người khác trở thành một rock band thực thụ sở hữu tác phẩm của riêng mình.
Cũng vào năm ấy, Napalm bất ngờ được chọn là một trong hai ban nhạc chủ nhà biểu diễn tại Rockshow “Comeback Cố đô”. Vừa tự hào, vừa lo lắng, Napalm tự “làm khó” bản thân khi quyết định chọn đây là dịp để ban nhạc trình làng những đứa con của mình. “Lần đầu tiên đem nhạc sáng tác đi biểu diễn lại chọn sân khấu lớn như vậy thật sự là một thử thách lớn. Xui rủi thế nào đợt đó Hiếu còn bị đau nhập viện, cả nhóm chỉ có thể tập đủ người trước ngày diễn 2 ngày.” Tiến Hoàng nhớ lại. Dẫu vậy, sự liều lĩnh đó đã đem đến cho ban nhạc sự đền đáp xứng đáng. Buổi diễn thành công, cái tên Napalm được hàng nghìn khán giả hô vang, sản phẩm âm nhạc của band được khán giả Cố đô đón nhận. Đến nay, ban nhạc đã sở hữu 8 bài hát của riêng mình, trong đó có 2 bài hát đã được đưa lên các nền tảng xã hội là “Ranh giới” và “My Apology”.
|
Napalm biểu diễn tại Rock Thanh niên: Thắp lửa đam mê |
Chơi nhạc không làm ra tiền, đây là sự thật mà các ban nhạc ở Huế đều hiểu. Đó cũng là lý do khiến nhiều ban nhạc trẻ “chóng nở, chóng tàn”, những ban nhạc lâu năm thường phải gác lại đam mê vì cơm áo gạo tiền. Với các rock band, điều này còn thể hiện rõ hơn khi rock kén người nghe, Huế cũng là một cộng đồng nhỏ, các show diễn ít ỏi, chưa kể văn hóa “đi chơi show” ở Huế vốn chưa rộng rãi. Vì lẽ đó mà Napalm từ đầu là rock band nhỏ tuổi nhất, sau khi hoạt động 7 năm vẫn chưa có một “hậu bối” nào. Chính vì thế, suy nghĩ của Tiến Hoàng đã chuyển từ “đi tham gia show của người khác” thành “tự tạo sân chơi cho các ban nhạc”.
Tay trống Hoàng Tiến Hiếu cho biết, sắp tới sẽ có một rock show của riêng Napalm với tên gọi “Enough is Enough”. “Đây là lần đầu tiên bọn mình đứng ra tổ chức một show âm nhạc, lo nhất vẫn là việc có khán giả đến tham gia hay không. Cho đến nay tụi mình vẫn lặng lẽ “tự biên tự diễn”, không chỉ thiếu mạnh thường quân mà thiếu cả một định hướng có tổ chức…” Hiếu cười nói. Với Hiếu và mọi người trong ban nhạc, bất kỳ show nào của Napalm tổ chức cũng phải bán vé: “Bọn mình chỉ thu 50.000 đồng/vé, số tiền này cũng không đáng là bao, nhưng theo bọn mình thì đó là một cách lọc… khán giả. Phải như vậy mới thực sự tìm chọn được những người biết lắng nghe âm nhạc, họ đến vì âm nhạc của tụi mình.” Hiếu chia sẻ.
Luôn cháy hết mình trong từng show diễn, các thành viên của Napalm vừa thể hiện niềm đam mê cuồng nhiệt của mình với âm nhạc, vừa lan tỏa nguồn năng lượng tích cực mà rock mang đến cho khán giả. Đồng thời, các bạn trẻ cũng góp phần khẳng định cộng đồng yêu rock, chơi rock của Huế vẫn tồn tại, vẫn mãnh liệt trên bản đồ âm nhạc Việt Nam.