ClockThứ Bảy, 04/05/2019 09:19

Qua sông Hậu

TTH - Trong một ký ức chưa nhiều về miền Tây, tôi vẫn nhớ tiếng xích rộn rạo khi người ta neo phà và tiếng xe ậm ừ, chộn rộn khi xuống bến Vàm Cống.

“Trời đất, đoàn chị qua bên tui đi chớ. Từ Sóc Trăng đi Trà Vinh gần xịt à, có mấy chục km. Bằng non nửa đường nếu đi Cần Thơ thôi à!”. Hậu nói, giọng anh nghe không phải như một đề nghị nữa mà giống như một yêu cầu. Điều đó làm tôi áy náy đến mức phải nghĩ lại quyết định lúc trước của mình, rồi thay đổi.

Phà qua sông Hậu

Không phải là người am hiểu miền Tây, lại lười Google để tìm hiểu về các chặng đi, nên tôi đã cứ đinh ninh rằng, muốn đến Trà Vinh cứ phải bắt đầu từ Cần Thơ, ngồi xe đầu chừng 1h30 phút hoặc 2h tùy quãng đường. Qua Sóc Trăng rồi mới biết, Hậu hoàn toàn có lý. Ít ra thì chúng tôi còn có hơn nửa ngày để thăm thú quê hương của món bánh pía trứ danh. Trưa đó, Hậu đưa mọi người qua phà Đại Nghĩa sang thăm một vùng cây ăn trái trù phú ở Cù lao Dung. Tôi nhìn lưng áo Hậu ướt đẫm khi ngồi trong mái hiên một nhà vườn, nhớ anh nói khi sáng rằng, đang là ngày nóng nhất ở miền Tây kể từ tết đến nay. Mà nắng thiệt chớ. Nắng xói kể cả khi những bóng xoài quả đong đưa ngay trên tuyến đường xóm và chạm cả vào vai người. Nắng làm mắt người nhảy nhót kể cả khi những chùm nhãn sà xuống kiểu như chỉ cần chạm môi sẽ gặp ngọt.

Cù lao này là nơi công tác ngày trước của Hậu. Anh kể hồi đó ngày nào cũng đi gần như hết từ đầu đến cuối cù lao. Vậy nên giờ chỗ nào cũng thuộc, cô bác vườn nhà nào cũng hay. Điều đó có thể nhận thấy trong cách mà người ở cù lao chuyện trò chào hỏi với Trưởng ban Tuyên giáo huyện cũ. Tôi không biết ngày Hậu công tác ở đó, Cù lao Dung trông như thế nào, đã khác bao nhiêu so với ngày còn là căn cứ cách mạng, nhưng bây giờ thì vùng đất này đã trở nên xanh tươi, trù phú và trở thành một trong những điểm du lịch miệt vườn của Sóc Trăng. Mà ngó cách nói, cách cười của người miền Tây là biết thiệt thà thôi rồi. Kiểu như ông bà vườn nhà Tư Mừng lần đầu tiên đón đoàn khách Huế mà xởi lởi như là đã quen biết từ lâu, rồi xăng xái đi hái ổi, hái nhãn, bật quạt rót nước mời uống rồi hỉ hả chuyện vườn, chuyện xóm, chuyện con chuyện cái. Như hàng xóm của Tư Mừng, chỉ nhắc chừng mấy cô khách đây là vườn của tui, rồi lại cười xuề xòa: các cô cứ hái đi à nghen, ổi đang vào mùa ngọt đó… 

Trong một ký ức chưa nhiều về miền Tây, tôi vẫn nhớ tiếng xích rộn rạo khi người ta neo phà và tiếng xe ậm ừ, chộn rộn khi xuống bến Vàm Cống. Lúc đó đâu chừng hơn nửa khuya. Những âm thanh làm tôi nhớ chuyến hành hương của gia đình mình vào năm 1976, ít lâu sau khi giải phóng Huế khi qua phà trên sông Bến Hải. Một ký ức xa lắc được đánh thức bằng những âm thanh rất thực trong giấc ngủ mơ màng. Nhớ mình cũng đã lên một chuyến phà khác ở bến Châu Giang (Châu Đốc) vượt qua bên kia bờ sông để gặp ánh mắt sâu thẳm của những người đàn bà làng Chăm dưới tấm khăn hijab, cả những người đàn ông đẹp như đến từ một đất nước xa xôi ở Thánh đường Mubarak và những tiếng cầu kinh dài hơn hơi thở trong nửa chiều vàng nắng.

Không biết chừng nào sẽ có cây cầu bắc qua miệt cù lao và nối liền Sóc Trăng với Trà Vinh, nhưng cảm giác ngồi phà sông Hậu hôm đó đã làm tôi thấy những rộng dài và mênh mông của vùng sông nước. Thấy lục bình ở đâu cũng dạt trôi sảng khoái, y như cách mà Hậu đã hát một ca khúc về miền Tây quê anh trong đêm gặp gỡ đồng nghiệp thay lời nhắn gửi nỗi nhớ niềm thương nơi “ruộng xanh tốt tươi bao đời nuôi ta khôn lớn”…

KHANG NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xốn xang

Cứ như là một sự vắng khuyết nào đó, một sự hao gầy nào đó, ngày của những ngày nắng như không là nắng sao cứ hoài xốn xang.

Mùa xốn xang
Return to top