|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Chủ trì buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ. Cùng dự làm việc có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.
Thừa Thiên Huế với lợi thế là trung tâm văn hóa, giáo dục và đào tạo, có lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đông đảo, chỉ riêng Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật đã có 8 hội chuyên ngành với khoảng 752 hội viên. Tỉnh hiện có 2 đơn vị nghệ thuật công lập; 2 cơ sở đào tạo về các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Nhìn chung, hoạt động nghệ thuật biểu diễn cơ bản được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành, các chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức phong phú, đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng; góp phần đáp ứng nhu cầu thị hiếu, nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, nghệ thuật truyền thống đang bị lấn át, khó cạnh tranh với các loại hình giải trí khác nên các đơn vị nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với nhiều thách thức như kịch bản dàn dựng khan hiếm, lượng khán giả giảm; kinh phí dàn dựng chương trình, vở diễn còn thấp, địa bàn hoạt động của sân khấu nói chung và bộ môn kịch hát dân tộc nói riêng ngày càng thu hẹp.
Trao đổi, kiến nghị tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị nhà hát, biểu diễn nghệ thuật chia sẻ nhiều nhóm vấn đề về các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vốn có; những tồn tại hạn chế trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp; thiếu đội ngũ làm nghệ thuật kế cận; loại hình nghệ thuật Ca Huế chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động biểu diễn mang tính tự phát chưa có mô hình quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, các nhà hát nói riêng và các đơn vị hoạt động nghệ thuật trên toàn tỉnh nói chung đang là nguồn lực, thế mạnh để bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là di sản phi vật thể để làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật trong giai đoạn mới.
Trong những năm qua, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hợp lý, nhận thức của lãnh đạo các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, cần có tầm nhìn lâu dài để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong điều kiện còn hạn hẹp về kinh phí.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị cần hiểu rõ bản chất, thực trạng tình hình hoạt động, biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn để có giải pháp duy trì, phát triển và tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống; có cơ chế, chính sách, tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng nghệ sĩ, diễn viên theo hướng trẻ hóa, tập trung nguồn lực thu hút những hạt nhân nghệ thuật trẻ, tài năng.
Nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các Nhà hát theo hai hướng bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống. Lãnh đạo các đơn vị cần xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật Dân ca, Ca Huế và Ca kịch Huế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mong muốn, các nhà hát, đơn vị biểu diễn nghệ thuật tiếp tục xây dựng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phù hợp với thời đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của công chúng. Qua đó, phát huy những giá trị văn hóa, góp phần hiện thực hoá Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ vào thực tiễn; xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.