ClockThứ Ba, 04/07/2017 09:48

Sản phẩm “hương đồng gió nội” cho du lịch Huế

TTH - Tạo hoá đã ban tặng cho xứ Huế nhiều thắng cảnh tuyệt vời, cha ông ta để lại cho Huế nhiều di sản được thế giới công nhận là di sản văn hoá của nhân loại. Đó là lý do tại sao người ta không thể không đến Huế dù chỉ là một lần trong đời. Tuy nhiên, tại sao người ta chỉ đến Huế một lần và không bao giờ có ý nghĩ quay lại Huế?

Lý do không mới nhưng chưa cải thiện được là sản phẩm du lịch của Huế còn nghèo nàn khiến du khách không còn mặn mà quay lại Huế lần hai, lần ba. Điều này cũng có nghĩa, làm sao tăng khách du lịch, tăng số ngày lưu trú của khách, khuyến khích khách du lịch mua sắm, tiêu pha… là một vấn đề quan trọng của ngành du lịch Huế nói riêng và nền kinh tế Huế nói chung.

Vậy thì, tạo những nơi vui chơi giải trí lý thú và lành mạnh cho Huế ban ngày lẫn đêm, cũng như tạo điều kiện cho người dân Huế mạnh dạn đầu tư khai thác du lịch, giáo dục các tầng lớp nhân dân góp phần vào lợi ích chung của thành phố, không thờ ơ trước xu hướng phát triển chung, sửa chữa đường sá, tổ chức các tuyến xe bus, tạo thông thoáng không gian trong giao thông… là việc làm đáng được các cấp chính quyền quan tâm.

Bên cạnh đó là giữ gìn vốn văn hóa, vật thể cũng như phi vật thể và phát huy tác dụng của các vốn văn hóa này, bởi chúng ta không thể bó hẹp trong các di tích đã được xếp hạng của quần thể di tích do triều Nguyễn để lại; việc mở rộng phạm vi hoạt động du lịch xa hơn là điều cần làm ngay nhằm đặt di tích cung đình Huế vào trong bối cảnh chung của tổng thể văn hóa của thành phố nói riêng và toàn miền Trung nói chung.

Đến với Huế là đến với sự tồn tại của nhiều ngôi làng cổ. Gần ngay thành phố là Kim Long, Nguyệt Biều, Dương Nổ, xa hơn thì có làng Mỹ Xuyên, Phước Tích, Hiền Lương… Các làng này tuy cũng chịu nhiều biến thiên theo dòng xoáy của hiện đại hóa nhưng vẫn lưu giữ những nét đặc trưng của làng quê vùng Thừa Thiên Huế. Từ bên trong các ngôi làng này, chúng ta có thể bắt gặp hơi thở của cuộc sống dân dã, bình yên của đời sống làng quê mà ở thành phố không thể tìm ra được. Hơn thế, chúng ta có thể lĩnh hội nhanh chóng nhiều điều bổ ích về những vấn đề về văn hóa nhà vườn - một vũ trụ thu nhỏ thể hiện quan niệm sống, trình độ thẩm mỹ và hàm chứa nhiều tính chất triết lý của gia chủ.

Nghề thủ công truyền thống với nghề đúc đồng, chằm nón, thêu ren, làm đồ kim hoàn… cũng là những chủ đề lý thú để khám phá và tìm hiểu đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, sản phẩm của các làng nghề truyền thống này hoàn toàn có thể đạt đến chất lượng cao của hàng mỹ nghệ cao cấp phục vụ du lịch. Phường Đúc, Thủy Xuân, Thành Lồi, Phú Cam… cũng cần phải khuyến khích thợ thủ công giữ lại bản sắc nghề cũng như bản sắc của làng, của vùng đất, kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế mà không làm hỏng bản sắc cũng như môi trường, không thương mại hóa các đặc điểm văn hóa.

Kiến trúc truyền thống với đủ các loại hình: nhà rường, nhà tranh tre, nhà gỗ mái ngói… đủ loại công năng: đền, đình, am miếu, chùa, nhà thờ, nhà ở, nơi thưởng ngoạn… cùng nghệ thuật ẩm thực dân gian, cung đình cũng là tuyến tham quan khá thú vị.

Nhu cầu tìm về với những giá trị truyền thống càng ngày càng lớn, biết trân trọng những giá trị này và làm người khác cảm nhận được là nhiệm vụ của người làm văn hóa và du lịch, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch - những người truyền tải cái đẹp, cái chân chất giản dị ấy đến với du khách trong và ngoài nước.

Trên đây chỉ là một số đề xuất nhỏ về sản phẩm “Hương đồng gió nội” cần được quan tâm và phát huy trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà. Hy vọng, những sản phẩm này sẽ tô điểm và làm mới hơn nữa cho những sản phẩm du lịch hiện có và trong tương lai không xa, góp phần cải thiện những tồn tại mà du lịch Huế chưa tháo gỡ được.

Nguyễn Thị Ngọc Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top