ClockThứ Năm, 12/01/2017 05:51
XUNG QUANH DỰ ÁN TRÙNG TU, CẢI TẠO “BIA QUỐC HỌC”:

Sẽ thẩm định trước khi có phương án tiếp theo

TTH - Sau một thời gian trùng tu, công trình Đài chiến sĩ trận vong nằm trên đường Lê Lợi (TP. Huế) chuẩn bị hoàn thành. Tuy nhiên, những ngày qua có nhiều ý kiến về màu sắc của công trình này.

Chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóaLo ngại trong việc thay đổi màu sắcCẩn trọng trong việc trùng tu Đài chiến sĩ trận vong (Bia Quốc Học)Đã chỉnh sửa lại họa tiết, hoa văn trang trí

Về phía nhóm tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo khẳng định rằng, tất cả điều được tham khảo, nghiên cứu kỹ càng trước khi trùng tu.

Đã nghiên cứu trước khi chọn màu sơn

Chiều 11/1, chúng tôi quay trở lại công trình Đài chiến sĩ trận vong hay còn được gọi với cái tên: “Bia Quốc Học”, bên cạnh các khâu hoàn thiện, công trình này được sơn màu vàng mà theo nhiều người là chói, lạ mắt, không giữ nguyên nét cổ kính như trước và làm mất đi vẻ hài hòa với các công trình kiến trúc khác dọc theo bờ sông Hương, đường Lê Lợi.

Trao đổi với báo chí ngay tại công trình, ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung – thành viên tham gia nhóm tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo cho biết, đã tiếp nhận khá nhiều ý kiến khen, chê về công trình Đài chiến sĩ trận vong. Tuy nhiên, ông khẳng định trước khi quyết định sơn màu vàng đã nghiên cứu nhiều tài liệu cũng như đối chứng thực tế. “Mặc dù Đài chiến sĩ trận vong chưa được công nhận di tích nhưng vẫn được ứng xử như một di tích bởi nó có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của Huế, nên khi trùng tu đến đâu chúng tôi đều chụp ảnh, phân tích và xử lý màu đến đó”, ông Quảng nói.

Lý giải về màu sắc, ông cho rằng giai đoạn đầu khi mới sơn thì màu đậm. Qua thời gian, tiếp xúc với không khí, môi trường thì màu sẽ trầm dần và sẽ trở lại màu sắc cổ kính như trước đây.

Trước những câu hỏi xoay quay việc tại sao lại bóc toàn bộ vữa mà không tu bổ theo hướng hư đâu sửa đó, ông Quảng cho rằng sau khi kiểm tra phát hiện phần mái hư hỏng toàn bộ, tường có khả năng sụp đổ, cùng với đó nếu chọn phương án hư đâu chắp vá đó thì rất khó nhìn. Tuy nhiên, các hoa văn vẫn được đơn vị giữ nguyên trạng “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để dự phòng trường hợp có bổ sung hay điều chỉnh”, ông Quảng cho hay.

Sẽ mời hội đồng thẩm định lại

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một trong những công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa của Huế nên phải cẩn trọng, cần giữ được tính nguyên bản của nó. Ngoài ý nghĩa tri ân, công trình này còn như một giá trị kiến trúc đẹp, vừa truyền thống, vừa có tính cách tân trong thời kỳ giao thoa, dung hợp giữa văn hóa châu Âu và văn hóa truyền thống Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, chuyện trùng tu, cải tạo Đài chiến sĩ trận vong những ngày qua làm “nóng” dư luận, ai cũng ngỡ ngàng với màu sắc và cách làm chưa thực sự hợp lý. Tuy chưa có quyết định nào công nhận Đài chiến sĩ trận vong là di tích nhưng ai cũng cảm nhận được công trình có một giá trị về lịch sử, thẩm mỹ và rất đặc trưng ở Huế.

Cùng ngày, qua trao đổi, ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (đơn vị chủ đầu tư) cho hay: “Tôi khẳng định về mặt kiến trúc hoàn toàn không bị phá vỡ, tuyệt đối tuân thủ hoa văn cũ. Hiện nay, dư luận đang nói đến vấn đề màu sắc, chúng tôi sẽ mời hội đồng thẩm định lại trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, sau đó sẽ có phương án tiếp theo”.

Tất nhiên công trình này đã xuống cấp và việc tu bổ là một nỗ lực đáng ghi nhận của phía thành phố. Nhưng đúng ra, giải pháp tốt nhất là làm giống tu bổ di tích, nghĩa là hư hỏng phần nào thì sửa phần đó, phần nào còn nguyên thì để lại. “Tôi biết khi làm công trình này, phía thành phố có thành lập hội đồng có các sở, ban, ngành. Nhưng theo tôi, hội đồng này lẽ ra nên có nhiều nhà nghiên cứu am hiểu về văn hóa, thậm chí là Hán – Nôm (vì trên đó có ghi chữ Hán) và các kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích. Tôi nghĩ nếu nói về quy trình thì họ đã làm đúng nhưng chất lượng thì chưa thực sự hiệu quả”, ông Hoa nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề màu sắc, ông Hoa cho rằng sơn màu vàng là hơi “chỏi”. Trong tư liệu và ảnh cho thấy, có nhiều phần không phải màu vàng như công trình mới sửa chữa hiện nay, đơn cử như giữa bia trước đây là màu trắng. Và, cách giải thích màu hơi mới một vài năm sẽ xuống màu là chưa thuyết phục. Không phủ nhận đó là kỹ thuật truyền thống nhưng để nói chuyện thay đổi màu sau vài năm thì không phải dễ. “Đã đến lúc UBND thành phố nên cầu thị, mời một hội đồng, chú trọng đến chất lượng thành viên hội đồng, có nhiều nhà nghiên cứu để bàn bạc hướng tiếp theo, cân nhắc đến việc thay đổi màu sơn, khôi phục lại các họa tiết cũ (khánh, huy chương, tên những chiến sĩ tử trận)”, ông Hoa ý kiến.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế có hai bài (“Cẩn trọng trong việc trùng tu Đài chiến sĩ trận vong” ngày 14/11/2016 và “Lo ngại trong việc thay đổi màu sắc” ngày 24/11/2016) phản ánh xung quanh vấn đề này.

PHAN THÀNH – HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh Hòa ấn tượng về chuyển đổi số và bảo tồn di tích của Thừa Thiên Huế

Ngày 17/7, trong khuôn khổ chuyến công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Hải Ninh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) và làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế về chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Cùng đi có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn.

Khánh Hòa ấn tượng về chuyển đổi số và bảo tồn di tích của Thừa Thiên Huế
Long Nhật nặng tình với Huế

Vào ngày 12/7 này, ca sĩ Long Nhật kỷ niệm hành trình 35 năm ca hát bằng một liveshow được tổ chức ngay tại Huế.

Long Nhật nặng tình với Huế

TIN MỚI

Return to top