ClockThứ Năm, 20/12/2018 14:56

Bông sen đá

TTH.VN - Blan yêu chồng, thương chồng, nhưng nàng không thể hiểu hết được những gì đang cuộn chảy trong người đàn ông hơn mình trên cả chục tuổi này. Cứ tưởng bên nhau bao năm, thuộc từng nốt ruồi bên trong người vợ, và cứ tưởng hai tâm hồn đã hòa nhuyễn vào nhau thành một, thế mà sao có những điều thật giản đơn chồng lại vẫn cố tình lảng tránh?

Đáy giếngCầu vồng đi đâuVết sẹo an lành

Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện về thăm Việt Nam là vợ chồng Hoàng lại bất đồng.

- Anh, sao không chịu nghe em lấy một lần. Mình về quê đi anh.

Và lần nào Hoàng cũng im lặng, hoặc “để anh nghĩ”, hoặc lẳng lặng đi ra vườn tỉa tót mấy bông sen đá. Blan giận, chỉ biết thở dài.

Blan yêu chồng, thương chồng, nhưng nàng không thể hiểu hết được những gì đang cuộn chảy trong người đàn ông hơn mình trên cả chục tuổi này. Cứ tưởng bên nhau bao năm, thuộc từng nốt ruồi bên trong người vợ, và cứ tưởng hai tâm hồn đã hòa nhuyễn vào nhau thành một, thế mà sao có những điều thật giản đơn chồng lại vẫn cố tình lảng tránh?

Cộng đồng người Việt ở vùng Santa Ana này chẳng mấy ai là không biết đến vợ chồng Hoàng. Vì nhiều lẽ, bởi vợ Hoàng là người Cơ Tu, cô gái dân tộc thiểu số duy nhất ở vùng này. Và lại đẹp, nét đẹp thật thuần khiết, mộc mạc. Đôi mắt đen to, đôi môi dày, hàm răng trắng muốt nổi bật trên nền da nâu mịn màng. Lại nữa, già rồi mà sao nụ cười vẫn như trẻ thơ. “Thật dễ ghét”, Hoàng đã bao lần thốt lên với vợ khi nhìn Blan cười. Còn vì lẽ nữa, ấy là vợ chồng Hoàng từ người nhặt ve chai nghèo khó, sau những năm lăn lộn với nhiều nghề khác nhau, đã trở nên giàu có. Hỏi đã mấy người Việt dám bỏ tiền mua ngôi biệt thự ở bãi biển New portbeach này?

Ngôi biệt thự của vợ chồng Hoàng thật trang nhã, màu trắng thanh khiết nổi bật giữa một vườn hoa sặc sỡ sắc màu của các loại  hồng điệp, lay ơn, cẩm tú cầu, bồ công anh và cả những bông sen đá mộc mạc, khép nép ẩn mình dưới những tán hoa.

Vợ chồng Blan hài lòng với ngôi nhà mới, nhưng từ ngày về đây, Blan cảm thấy như có một điều gì đang đến với chồng. Nhiều lúc thấy chồng trầm ngâm suy tư bên những cánh sen đá mỗi khi ra vườn chăm sóc hoa, Blan không khỏi chạnh lòng. Lẽ nào trong sâu kín tâm hồn có một điều gì đấy mà chồng không thể nói ra?.

Ngay trên bàn làm việc, trên mặt của chiếc lò sưởi bằng củi cũng được đặt những bông sen đá to, đẹp, cánh hoa đều tăm tắp, xòe ra tròn trịa, sắc tươi roi rói. Hoàng thầm thì, “em xem, những bông sen đá mới đẹp làm sao. Hỏi có hoa nào mộc mạc, thuần khiết lại có sức sống mãnh liệt như sen đá?”. Chỉ cần nghe giọng chồng nói cũng đủ biết anh ấy yêu thích những bông sen đã đến nhường nào. Blan chợt nghĩ, phải chăng chồng bỏ vùng Santa Ana, nơi có đông cộng đồng người Việt, về đây sinh sống cũng chỉ vì những bông sen đá?

Rồi không biết từ bao giờ Blan cũng lại thích ngắm nhìn, chăm chút từng bông sen đá.

Nhưng cũng kể từ ngày ấy, chẳng riêng gì Hoàng thay đổi, mà cả Blan đôi lúc cũng thấy thiếu vắng một cái gì đó, nghĩ mãi không ra. Nó len lỏi trong suy tư của cô rồi bùng lên như một nỗi buồn trống trải day dứt hiện diện ngay trong căn nhà đầm ấm của mình. Mãi cho đến khi trở lại thăm bà con người Việt ở Santa Ana, Blan mới hiểu ra, đó chính lại là nỗi nhớ buôn làng, nhớ cái nhà có mái tròn tròn mà chỉ người Cơ tu mới có.

Và rồi cứ mỗi lần có bà con ở Santa Ana đến chơi kể chuyện chuyến về thăm quê hương là Blan lại giục chồng:

- Anh nghe em nói nì. Bà con mình ở Santa Ana biết bao người đã trở về Việt Nam. Mà răng anh không chịu về?. Anh sợ chi rứa? 

Nghe mãi thành quen, nhưng lần này anh lại ôm Blan, cô vợ bé bỏng của mình vào lòng:

- Được rồi, chúng ta sẽ về.

- Không được lâu nghe. Em nhớ mế nhiều nhiều rồi đấy!

Thực ra đâu chỉ có Blan nhớ quê, Hoàng cũng muốn về lắm chứ. Quê Hoàng là một xóm nghèo thơ mộng, hiền hòa nằm ven dải cát vàng chạy dọc bãi biển Thuận An. Nơi đó có biết bao kỉ niệm vui buồn gắn với tuổi ấu thơ, có ba má ngày ngày còm cõi, khắc khoải không biết thân xác thằng con trai duy nhất đang bị chôn vùi nơi mô. Và ở nơi đó có Bảo Trâm, vợ chưa cưới, mà Hoàng đã phụ bạc để đến với Blan. Blan đâu hiểu được nỗi khổ tâm của chồng, đâu hiểu được cuộc sống phức tạp, nhằng nhịt như nhện giăng tơ của lũ người dưới đồng bằng. Còn nữa, Hoàng sợ. Dù chỉ mới đi lính chẳng được bao lâu nhưng Hoàng đã dính chàm. Hình ảnh sug đạn, giết chóc cứ bám riết chẳng chịu buông tha. Vậy thì những người lính như Hoàng liệu có được yên thân khi trở về?

Hoàng biết mong ước của vợ quá giản đơn, có khác gì một đứa trẻ mong mẹ đi chợ mua cho một cái kẹo. Vậy mà Hoàng vẫn phải đắn đo suy nghĩ. Đến tận hôm nay suy nghĩ ấy vẫn bám theo từng bước chân của Hoàng trên con đường nhỏ dọc theo dải cát vàng ven biển ra đến tận chiếc cầu cá. Cầu cá nhô ra ngoài biển đến cả trăm mét. Ở nơi đây sóng vỗ ỳ oạp suốt ngày đêm. Những con gió từ eo biển phía bắc tràn về dàn dạt mạnh đến mức làm lũ chim hải âu cũng phải chấp chới chơi vơi. Hòa vào không khí trong lành của biển cả còn ngát mùi hương nồng nàn từ quán cafee Starburst đặt ngay chính giữa điểm cuối cầu, nơi mà Hoàng có thể thả hồn cùng những suy tư.

Hoàng thích đến đây nhâm nhi tách cafe, găm nhấm những kí ức một thời. Những kỉ niệm buồn vui như những tờ lịch lần lượt được bóc ra theo từng năm tháng. Hoàng đang giở từng trang nhưng lại chẳng theo quy luật ngày tháng như tạo hóa đã ban cho. Tờ lịch ghi lại dấu ấn sâu đậm nhất vẫn lại là Blan, người vợ bé nhỏ cũng là người sinh ra Hoàng lần thứ hai. Đã trải qua hàng chục năm mà Hoàng vẫn còn nhớ đến từng cành cây, ngọn cỏ, đến mùi khét lẹt của đạn nổ và hơn cả là những cơn khát như muốn đốt cháy thân xác Hoàng …

*

Đúng là Hoàng khát, cơn khát của mấy chục năm rồi. Đến tận giờ Hoàng vẫn nhớ như in cơn khát ngày ấy, cái khát làm hơi thở khô khốc, nóng rát. Trong cơn mê sảng Hoàng như thấy một thác nước trắng xoá, tràn ngập, ào ào chảy, những bọng nước mát rượi xối xả tưới lên người. Hoàng hớp từng giọt, từng giọt. Bỗng một tiếng nổ chát chúa kéo bật Hoàng ra khỏi cơn mê. Cơn khát lại ào đến. Hoàng lần tìm chiếc bi đông nước. Nhẹ tếch. Méo mó, lỗ chỗ những vết đạn. Phải tìm nước.  Hoàng vùng ngồi dậy để đi nhưng một cơn đau xé ruột vật ngã Hoàng xuống. Hai chân đầy máu ướt đầm cả đám lá khô, cành cây mục. Hoàng cố dướng người tìm kiếm đồng đội. Có tiếng chân người chạy, rồi lao xao tiếng người. Hoàng nằm bất động, mắt nhắm nghiền, lắng nghe. Lo lắng. Bồn chồn. Lằn ranh giữa sống và chết là lúc này đây. Chưa kịp định thần, một cái mũ tai bèo bạc phếch xuất hiện. Người lính Việt Cộng chĩa thẳng mũi súng, chăm chăm nhìn vào đôi chân đẫm máu của Hoàng.

- Xin ... ông, xin ông, đừng... bắn tôi.  Cho...  cho... tôi nước.

 Đáp lại lời van xin cầu khẩn của Hoàng lại là một tiếng kêu đầy kinh ngạc của người lính phía bên kia:

 - Trời ơi, thằng Hoàng! Sao lại thế này Hoàng ơi!

Không chút ngần ngừ, người lính Việt cộng ngồi thụp xuống, nhanh tay tháo bi đông nước và túi bông băng ra.

Tiếng kêu làm Hoàng bừng tỉnh. Nỗi lo lắng hoảng sợ vụt biến. Hoàng không thể tin vào mắt mình khi nhận ra người đang ngồi bên lại là thằng Phước, thằng bạn có biết bao duyên nợ với Hoàng, với Bảo Trâm.

- Tao không thể ngồi đây lâu được. Nguy hiểm cho mày và cho cả tao. Uống nước đi. Mày gãy cả hai chân mất rồi.

Hoàng chẳng kịp nói gì vớ ngay bi đông nước uống ừng ực. Uống như chưa bao giờ được uống.

- Uống thế thôi! Phải để dành!.

Thằng Phước nói như ra lệnh, trong khi tay vẫn thoăn thoắt băng bó cho Hoàng.

-Tao phải đuổi theo đồng đội. Chắc người của mày sẽ đến. Cố lên. Hiểu cho tao.

Thằng Phước lao vút đi. Hoàng dõi theo bước chân chạy gấp gáp của nó. Nhưng rồi mắt Hoàng nhòa đi bởi tiếng nổ đinh tai, ánh sáng chói lòa, khói bụi bốc lên ôm gọn lấy thằng Phước. Trời ơi, Phước! Vì tao…, Hoàng thốt lên đau đớn, choáng váng và lại rơi vào mê man.

Hình bóng thằng Phước cứ hiện lên hư hư, ảo ảo. Bộ mặt nó chẳng hài hoà chút nào. Cái cằm bạnh ra, đôi lông mày sâu róm to bè bè đè nặng lên đôi mắt, nốt ruồi tròn to như hạt đỗ đen chễm chệ bậu ngay trên mép. Nó học giỏi nhất lớp. Chơi ghi ta chả kém gì bọn chuyên nghiệp. Giá như nó đỡ xấu một chút thì bọn con gái đứa nào mà chả bị knock out. Riêng Bảo Trâm, cô bạn gái mà Hoàng yêu thầm nhớ trộm, lại tỏ ra quý mến nó. Tất nhiên đó là một ân huệ với thằng Phước. Nó yêu Bảo Trâm. Thế là Hoàng và nó trở thành tình địch. Nhưng cũng lạ, học chưa hết năm thứ ba, thằng Phước đột nhiên biến mất. Đến giờ cũng đã bảy năm mới gặp lại nó. Thì ra nó nhập ngũ và ở chiến tuyến khác với Hoàng. Nhưng sao đâu. Dù có thế nào thì hai thằng vẫn là bạn cùng trường, cùng lớp, cùng yêu một người con gái. Dù ở chiến tuyến bên kia nó vẫn sẵn sàng cứu giúp Hoàng đấy thôi. Hoàng sẽ sống, còn nó, thật đau lòng, chỉ trong một thoáng, nó đã trở thành người thiên cổ.

Tỉnh mà mơ. Mơ mà tỉnh. Thực tại và quá khứ cứ bon chen tranh chấp trong Hoàng.

Cơn khát lại ập đến. Hoàng quờ quạng trong đêm tối tìm chiếc bi đông, nhấp nhấp từng giọt nước cầm hơi. Không gian như chùng xuống, nghe rõ tiếng con tim đang xao xác gấp gáp trong lồng ngực. Tiếng rừng như tiếng thở dài não nề, rì rầm thầm thì trong cơn gió thoảng. Tiếng lách tách của những cành gỗ mục cựa quậy trở mình nghe tưởng như âm thanh của những thỏi than hồng đang lụi tàn. Đâu đây vọng đến tiếng chim kêu chíp chíp yếu ớt, như lời van xin cứu giúp. Chắc nó cũng bị thương đang nằm chờ chết như Hoàng?

Trời hửng sáng. Những tia nắng rực rỡ xuyên thủng tầng lá rừng già tạo thành những bức tranh muôn hình sáng tối, rung rinh, rung rinh theo từng làn gió.Tiếng chim hót líu lo, gió thu mơn trớn làm Hoàng bừng tỉnh.

Phải sống. Hoàng nghĩ và bắt đầu lết, lết từng phân một. Đôi chân đau buốt, trĩu nặng tưởng như có cả ngàn cân đè lên, mất hết cảm giác. Lết. Mắt nhắm nghiền. Răng cắn chặt…

Dòng chảy của quá khứ buồn đau đang chảy trong Hoàng, nó chảy gấp gáp đến mức làm Hoàng ngợp thở, tim nhói đau. Hoàng bị bệnh tim và mỗi lần như thế con tim lại đập loạn nhịp. Nhấp chút cafe mong tìm lại sự cân bằng và cố chặn lại dòng chảy vẫn đang ào ạt đến. Không được. Nó vẫn chảy…

Lại một đêm nữa trôi qua. Đêm thứ mấy rồi không biết. Đêm nay không thấy hình bóng thằng Phước, mà trong mơ màng Hoàng lại thấy mình và Bảo Trâm đang thủ thỉ bên dòng sông Hương mộng mơ, dành cho nhau những nụ hôn của mối tình mê say. Hoàng mơ thấy hai đứa đang đuổi bắt nhau trên dải cát vàng ven biển Thuận An. Không hiểu hai đứa đuổi bắt nhau thế nào mà lại lạc đến nằm ở nơi đây, dưới lưng là muôn vàn ánh lân tinh rực sáng được phát ra từ những cành lá mục rữa, trước mặt là cả bầu trời đầy sao nhấp nháy.

Và rồi Hoàng thấy mình và Bảo Trâm cùng bám chặt lấy chiếc bi đông của thằng Phước bay bồng bềnh, bồng bềnh trong ánh sáng chói lòa của triệu triệu ánh lân tinh, ngàn ngàn ánh sao. Hoàng đang rời xa cõi tạm để về với thằng Phước, về với cõi vĩnh hằng.

Cũng kể từ ngày ấy, chiếc bi đông đã được Hoàng nâng niu gìn giữ như bảo vật. Chiếc bi đông của thằng Phước đã cho Hoàng kéo dài sự sống mà nhờ vậy Hoàng mới gặp được thiên thần bé nhỏ của mình, cứu tinh của mình, Blan người vợ yêu quý của Hoàng bây giờ.  

*

-  Chú Hoàng ngồi hoài đây à.

Blan đến từ lúc nào mà Hoàng không biết.

- Chà chà, vợ của anh có câu đùa đáng yêu quá hè. Đã trên ba mươi năm chồng mới lại được vợ gọi là chú đấy. Em biết không, đúng lúc này anh cũng đang nghĩ về những ngày “chú cháu” mình gặp nhau … Nhớ lắm Blan à.

- Tự dưng em cũng nhớ tới những ngày đó. Anh nè, chắc anh chẳng thể nào hiểu được cảm giác của một con bé mới mười sáu tuổi gặp một cái xác nằm giữa rừng lúc chập choạng tối. Ruồi nhặng, kiến đen, kiến đỏ, những con cuốn chiếu dài đến gang tay bâu kín hai ống chân.  Em sợ muốn chết. Chạy một mạch gọi mế ra. Mế bảo còn sống.

Hoàng đâu biết được nỗi sợ hãi của Blan khi gặp cái xác đang dần thối rữa của mình. Mà đúng thế, lúc đó Hoàng có khác gì một cái xác không hồn. Cảm nhận đầu tiên lúc từ cõi chết trở về chính là những giọt nước ngọt ngào mát lạnh len lỏi vào từng li ti huyết quản. Trong mơ màng rõ ràng Hoàng đã nghe thấy tiếng người, rõ ràng đang có bàn tay thật mềm mại chẳng khác gì bàn tay của Bảo Trâm đang vuốt má Hoàng, đang bón từng thìa nước mát lành cho mình. Hoàng giơ tay lên muốn được nắm bàn tay của Bảo Trâm thì có tiếng reo lên làm Hoàng bừng tỉnh, "ù à, chú ấy tỉnh rồi".

Trước mắt Hoàng là hai người đàn bà, một già, một trẻ. Bốn con mắt như đang cười, toát lên sự mừng rỡ, thỏa mãn đến tột độ. Ánh mắt ấy có gì lạ lắm, bởi, đó là ánh mắt của hai người không hề quen biết mà sao nhìn Hoàng như thể đã tìm được người thân thương từ cõi chết trở về.

- Anh còn nhớ chút nào khi mế và em rửa vết thương cho anh?

- Sao lại không.

Hoàng nhớ chứ. Thậm chí nhớ đến từng cử chỉ, từng ánh mắt của hai mẹ con Blan.

Lúc ấy, cô con gái thản nhiên cởi cúc quần của Hoàng, nhẹ nhàng kéo tụt xuống chỗ bị gãy. Hai ống quần bê bết máu và mủ dính bết vào ống chân. Hai mẹ con như hai thầy thuốc thực thụ, cẩn trọng trong từng nhát kéo, tách ra từng mẩu vải, mẩu băng đã ngả màu vàng úa. Mùi thối rữa khăm khẳm xộc lên thật kinh tởm đến mức lợm giọng, nhưng hai mẹ con không hề tỏ ra khó chịu, có lẽ vì họ đã quá tập trung vào những vết thương. Cả hai chân đã bắt đầu hoại tử. Cô gái khéo léo rót từng bát nước lá thuốc vào chỗ bị thương. Xót nhưng dễ chịu. Vết thương được đắp bằng lá giã nhỏ và băng lại. Hoàng cảm thấy đôi chân nhẹ dần, nhẹ tâng như có một phép lạ thần kỳ nào đó của hai người đàn bà Cơ Tu ban cho.

Hoàng nằm đây không biết đã bao lâu rồi. Buồn. Nhớ Bảo Trâm. Có điều an ủi khi biết sự có mặt của mình, của một thằng đàn ông, đã làm cho ngôi nhà trở nên ấm cúng hơn. Nụ cười lúc nào cũng tươi rói nở trên môi của Blan, Cô bé 16 tuổi, tuổi mới lớn, tuổi của những rung động đầu đời. Cái thằng đàn ông trong Hoàng cũng có lúc trỗi dậy mỗi khi cháu Blan nâng Hoàng ngồi dậy, đôi ngực trần nóng hổi cứ áp chặt vào má. Mẹ Blan chỉ hơn Hoàng vài tuổi, nền nã, có những nét đẹp chả kém gì con gái. Bà ý tứ đi ra chỗ khác mỗi khi con gái lau chùi, kị cọ, tắm rửa cho người đàn ông xa lạ. Hoàng thấy thật xấu hổ khi phải để một cô bé mới lớn làm những việc mà chỉ có người mẹ mới dám làm. 

Rồi cũng đến lúc phải tập đi. Những bước đi tập tễnh đầu tiên được Blan dẫn bước. Hoàng sung sướng hạnh phúc bíu chặt Blan trong mỗi bước đi. Nhưng có lẽ hạnh phúc hơn cả chính lại là Blan. Đôi mắt cô cười mãn nguyện, say đắm nhìn chú Hoàng, cái nhìn của một người đàn bà đang yêu dành cho một người đàn ông. Trái tim Hoàng cũng đã bao lần xốn xang bồi hồi, cũng đã bao lần phải trốn chạy cái nhìn say đắm của Blan.

Và rồi, vào một đêm trăng lạnh ướt, chảy nhòe trên lá, tô đậm ánh vàng trên từng thanh cửa sổ, Hoàng đã không thể cưỡng nổi trước mối tình ngây dại của Blan. Cháu ép chặt đôi bàn tay của chú lên ngực mình. Tiếng trái tim của tình yêu cứ rộn ràng, hối hả. Mùi đàn bà làm Hoàng ngây ngất. Hoàng biết mình sắp sửa tan vào người con gái đang thở gấp và da thịt nóng hổi. Họ đã hiến dâng cho nhau tất cả.

*

Hoàng tập tễnh cùng Baln theo dòng người hỗn loạn chạy về phía Sài Gòn. Những ngày lênh đênh trên biển đến Mỹ, không biết bao lần Hoàng đã cầu mong Trời Phật xin ba mẹ, xin vợ chưa cưới tha thứ cho. Ba mẹ và Bảo Trâm hãy coi Hoàng không còn trên cõi đời này. Sẽ có một ngày con xin trả nợ Người....

Nhiều đêm nằm nghe tiếng rì rầm của những con sóng biển New Portbeach Hoàng lại thấy như lời nhắn nhủ từ quê hương Thuận An, của mẹ già, của người vợ chưa cưới. Blan cũng thế thôi, bà nhớ mẹ, nhớ cái nhà có cái mái tròn tròn mà chỉ người Cơ tu mới có, nhớ cái mùi hăng hắc, ngai ngái của núi rừng đại ngàn Trường Sơn. Và mỗi lần như thế Blan lại thổ lộ nỗi lòng của mình với chồng.

Và lần này Hoàng quyết.

*

Đã nửa thời gian của chuyến về thăm quê, hôm nay Hoàng mới  đưa vợ về nơi đầy ắp kỷ niệm, nhưng cũng là nơi mà chưa bao giờ Blan được nghe nói tới. Ngồi trong ô tô mà lòng dạ xốn sang, con tim như muốn chạy trốn khỏi lồng ngực, đau thắt, tưởng như cơn đau tim lại ập đến.

Hoàng không thể ngờ được nơi đây vẫn như ngày nào, vẫn con ngõ nhỏ nằm lọt thỏm giữa hai hàng rào duối, xanh ngắt một màu, được cắt tỉa vuông vưng vức. Trái tim ốm yếu lại rung lên khi thấy những bông sen đá chạy dọc theo con ngõ cứ chập chờn trong mắt. Trời ơi, vẫn những bông sen đá ngày nào. Hoàng thấy văng vẳng đâu đây tiếng thì thầm xa xưa của Bảo Trâm, "Bông sen đá tượng trưng cho một tình yêu bền vững, một tình yêu trọn đời, mãi mãi, không thay đổi theo thời gian", nàng đã nói như vậy khi đang nâng niu, vuốt ve một bông sen đá trước thềm nhà. Hoàng lặng đi trong ánh nắng nhạt nhoà của buổi hoàng hôn, mọi thứ chung quanh trở nên mờ ảo như sương khói. Chỉ còn vài bước nữa thôi sẽ được gặp lại nàng, gặp lại mối tình đầu, gặp lại người con gái đã trao trọn cho Hoàng cái thiêng liêng nhất của người đàn bà. Những ký ức cứ quay tít trong đầu khiến Hoàng cảm thấy chóng mặt. Hoàng đứng lại hít thật sâu giúp cho trái tim bớt quặn đau. Đã đến bậc thềm đầu tiên của ngôi nhà thân quen nhưng Hoàng không thể nhấc nổi cái chân tật nguyền dù chỉ một bước. Hoàng đứng tựa vào bức rào duối cuối cùng nhìn thăm thẳm phía biển động.

- Xin lỗi, ông cần gặp ai? Ông …ông! Trời ơi, lẽ nào lại là Hoàng?

 Giọng nói ồm ồm đầy ngạc nhiên đã cắt đứt dòng suy tư ngổn ngang trong Hoàng. Không còn tin vào mắt mình nữa, người đàn ông đứng giữa cửa với chiếc nạng gỗ, chính lại là Phước ngày nào.

- Tao đây, đúng Hoàng đây mà.

- Tao không ngủ mơ đấy chứ, mày đã có giấy báo tử mấy chục năm rồi mà. Ôi mừng quá, mừng quá. Vào đi, vào đi.

- Phước, tao cũng ngỡ mày không còn ở cõi đời này. Ngày ấy khói bụi lửa đạn đã vây kín người mày?

- Đúng thế. Kết quả là cái chân này đây!

-  Đúng là hai thằng mình được Trời Phật phù hộ độ trì.

Và, không thể kìm nổi sự háo hức mong được gặp lại Bảo Trâm:

 -  Mày vừa đến đây chơi à? Bảo Trâm đâu rồi?

- Thôi cứ vào nhà đã.

Trong căn phòng khách, nhỏ mà ấm cúng, Hoàng đã hiểu ra tất cả. Ở nơi trang trọng nhất là bức chân dung của Phước được treo ngay cạnh chân dung của Bảo Trâm. Bảo Trâm vẫn như ngày nào, duyên dáng, đằm thắm, hiền hoà. Đôi mắt cứ như đang nhìn thẳng vào thằng chồng chưa cưới đã phản bội bà. Hoàng như người mất hồn, chơi vơi trong cái nhìn vừa đằm thắm vừa đượm nỗi buồn man mác của đôi mắt ấy, chơi vơi trong làn khói hương trầm tỏa ra từ bàn thờ nơi vợ chưa cưới đang ngồi đấy! Ngày mai sẽ làm lễ 49 ngày mất của Bảo Trâm. Giá như chỉ về trước ít ngày… Căn phòng im ắng lạ thường tưởng như nghe rõ từng tiếng đập thổn thức của trái tim ốm yếu nơi Hoàng.

Bỗng không gian như bừng tỉnh, vỡ oà ra trong tiếng reo của lũ trẻ: "Nội ơi, nội ơi". Hai đứa trẻ đã ngồi gọn trong lòng ông nó. Và thật khó tin, Blan bấu chặt lấy tay Hoàng khi nhìn thấy một thanh niên, hình ảnh của Hoàng ba mươi năm trước đang đứng ngay trước mặt mình. Blan chưa kịp kêu lên, thì Phước đã đứng lên, chậm rãi nói:

- Đây là con của vợ chồng tôi, cháu Tôn Thất Bảo Hoàng!

Và rồi chỉ vào Hoàng, Phước nói với con:

- Con có nhận ra ai đây không?

Hoàng chơi vơi, trái tim đập loạn xạ, không thể nào... Hoàng không dám tin vào mắt mình nữa. Hoàng đâu ngờ mình lại có con với Bảo Trâm. Giây phút đoàn tụ quá bất ngờ. Hoàng đứng như trời trồng. 

- Kìa con đến với bố Hoàng đi.

Hoàng ôm chặt lấy con, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ trào ra.

Sau hôm ra thăm mộ Bảo Trâm, Hoàng đổ bệnh. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi trái tim ốm yếu của Hoàng đã bị dồn nén quặn đau bởi biết bao niềm vui, nỗi nhớ, sự sót xa, ân hận và cả hạnh phúc ngập tràn cứ đan xen ập đến. Túc trực bên giường bệnh không chỉ có Blan, con trai Hoàng mà còn có cả người đàn ông đã chăm sóc yêu thương mẹ con Bảo Trâm mấy chục năm trời.

Hoàng biết, ân nghĩa mà Blan đã trao tặng cho Hoàng sẽ chẳng bao giờ trả được. Biết làm sao đây, chỉ còn thầm mong cầu trời phù hộ cho Blan, người vợ hiền thục, nhân hậu, vượt qua được nỗi cô đơn, sống tiếp những ngày bình an cùng mẹ trong ngôi nhà đầy ắp những kỉ niệm yêu thương của mối tình đầu. Hoàng tin Blan sẽ hiểu được tâm nguyện của mình...

Nguyễn Quý Thường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top