ClockChủ Nhật, 16/12/2018 07:19

Cuốn truyện tranh bỏ quên

Cầu vồng đi đâuĐáy giếngVết sẹo an lành

1- Nàng thích đọc truyện tranh. Tôi chắc như thế. Vì ở ngay công viên nước trong cái nắng mùa hạ lả lơi khiến cho ai cũng muốn nhảy xuống dòng nước biển xanh mát rượi kia tắm cho giải thoát những giọt mồ hôi đang lặng lẽ chảy trên da thịt, nàng ngồi đọc truyện tranh. Dáng nàng ngồi đẹp như là một tác phẩm nghệ thuật. Theo các họa sĩ phối cảnh, đó đúng là một người đẹp trong một không gian đẹp. Bởi ngay chỗ nàng ngồi là những cánh hoa bươm bướm màu vàng run rẩy. Còn trên cao là những bông hoa lộc vừng dịu dàng thả từng chùm hoa lộng lẫy. Tôi chú ý đến nàng vì nàng đẹp, nhất định thế. Và thay vì đưa máy ảnh để chụp những cô nàng thí sinh đang đùa giỡn trong bộ bikini với dù, với banh nhựa, với các dải băng vải để làm duyên, tôi lại đưa máy ảnh hướng về phía nàng. Nàng gấp cuốn sách lại, đúng là cuốn truyện tranh Doremon.

Nàng nhìn tôi: “Anh ơi, em không phải là thí sinh, anh chụp ảnh em làm gì?” Tôi cười, bạn bè tôi vẫn thường bảo rằng  tôi có nụ cười làm cho người đối diện phải khóc: “Anh biết rồi, nhưng em đẹp”. Nàng để cuốn truyện tranh lại ngay những bông hoa bươm bướm lao xao. Nàng nhẹ nhàng đi xuống bãi biển, nói vọng theo tôi: “Anh à, anh phỏng vấn con nhỏ em em đi, con nhỏ mang số 689 đó.”  Tôi vội vàng lấy cuốn truyện tranh bỏ ngay vào túi xách, không phải tôi định ăn cắp cuốn sách để làm gì, nhưng vì tôi sợ nàng bận rộn công việc chăm sóc cô em gái, lỡ ai lấy cuốn sách thì nàng không có cái để đọc. Rồi tôi theo bước chân của nàng xuống bãi biển. Tất nhiên là hôm đó tôi phỏng vấn cô thí sinh mang số 689. Một cô gái xinh đẹp. Cuộc phỏng vấn diễn ra rất lạ kỳ, cô thí sinh học năm thứ nhất đại học ngoại thương ấy tôi đã nắm lý lịch trích ngang do ban tổ chức cung cấp. Nhưng những câu hỏi đều do nàng trả lời. Thì ra nàng sợ cô em gái của mình trả lời những câu hỏi không ăn nhập gì về cuộc thi.

Tôi quen nàng trong cuộc thi hoa hậu như thế. Cả mười ngày trời tôi đến khu vực thí sinh thi rất sớm. Tôi luôn đưa máy ảnh lên lấy góc chụp nàng cười, và nhiều nhất là nàng đang đọc truyện tranh. May mà nàng không đi thi hoa hậu, nàng đi thi tôi tin chắc rằng nàng sẽ đậu, không như cô em gái của nàng chỉ được xuất hiện làm nền cho các cô gái khác vào tốp 10, tốp 5. Nàng mà đoạt hoa hậu thì tôi sẽ không còn cơ hội để quen nàng. Cũng 10 ngày đó, tôi nắm được lý lịch của nàng còn hơn nắm lý lịch của các thí sinh. Nàng đang học quản trị kinh doanh tận bên Đức (tôi chẳng hiểu nàng qua bên đó làm chi cho xa xôi, trong khi có tôi đang ở bên cạnh). Nàng có năng khiếu vẽ và nàng rất mê học trang điểm, đó là lý do tại sao trong dịp hè này, nàng lại về nước và đi theo em gái mình để làm người trang điểm. Nàng biết làm thơ, và thơ nàng cũng đã từng đăng báo. Nói chung nàng là một cô gái đa tài. Nàng thích ăn các món ăn lặt vặt khi về nước như bánh căn, bánh xèo, bánh hỏi, bánh ướt, bánh canh... Đó là các loại đồ ăn mặn có tên là bánh. Tôi cũng chưa kịp hỏi là nàng có thích ăn bánh ú, bánh tét, bánh mì thịt không? Nhưng tôi chắc chắn là nàng rất thích đọc truyện tranh.

Nàng tên là Bình Phương. Hôm các thí sinh đi thăm trại trẻ mồ côi. Quen đi viết về các cuộc thi, tôi không thích lắm về chương trình này. Bởi đi thăm các trại trẻ mồ côi gần như là một hình thức phải có, sau đó là chọn ra một nhan sắc để bầu làm Hoa hậu thân thiện. Nhưng dù sao thì các thí sinh đi thăm trại, bọn trẻ cũng vui, ít ra là bọn trẻ có một ngày vui chơi thỏa thích. Hôm đó, trong khi chờ đợi buổi lễ diễn ra, tôi tranh thủ tiếp cận nàng:  -Tại sao em không đi thi hoa hậu? Anh thấy em rất xinh. 

Nàng ngước đôi mắt rất đẹp của mình lên, nhìn vào mắt tôi:

- Em thích trang điểm cho hoa hậu hơn là làm hoa hậu anh ạ. 

Nàng hỏi lại tôi:

- Vậy tại sao anh lại thích làm nhà báo?  

Khi ai hỏi tôi câu đó, tôi thường trả lời rất bài bản là vì tôi yêu nghề, tôi thích được đi đây đi đó... Nhưng khi nàng hỏi, tôi lại trả lời khác:

- Nếu không làm báo làm sao anh gặp được em?

Tôi tưởng nàng sẽ cười vì câu trả lời vô cùng cải lương của tôi. Nàng lại nói chuyện khác:

- Ở Nha Trang có quán nào bán gỏi cá mai ngon không anh? 

Tôi cảm ơn quán gỏi cá mai duy nhất mà tôi biết được trong thành phố. Hôm sau các thí sinh được nghỉ một ngày để chuẩn bị cho đêm tổng duyệt. Tôi đã đến khách sạn đón nàng. Nàng mặc một chiếc váy màu hồng xinh. Nàng dùng loại nước hoa gì đó rất nhẹ nhàng như thể là cây cỏ buổi sớm mai. Nàng hồn nhiên ôm eo tôi thật chặt vì nàng sợ té. Tất nhiên là tôi chưa vội chở nàng tới quán, mà tôi lại đảo xe qua hết chiều dài của biển. Trời ơi, cảm giác nhẹ tênh của vòng ôm ấy ngọt ngào làm sao. Nàng ăn ngon lành hết đĩa gỏi cá mai. Chưa bao giờ tôi thấy ai thích thú với món gỏi cá mai như thế. Chỉ cần nhìn nàng ăn là tôi cũng có cảm giác ngon lây.

2- Anh ấy ở đâu, ở nơi nào tôi cũng chẳng biết. Tấm danh thiếp anh ấy đưa tôi cũng đã bỏ quên trong phòng khách sạn sau cuộc thi hoa hậu kết thúc. Tôi còn nhiều việc phải làm bên Đức, nên đã vội bay chuyến bay sáng sớm hôm sau vào thành phố rồi bay thẳng qua Đức. Tôi định gởi lời cảm ơn anh ấy, nhưng ngay cả chiếc điện thoại tôi mua xài tạm trong những ngày ở Nha Trang tôi cũng đã để lại khách sạn. Tôi vô tình xóa tên anh ấy trong ký ức của mình như tôi đi vào một shop bán hàng, rồi không ghé lại, rơi vào lãng quên. Hôm em gái tôi tham gia cuộc thi hoa hậu, con bé Phương Mỹ còn ở tuổi ăn tuổi ngủ, cha mẹ không tin tưởng để nó vào cuộc thi một mình, nên đã gọi điện bảo tôi về nước đi theo nó. Thật ra thì tôi biết con bé khó lọt vào sâu trong cuộc thi, nhưng dù sao chính môi trường đó sẽ làm cho nó trưởng thành hơn. Tôi chỉ có 15 ngày. Tôi rời Việt Nam khi tôi mới chín tuổi, ở xứ người nhiều hơn ở trong nước, nhưng ký ức của tôi lại đậm sâu về những món ăn  ở con phố tôi từng sống ngày xưa. Đó là lò bánh căn với những chiếc bánh nóng hổi trong cơn lạnh mùa đông, là những chiếc bánh xèo hay món gỏi cá mai mà tôi đã từng ăn thời thơ ấu khi ba đưa tôi đi Nha Trang chơi. Tôi đã mang theo không biết bao nhiêu truyện tranh tôi mua để đem đến Nha Trang đọc. Tôi biết anh lấy một cuốn truyện tranh của tôi bỏ quên. Tôi gặp anh, tôi biết anh là nhà báo cho nên tôi rất thận trọng. Rồi khi phát hiện ra anh chỉ chụp ảnh và quan tâm đến tôi, tôi bỗng chú ý tới anh. Khi anh đưa cho tôi tờ danh thiếp, tôi đã lên mạng tìm kiếm những bài viết của anh. Tôi ngạc nhiên khi đọc những bài viết của anh về đủ mọi lãnh vực, trong câu văn tha thiết tình yêu con người và trong đó dấu che một tấm lòng nhân hậu, thế là tôi chú ý tới anh trong đám đông nhà báo kia. Và vì thế, tôi đã cùng anh đi ăn gỏi cá mai. Quả thật, đó là một bữa ăn ngon và lần đầu tiên tôi đi ăn chung với một người con trai khi về Việt Nam. Ở xứ người, tôi biết rằng dẫu công việc choán hết thời gian, nhưng ai cũng có một tình yêu sâu nặng. Nhưng cách yêu của người nước ngoài rõ ràng và dứt khoát, đôi khi có chút tính toán. Còn tôi, dẫu có sống tha phương, nhưng vẫn không hề ảnh hưởng cách sống bên này. Thậm chí, bạn bè nhiều người lấy tên Tây, còn tôi vẫn lấy tên Việt. Bình Phương, cái tên đẹp hơn mọi cái tên nào đó. Ba năm trời tôi tưởng lãng quên anh. Cuộc sống bây giờ người ta mau chóng lãng quên rất dễ dàng, nhưng tôi lại đứng bên ngoài những mẫu số chung đó. Tôi gặp anh thật lạ. Đó là khi tôi vào trang google tò mò bấm tìm tên anh như một thói quen, tôi gặp một trang có blog của anh. Trời ơi, tôi khá bất ngờ khi trong đó rất nhiều entry viết về tôi, rất nhiều hình ảnh về tôi. Tôi đã mail cho anh. 

3- Nàng về. Chuyến bay đó bay bao lâu trên bầu trời tôi không biết được. Nàng đã đến như thế nào để tiếng chuông điện thoại của tôi reo lên, tôi chưa hình dung được. Buổi sáng nồng nàn hương của những bông hoa bằng lăng tím nở trên đường. Nàng nói qua điện thoại: “Anh còn giữ cuốn truyện tranh hôm nọ em để quên không? Anh nhớ đem tới khách sạn cho em”. Giờ tôi mới biết nàng cố tình để lại cho tôi một kỷ niệm.

Khuê Việt Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top