Tác giả tập ký “Có những con người như thế” là một thầy giáo đã xấp xỉ tuổi 90 - GS. Nguyễn Khắc Phi. Ông viết về những người ông có dịp tiếp xúc, trong đó phần lớn là những nhà giáo nổi tiếng: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào, Trương Chính, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long, Phan Ngọc, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hài Hà, Phạm Tú Châu, Phùng Văn Tửu, Văn Như Cương, Trần Hữu Tá, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Văn Vọng...
Bìa tập ký của Nguyễn Khắc Phi
Trong những tên tuổi ấy, ba nhân vật có nhiều cống hiến ở tầm quốc gia, nhưng đã trưởng thành từ cái “nôi” văn hóa Huế. Như nhà toán học - NGND. Nguyễn Thúc Hào (1912-2009), “thủ trưởng” và thầy học của “vô số” giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà toán học Nguyễn Thúc Hào từ năm 1946, là một trong số ít hiệu trưởng đại học đầu tiên ở Việt Nam, tác giả của nhiều giáo trình đại học có chất lượng cao, từng đứng lớp trực tiếp hàng nghìn giờ từ phổ thông cho đến trên đại học, có công lớn trong việc xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội và nhất là Đại học Sư phạm Vinh từ lúc khai sinh cho đến những năm tháng sơ tán gian khổ trong chiến tranh, nhưng cho đến cuối đời, lại chưa hề được phong tặng danh hiệu gì theo hệ thống học hàm của Nhà nước!
Thầy Phan Ngọc (1925 - 2020) cũng là “bậc công huân của nền đại học Việt Nam”, là nhà trí thức uyên thâm mà cái thực vượt quá cái danh. Có lẽ vì thế mà trước học hàm Phó giáo sư của Thầy, GS. Nguyễn Khắc Phi ghi thêm từ “Học giả”. Thầy đã để lại nhiều công trình có giá trị; nhiều tác phẩm dịch thuật từ tiếng Pháp, Anh, Hy Lạp, Latinh, Nga, Đức, Hán và các công trình nghiên cứu Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm học, Văn bản học, Văn học so sánh, văn học Trung Quốc, Anh, Pháp, Triết học, Lý luận văn học…
Với Huế, GS.NGND. Lê Quang Long (1925 - 2017) là một trường hợp đặc biệt. Tên tuổi Lê Quang Long được khá nhiều bạn đọc biết, do ông xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc - đại quan lại. Sau 9/3/1945, Trường đại học Y Hà Nội đóng cửa, cùng với Đặng Văn Việt, ông về Huế gia nhập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TTNTTH)… Cách mạng Tháng 8 thành công, ông là 1 trong 4 học viên TTNTTH được phái sang Lào giúp làm cố vấn quân sự, đồng thời là bảo vệ cho Hoàng thân Xuphanuvông và đã bị thương…
GS. Lê Quang Long viết ngót 100 đầu sách khoa học, chủ yếu về sinh học, đi đầu áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống với những công trình nghiên cứu nuôi cá rô phi, thụ tinh cho lợn và 3 đề tài “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng…
Một điều thú vị là nhà sinh vật học hàng đầu Việt Nam còn là nhà dịch thuật. Anh biết đến 8 thứ tiếng, nên anh có nhiều công trình dịch “xuôi” cũng như “ngược”, không chỉ về môn sinh mà còn có cả văn, sử, địa… Năm 2006, bản dịch cuốn hồi ký 300 trang của Đặng Văn Việt đã được xuất bản tại Pháp […]
GS. Nguyễn Khắc Phi là bạn gần gũi với GS. Lê Quang Long. Với một lý lịch quá… “đặc biệt”, trong suốt cuộc đời hơn chín thập kỷ của mình, thầy Long đã vượt qua không biết bao nhiêu là trở lực để giữ được khí phách và có những cống hiến giá trị về nhiều mặt cho khoa học, giáo dục và văn hóa. Thời đoạn thầy cùng bà ngoại (vợ vua Thành Thái) và một em trai, 3 em gái tản cư ra Hà Tĩnh, sau khi thực dân Pháp trở lại chiếm Huế, do “chủ nghĩa thành phần” còn nặng nề, thầy đã phải thuyên chuyển hết trường này đến trường khác; từ Trường trung học Chuyên khoa ở Chợ Bộng (Đức Thọ) sang Trường trung học Nguyễn Công Trứ ở Nam Đàn, rồi lại chuyển đến Trường trung học Hương Khê với lương giáo viên chỉ được 38kg gạo!... Rất nhiều cựu học trò của thầy không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp về người thầy tài hoa đến từ Huế. Ví như thầy có thể vẽ một lúc bằng hai tay những hình có 2 phần đối xứng, hoặc trong lúc ngoảnh mặt về phía học sinh giảng bài, thầy ngoặt tay sau lưng vẫn minh họa; thầy còn dùng ca dao, tục ngữ, cả “Kiều” và “Chinh phụ ngâm” để khắc họa những kiến thức sinh học!...
Cả khi đã thành thầy giáo đại học ở Hà Nội, thầy Long vẫn còn phải “vượt chướng ngại” như việc đăng ký bảo vệ luận án phó tiến sĩ thực hiện đầu tiên trong nước với nhiều đòi hỏi khắt khe và là vinh dự đặc biệt, rồi việc đi nước ngoài… Cũng may là người đứng đầu ngành giáo dục và đại học lúc đó là các tên tuổi, như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Cảnh Toàn… đã giúp thầy “vượt vũ môn” để hóa Rồng! Vẫn chưa hết. Hẳn là tạo hóa muốn thử thách hết mức người thầy dòng dõi hoàng tộc, mang tên Long (cũng là Rồng) còn bắt thầy chịu những mất mát, đau đớn ít người có: hai con trai của thầy mất sớm, người vợ bị bệnh hiểm nghèo cũng đã ra đi, bà con thì hầu hết ở ngoại quốc!... Vậy mà thầy vẫn vui sống hơn 90 xuân, sau ngày về hưu còn viết được 50 đầu sách để lại cho hậu thế…
“… Một nhà giáo trung thành với cách mạng như thế, có đóng góp to lớn với sự nghiệp khoa học kỹ thuật như thế, cho đến nay vẫn chưa nhận được một danh hiệu nào […] Với những người có đóng góp lớn như anh Lê Quang Long, cũng không nhất thiết là phải có danh hiệu Nhà giao Ưu tú đã mới được đề nghị phong Nhà giáo Nhân dân…”. Hơn chục năm trước, GS. Nguyễn Khắc Phi đã viết như thế!
NGND. Lê Quang Long cũng thuộc bậc học giả uyên thâm mà cái thực vượt quá cái danh. Nhắc đến những bậc thầy đáng kính nay đã ở “cõi khác”, chúng ta hy vọng các thầy giáo hôm nay, khi đã có cái danh, vẫn luôn trau dồi kiến thức để có cái thực tương xứng với danh hiệu được học trò và xã hội tôn vinh…
Bài, ảnh: TRUNG SƠN