ClockThứ Tư, 11/01/2017 13:56

Đâu chỉ là cảm nhận về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên

TTH - Tuy tác giả khiêm nhường đặt tên cho cuốn sách vừa xuất bản là “Cảm nhận về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên”, nhưng đọc kỹ thì đây thực sự là một công trình nghiên cứu công phu, chứa đựng đầy tâm huyết.

Bìa sách “Cảm nhận về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên”

Tác giả của sách là Minh Khiêm, anh tốt nghiệp cử nhân toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, nhưng lại trở thành biên tập viên Chương trình Ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên của Đài Phát thanh Giải phóng A (Hà Nội) khi mới ra trường. Đài Phát thanh Bình Trị Thiên và Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế là nơi anh kết thúc vai trò của một viên chức mẫn cán. Đó là cơ duyên tốt lành và “ám ảnh” để anh được tiếp xúc và làm quen, rồi say mê nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm và sáng tạo (đặt lời mới) về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên cùng những bài viết về lĩnh vực này.

Nội dung cuốn sách được chia thành 4 phần: Phần 1 “Cảm nhận chung”, phần 2 “Dân ca Bình Trị Thiên”, phần 3 “Ca Huế” và phần 4 “Phụ lục”. Với bố cục hợp lý, người đọc dễ tiếp thu và nhận biết về sự hình thành và phát triển với nhiều loại hình phong phú của ca nhạc truyền thống Bình Trị Thiên trong dặm dài lịch sử, với những nét tương đồng của một vùng văn hóa đặc trưng mà ở đó, nhiều yếu tố địa văn hóa đã trở thành chất keo gắn kết bền chặt cư dân vùng này. Họ luôn kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, chia sẻ ngọt bùi trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, cùng tạo ra ca nhạc truyền thống.

Điểm nhấn của nội dung cuốn sách là phần nói về ca Huế. Tác giả đã dành một phần ba dung lượng cuốn sách để trình bày về sự hình thành, nội dung, bài bản và nghệ thuật, một số nghiên cứu trong đó có tính phản biện về làn điệu của ca Huế, viết lời mới cho ca Huế, những suy tư, trăn trở trước thực trạng của ca Huế hiện nay cùng những đề xuất giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế trong xu thế hội nhập và phát triển. Theo tác giả, “ca Huế là thuật ngữ chỉ loại hình âm nhạc thính phòng gồm những bản nhạc xuất phát từ chốn cung phủ thời Chúa Nguyễn khoảng từ thế kỷ XVII, định hình trong thế kỷ XIX, trở nên phổ biến và đạt đến đỉnh cao vào những thập niên đầu thế kỷ XX; được cách điệu từ các loại hình âm nhạc cung đình, nhạc tôn giáo và tinh hoa của các làn điệu dân ca chủ yếu ở vùng Thuận Hóa xưa, ban đầu vừa biểu diễn khí nhạc ở cung đình, phủ đệ, sau lan tỏa ra ngoài dân gian và có lời ca; là loại hình ca nhạc có tính bác học, chuyên nghiệp trong âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Ca Huế là di sản văn hóa đặc sắc của xứ Huế, chất “núi Ngự, sông Hương” thể hiện đậm đà trong đó, và chính ca Huế đã trở thành một nét đặc trưng tình cảm, tâm lý của con người xứ Huế”. Đó là những nhận xét mang tính chắt lọc và khái quát từ những nghiên cứu thực tế về ca Huế mà tác giả đam mê, nó có tính thuyết phục nhất định đối với người đọc.

Với tính đặc sắc và đặc thù riêng có, ca Huế đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015. Đó là niềm tự hào gắn liền với trách nhiệm cao của người dân xứ Huế trong bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của ca Huế trước sự tấn công và bủa vây của các loại hình văn hóa hiện đại, được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, truyền hình. Về vấn đề này, tác giả có một số đề xuất cụ thể mang tính tư vấn để chính quyền, và những ngành, những người có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý, tổ chức biểu diễn ca Huế, ca kịch Huế cùng quan tâm suy nghĩ và chung tay hành động.

Việc tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc thống nhất, hoàn thiện cơ chế và chính sách tạo hành lang pháp lý đối với lĩnh vực hoạt động ca Huế; ngành văn hóa tích cực triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca Huế giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 bằng những công việc cụ thể và biện pháp phù hợp (như đẩy mạnh việc sáng tác lời mới, tổ chức Liên hoan ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên, dạy hát và đàn ca Huế, dân ca…) là điều cần phải được tiếp tục; nhưng trước hết và sau cùng vẫn là quan tâm đến con người đang hoạt động trong lĩnh vực ca Huế (cả vật chất lẫn tinh thần), để họ có đủ điều kiện cần thiết, tiếp tục đam mê sáng tạo trong nghiên cứu bảo tồn, truyền dạy, phát huy trong sáng tác lời mới, tổ chức biểu diễn, tạo sự lan tỏa và khơi dậy sự quan tâm, yêu thích ca Huế trong cộng đồng (nhất là lớp trẻ). Đó chính là sự phát huy đúng hướng và lâu bền của ca Huế, mà tác giả Minh Khiêm đã gửi gắm, và có những đóng góp đáng ghi nhận qua “Cảm nhận về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên”.

Bài, ảnh: LÊ VIẾT XUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng

Tự truyện “Mạ tui” của Nguyễn Viết An Hòa được NXB Thuận Hóa in từ năm 2018, đã được “nối bản” nhiều ngàn cuốn, mặc dù theo quan niệm thông thường, tác giả là người không/chưa nổi tiếng. Hơn chục năm trước, trong một cuốn sách đã in, tôi nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”.

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng
Có đồng thuận, có thành quả

Sự đồng thuận đó, chắc chắn không phải tự dưng mà có, mà là thành quả của sự nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” của những người làm công tác dân vận.

Có đồng thuận, có thành quả
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1: Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

4 năm ra đời, đề án Tủ sách Huế đến nay chỉ có 11 ấn phẩm, một con số rất khiêm tốn. Nhưng buồn hơn khi những ấn phẩm ấy chỉ dừng lại với số lượng in giới hạn và “đeo gông” sách không bán, khiến nhiều người khó tiếp cận. Phía những người thực hiện Tủ sách Huế cho rằng nguyên do dẫn đến điều đó là ngân sách hạn chế, nhưng nhiều ý kiến khác nhận định đó là sự thụt lùi, thậm chí đi ngược lại chủ trương lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế cũng như văn hóa đọc trong đời sống hiện nay. Vì thế, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Tủ sách Huế đang phải đối mặt.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1 Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm
Cai game bằng đọc sách

Chở con gửi thư viện, hoặc nhà sách và dành thời gian đọc sách cùng con là một trong những giải pháp của nhiều phụ huynh trong dịp hè nhằm giúp con "cai nghiện" game, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Cai game bằng đọc sách
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Return to top