ClockChủ Nhật, 18/12/2022 09:21

Dưới bóng thông núi Ngự

Thầy giáo chủ nhiệmĐám cưới đơn sơ

Chiều. Kỳ gọi tôi, giọng anh vẫn ấm như tuổi đôi mươi hôm nào. Anh về Huế rồi, Thảo à! Giọng anh xa xôi, anh đã trở thành một ký ức đóng băng, lâu rồi tôi không mở ra. Từ ngày anh đi biệt xứ, mọi thứ đã ngủ yên như một vết chàm buồn. Kỳ bảo muốn gặp tôi trên núi Ngự Bình như ngày nào hai đứa yêu nhau. Anh về thăm Huế và rất khó một mình uống hết cút rượu làng Chuồn.

Tôi mặc cơn mưa phùn lên núi tìm anh. Gặp lại Kỳ, bóng người cũ vẫn mờ nhạt tựa hồ lớp sương mỏng dưới sông sau mỗi cơn mưa hạ. Anh là một ký ức như lớp rong vơi cạn đáy bờ. Tóc anh bây giờ để dài, mắt đeo cặp kính tròn rất nghệ sĩ và một làn da trắng khỏe mạnh sau những năm dài ở Paris.

Gặp tôi, mắt anh hoe hoe đỏ khiến tôi thấy xót. Anh khóc. Tôi nửa khóc nửa cười. Gặp lại anh vui biết bao nhiêu, nhưng đầu tôi treo dấu hỏi liệu rằng anh có bỏ tôi, bỏ Huế đi như ngày nào nữa không.

Tôi hỏi: Anh có ổn không? Kỳ bảo ổn, rồi vừa đi anh vừa kể nơi đó có những tàn tuyết rơi giữa mùa đông. Thỉnh thoảng, mắt anh từ đó nhìn thấy trăm sự đời này, cả quá khứ lẫn tương lai. Tuyết ở trời Tây dù sao cũng hay hơn mưa xứ mình. Không ướt át, khối kẻ mơ ước được đi cùng người yêu trong tuyết. Tuyết Paris nhiều năm anh không có em. Còn mưa xứ Huế nhiều năm anh có em. Tôi trách rằng chẳng phải anh cũng đã từng ước hai đứa mình ngày nào đó cùng nhau nắm tay đi qua sông Seine, hồi hai đứa còn đi với nhau dưới mưa Huế cả trăm lần.

Kỳ dừng lại, vẻ bàng hoàng. Tuần trước, khi anh chuẩn bị bảo vệ đồ án kiến trúc về một đô thị dành cho những người mới lập gia đình, anh chợt thấy em theo những đám mây về núi Ngự Bình như ngày nào. Anh nhớ em, nhớ Huế. Bảo vệ thành công. Điểm anh cao nhất khóa. Một tập đoàn của châu Âu mời anh ở lại làm việc với mức lương cao ngất. Anh từ chối để về Huế, gặp em.

- Anh khùng quá! Tôi làu bàu. Kỳ bảo, tình yêu không thể vô lối được. Tình yêu có bến bờ. Em làm bến bờ của anh. Anh sẽ giẫm lên những sự hồ nghi, sẽ xóa tan những định kiến về tháng ngày, về chúng mình.

Ngồi giữa cỏ hoa thơm thảo, vi vu rừng thông, nhấm chút men nồng hỏi còn thú gì bằng. Rồi chúng tôi đứng dậy, đi trên những đám cỏ dại lún phún nước. Trời như mơ, ánh nắng chiều mờ nhạt đến thẫn thờ trong đám lá thông. Chân bước trên đất xào xạc cả những thăng trầm đây đó tỉ tê. Mùa này thông xanh, có những túm lá đậu trên những cành già như những cái tổ nhỏ. Tôi thèm màu phấn thông vàng đầu hạ, trát lên vẻ ngây dại thuở xưa đâu đó trong tiếng thông vi vu. Nhưng tôi vẫn trách anh, cũng ngày đó trên Ngự Bình này…

*

Chỉ còn hai tháng nữa, tôi sẽ ra trường, sẽ cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm và mơ về một mái trường đầy hoa phượng đỏ, có những học sinh chăm ngoan, quần xanh áo trắng nghiêm chỉnh đón cô vào lớp. Nghĩ tới đó, tôi mỉm cười một mình trong quán cà phê quen mặc những ánh nhìn hiếu kỳ đang chăm chăm vào mình. Ba giờ chiều rồi anh vẫn chưa đến. Bốn giờ. Điện thoại chợt rung, tôi nhấc máy.

- Em đến đây được không? Giọng Kỳ vẫn nhẹ nhàng như mọi khi. Tuy rằng, sau câu hỏi ấy có một nỗi buồn lạ lẫm xen vào.

- Ở đâu vậy anh? Tôi bồn chồn hỏi.

- Trên núi Ngự Bình em nhé!

Tôi trả tiền cà phê, làm rơi một buổi chiều lãng mạn đáng lẽ có anh nơi góc cũ. Xe chạy qua bao phố phường, và kia dáng anh ngồi giữa lưng chừng núi, giữa bạt ngàn thông.

- Anh sẽ ra đi. Xứ Huế buồn quá, Thảo à. Kỳ nhỏ nhẹ nói.

- Anh đi đâu. Em gần ra trường, sẽ có công việc tốt. Chúng mình còn ngày mai nữa mà. Anh định bỏ em một mình ư?!.

Tôi cầm bàn tay Kỳ đặt hờ lên trán. Bàn tay lạnh. Nhưng tôi tin con tim anh không giá băng. Tôi nhắm mắt. Anh về cùng gió, anh đến cùng mây. Anh nắm tay tôi như sắp bước qua một thế giới đầy giá băng bám víu lấy tôi. Bàn tay tôi cũng đóng băng, tôi không thể nắm chặt. Tôi lạnh. Một hơi ấm trùm lên tôi. Kỳ bảo, anh thích dáng hình của tôi nhịp nhàng, uyển chuyển dưới ánh nắng vàng khi đi trên núi Ngự hôm nay. Đôi tay trần chắp sau gáy như muốn khoe với thế nhân, đây là tuyệt tác của hóa công. Làn tóc mây, óng lên màu nắng, phất phơ buông thả phủ nửa kín, nửa hở đôi vai trần của giai nhân. Tôi cười hạnh phúc.

Và rồi anh nói: Chúng mình chia tay nhé. Câu nói của anh khiến tôi sửng người.

Kỳ nói tiếp: -  Anh muốn qua Pháp để du học. Thời gian rất lâu. Anh sợ em đợi mỏi mòn.

Mặc cho tôi bao lời khuyên giải, bao hứa hẹn đợi chờ. Anh có thể đi, tôi có thể đợi. Anh vẫn nhất nhất ý định ban đầu. Anh không muốn ai đó khổ vì chờ đợi mình. Anh cũng không biết ngày mai.

*

Giờ ở bên anh, tôi đem chuyện cũ ra nói: Anh còn nhớ chuyện đó không?

Anh buồn buồn nhìn tôi.

- Xin lỗi em! Giọng anh chân thành. Anh không phải là thằng đàn ông của gia đình, của bổn phận.

Tôi không biết phải nói gì nữa, đưa mắt ngắm quang cảnh xung quanh. Những cây thông nhỏ như chân chim sơn ca thuở nào chúng tôi cầm trên tay bây giờ đã lớn. Tàng cây xanh như mái tóc thề che phủ cả phong sương. Tôi lặng lẽ ngồi dựa dưới bóng thông chiều. Những bóng cũ mường tượng trước mắt, đi đi về về. Chiều nay, đã có những em bé nghèo đi hốt rác lá thông thấp thoáng dưới chân đồi. Tôi nghe như còn tiếng ngâm thơ nhè nhẹ của Kỳ ngày mới yêu nhau, hai đứa nhìn nhau muối mặt buồn!

Thảo à, tuổi trẻ chúng mình trôi qua nhanh quá. Xưa gió núi xao xác về thổi bay tóc mây của tuổi sinh viên, bây giờ đã có những lá thông đã phủ xanh khoảng trời ngày đó. Anh ngậm ngùi nói.

Tôi rấm rức khóc. Khóc vì tháng ngày. Khóc vì tình duyên quá bẽ bàng, chua xót.

- Anh sẽ thay đổi, Kỳ nói dứt khoát, mạnh mẽ. Anh thề trước ngọn núi thiêng của xứ Huế mình. Rồi anh ôm lấy tôi. Cả hai khóc giữa chiều Nguyên tiêu, giữa Ngự Bình thông reo gió thổi.

Tôi mơ cảnh đám cưới sau đó. Tôi mặc áo dài ngũ thân màu đỏ, Kỳ mặc áo dài ngũ thân xanh, khăn đóng. Ba mẹ tôi đứng bên trái, ba mẹ Kỳ đứng bên phải. Có mâm ngũ quả, có lồng đèn và cơ hồ bà con, bạn bè và những bàn tiệc chúc phúc cho chúng tôi. Đêm tân hôn ấm nồng. Và mãi về sau, Kỳ đứng bên hiên, uống trà mỗi sáng, vuốt má tôi, ngắm các con vui đùa trong sân đầy hoa hải đường nở đỏ. Tóc tôi để xõa, dập phồng, y như ca sĩ Ngọc Lan. Kỳ bảo: - Em mãi đẹp nhất trong lòng anh, Thảo à.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top