Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều cuốn sách giúp công chúng hiểu sâu hơn, đúng hơn về triều Nguyễn. Riêng Nguyễn Phước Hải Trung, sau tập “Thơ vua & suy ngẫm” vừa được Ủy ban toàn quốc Các hội VHNT Việt Nam tặng giải nhì, đã cho xuất bản “Tết Hoàng cung”. Sách khổ lớn, bìa cứng, 180 trang với rất nhiều ảnh minh họa.
Bìa sách “Tết Hoàng cung” của Nguyễn Phước Hải Trung
Là một tiến sĩ ngôn ngữ và văn học, lại có nhiều năm công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hải Trung có thuận lợi của một người đang ôm cả kho báu của tiền nhân, nên có thể nói những tác phẩm của Hải Trung như là những “cánh cửa” giúp bạn đọc gần xa hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa triều Nguyễn để lại.
Cuốn sách “Tết Hoàng cung” cũng thế; tác giả không chú trọng đến chuyện “tiệc tùng” ăn uống. Trong 21 tiểu mục của cuốn sách, chỉ có 1 mục nói đến chuyện “ăn”: “Tết nói chuyện chế biến món ăn qua sách thơ “Thực phổ bách thiên”. Tác giả tập thơ độc đáo này là bà Trương Đặng Thị Bích viết vào khoảng năm 1915. Bà là con dâu của ông Hoàng - nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. 100 món ăn được bà sắp xếp theo hệ thống nguyên liệu, từ các loài cầm, đến loài thú, hải vị… và cả các loại tương chao, dưa, mắm… Có món sang trọng quý hiếm như “bầu câu tìm yến sào” (bầu câu tức bồ câu); nhưng cũng có món dân dã như rau khoai, rau muống luộc: “Rau khoai, muống luộc đọt cho non/Rửa sạch đều rồi bó lại tròn/Lửa đỏ nước sôi vào cọng trước/coi vừa chín vớt ấy xanh ngon”. Tuy vậy, chưa phải ai (nhất là các bạn trẻ) biết cách luộc cho cọng rau vào trước thì đĩa rau mới xanh ngon…
Đã có một số cuốn sách viết kỹ về nghệ thuật ẩm thực Huế, nên tác phẩm mới của Hải Trung chú trọng đến “lễ” và “hội” nhiều hơn. Trong phần I “Tết Hoàng cung”, tác giả chú trọng giới thiệu hình thức tổ chức tế lễ triều Nguyễn như Lễ Ban sóc (Ban lịch đầu năm), Lễ Tiến xuân ngưu, một điển lễ trọng nông, Lễ Nguyên đán thời Nguyễn xưa, Lế Tế giao mùa xuân... Vào lúc thiên hạ chuẩn bị chia tay với năm con trâu, xin dẫn một đoạn tác giả viết về Lễ Tiến xuân với “lễ vật” chính là 3 con trâu đất và 3 vị Mang thần (tức thần chăn trâu):
“Lễ tế phải được tổ chức vào giờ Thìn, bởi giờ Thìn được quan niệm là giờ tốt, ứng với mạng Thiên tử […]. Trâu đất và Mang thần đều phải được đắp bằng đất (dùng cành hom dâu làm cốt) theo các tỷ lệ, kích thước, màu sắc ứng với các ý nghĩa nhất định. Mình trâu được quy định cao 4 thước, tượng trưng cho 4 mùa; từ đầu đến đuôi dài 8 thước, tượng trưng cho 8 tiết là lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, hạ phân, lập đông và đông chí. Các màu sắc được tô lên trâu đất cũng được quy định theo các quan niệm truyền thống […]. Đuôi trâu đất được quy định 1 thước 2 tấc, tượng trưng cho 12 tháng…
Cũng như các ý nghĩa đó, Mang thần được đắp cao 3 thước 6 tấc 5 phân, tượng trưng 365 ngày […]. Đàn tế được triều Nguyễn chọn đặt ở ngoài quách cửa chính Đông của Kinh thành, luôn hướng về phía Đông…”.
Đoạn trích đã khá dài, nhưng có lẽ cần nói thêm là Lễ Tiến xuân với “lễ vật” chính là trâu đất và Mang thần không chỉ “là một dạng nghi lễ có màu sách tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt ngày xưa, khi mà nền kinh tế́ quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước” như tác giả đã viết mà quan niệm “trọng nông” vẫn rất có ý nghĩa, cả khi đất nước đang trên đường công nghiệp hóa. Chúng ta chưa quên thời chiến tranh - nhất là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc - bao làng quê đã là nơi nương náu cho hàng triệu gia đình từ thành thị, nhà máy sơ tán về; chính nông nghiệp và nông thôn đã là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc Việt. Dịch COVID-19, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta: trong thế giới đua tranh theo xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nông thôn vẫn luôn là nơi chốn để con người nương tựa, sống bình an, mặc dù chỉ là “rau cháo có nhau” như không ít lao động buộc phải trở về cố hương vừa qua đã tâm sự. Không chỉ có thế, nông thôn - nông nghiệp còn là nơi lưu giữ, nuôi dưỡng văn hóa, đạo đức tâm hồn bình dị và cao đẹp mà ông cha ta đã hun đúc tự ngàn xưa…
Phần 2 cuốn sách cũng khá thú vị với tiêu đề “Năm Dần nói chuyện hổ trong văn hóa cung đình” với “Hình tượng con hổ trong văn hóa cung đình”, hai bài thơ vịnh hổ của vua Minh Mạng và Thiệu Trị, “Một cuộc đấ́u voi - hổ đầu thế kỷ XX qua bức tranh “Ngày tết ở Thuận Hóa”, “Hổ quyền, đấu trường duy nhất ở Đông Nam Á”. Phần 3 đặc biệt dành cho những ai yêu thơ xưa: “Tết & mùa xuân trong thơ vua”. Phần phụ biên giới thiệu những “Bảo vật của tinh thần dân tộc” như các bảo vật trong hoàng cung, Ngai hoàng đế, Cửu vị thần công và “Cửu đỉnh, biểu tượng của trường tồn và thống nhất” cũng rất đáng tham khảo…
Không tiện trích dẫn nhiều, nhưng ở trên đã có ít dòng tiễn Tân Sửu, nay đón Nhâm Dần, nên giới thiệu bản dịch bài thơ “Con hổ” của vua Thiệu Trị để bạn đọc cho vui:
“Văn bút tả chân khó vẽ thành/Gầm gừ sườn núi gió vang quanh/Góc hang dũng mãnh đăm đăm dõi/Xổng cũi thét gào đuổi đuổi nhanh/Xương cốt rắn bền trông đến sợ/Vuốt răng sắc nhọn thấy mà kinh/Dù chưa lớn nuốt suông trâu mộng/Chuyện hổ dâng hươu có đáng tin?”.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ