Tạp chí Sông Hương số đặc biệt kỷ niệm 35 năm ngày ra số đầu tiên
Trụ cột trong đời sống văn hóa
Gắn bó từ ngày mới xuất bản những số đầu tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cuốn tạp chí mang tên của dòng sông thơ mộng: Tạp chí Sông Hương. Với ông và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức ở Huế, Tạp chí Sông Hương trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Ông là bạn đọc, cộng tác viên thân tín và luôn dõi theo từng bước trưởng thành của tạp chí.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa kể: “Tôi là một trong những người cộng tác với Sông Hương khá sớm, từ những ngày đầu tiên. Hồi ấy, ngoài các bài viết, tôi còn phụ trách chuyên mục giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa Huế. Về sau, với tư cách là thành viên của Hội đồng biên tập, chúng tôi đã cùng với Sông Hương trăn trở tìm cách chuyển tải những giá trị văn hóa đặc sắc không chỉ riêng của Huế mà cả nước. Rất mừng là đến nay đã 35 năm, về cơ bản Sông Hương vẫn giữ được sắc thái riêng của mình, đào sâu những vấn đề về văn hóa của Huế và dân tộc, về thân phận, con người...”.
Nhiều người nhận định, Sông Hương là tờ tạp chí về văn học nghệ thuật có vị trí rất đặc biệt, vượt ra ngoài ranh giới của một vùng đất, trở thành một khuôn mặt văn nghệ tiêu biểu của Việt Nam trong suốt 35 năm qua. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương, cho rằng: “Tạp chí Sông Hương trở thành một cột trụ chống đỡ ngôi nhà văn hóa Huế, bên cạnh các giá trị khác như: Sông Hương, núi Ngự, nhã nhạc...”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cùng nhận định: “Sông Hương thực sự là một trụ cột quan trọng trong đời sống văn hóa của Huế. Làm được điều đó vì Sông Hương phát huy được năng lực sáng tạo không những của văn nghệ sĩ Huế mà còn là diễn đàn tiếp nhận các sáng tạo về văn học nghệ thuật của nhiều gương mặt nổi bật trong cả nước, kể cả ở nước ngoài có sự gắn bó với Việt Nam, với Huế”.
Trong lòng bạn đọc, trong trái tim của nhiều người cầm bút, Tạp chí Sông Hương bao giờ cũng là một tờ tạp chí có uy tín hàng đầu, với nội dung và hình thức chất lượng. Về sau này, dù gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường và xu hướng văn hóa đọc ngày càng xuống thấp, Tạp chí Sông Hương vẫn luôn giữ một giá trị riêng biệt. Bởi lẽ, Sông Hương biết vượt thoát không gian địa lý và mạnh dạn tổ chức không gian tư tưởng, không gian văn hóa nghệ thuật của riêng mình. Các tác phẩm được Sông Hương đăng tải luôn chứa đựng những giá trị chất lượng nghệ thuật. Song song với việc giới thiệu những nghiên cứu về các giá trị truyền thống văn hóa Huế, Sông Hương cũng giới thiệu những sáng tác giàu tính thể nghiệm, trân trọng các phong cách sáng tác khác nhau.
Từ diễn đàn Sông Hương, nhiều vấn đề lớn của văn hóa nghệ thuật nước nhà đã được đàm luận, nhiều tác phẩm có giá trị được công bố, nhiều khuynh hướng sáng tác mới được khuyến khích, nhiều cây bút được phát hiện và ươm trồng, nhiều cánh cửa văn hóa nghệ thuật thế giới đã được mở ra... Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương chia sẻ: “35 năm qua, Sông Hương đã hóa thân trở thành một dòng chảy ngập tràn ý biếc giữa chân trời văn chương nghệ thuật. Văn hiệu Sông Hương của tạp chí đã làm sang trọng cho văn hóa Huế”.
Tạp chí Sông Hương vừa kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Tôn vinh văn hóa nghệ thuật
Nhiều thế hệ độc giả ở khắp nơi trong nước, ở nhiều nơi trên thế giới đã dành tình cảm tốt đẹp cho tạp chí văn chương này. Từ năm 2012, Thư viện Đại học Harvard (Mỹ) đã cử người về Huế sưu tập toàn bộ Tạp chí Sông Hương để phục vụ việc nghiên cứu trong sinh viên. Trên trang web www.tapchisonghuong.com.vn có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đọc Sông Hương online với lượng truy cập lớn đến bất ngờ.
Sông Hương cũng thu hút sự góp mặt của nhiều thế hệ cầm bút, tạo ra một không gian viết đa thanh. Những cây bút tên tuổi góp sức làm nên văn hiệu Sông Hương có đủ các thế hệ trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại: Từ tiền chiến, sang thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thế hệ sau 1975, sau đổi mới 1986 và đương đại. Hiện tại, Sông Hương đang có mạng lưới cộng tác viên quốc tế khá rộng: Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Nga, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Hà Lan... Không chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mà còn có các cây bút người nước ngoài từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức cũng tham gia cộng tác, như: Dana Gioia, Frederick Turner, W.B. Nosrworthy, Alexander Kotowske, Frederick Feistein...
Một dấu ấn hiếm thấy mà Sông Hương đã làm được là sự kết nối những người cầm bút trong và ngoài nước. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, tâm đắc: “Một trong những điểm sáng Tạp chí Sông Hương làm được từ khi ra đời đến nay là kiên trì định hướng hòa hợp trong văn chương và văn hóa, kết nối với văn nghệ sĩ ở nước ngoài có tấm lòng, tâm huyết đối với đất nước”.
Sông Hương còn là bệ phóng của nhiều bạn trẻ, từ thế hệ trẻ đầu tiên lớn lên trong khói lửa chiến tranh đến bây giờ. Từ Sông Hương, những tên tuổi mới trên văn đàn Việt Nam xuất hiện. Trong định hướng phát triển sắp tới, Tạp chí Sông Hương vẫn đang tìm tòi, phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Cùng với việc gắn kết với những cây bút hàng đầu của Việt Nam, kết nối với nhà văn Việt Nam ở nước ngoài có tấm lòng hướng về quê hương, Tạp chí Sông Hương khuyến khích các cây bút đang sống và làm việc tại Huế để hình thành đội ngũ cộng tác viên sáng tác và nghiên cứu trẻ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, nghiên cứu phê bình lý luận.
Những người làm Sông Hương bây giờ vẫn đang cố gắng làm mới tạp chí trên nền tảng, sắc thái truyền thống đã có, nâng cao chất lượng. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhấn mạnh: “Vào những năm đầu đất nước đổi mới, Sông Hương đã định hướng tiêu chí “viết cái cũ phải sâu, cái mới phải mạnh mẽ và nhìn ra thế giới”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Sông Hương tự nhủ: “Tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật đích thực, cổ súy những trào lưu sáng tác mới”.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN