ClockThứ Sáu, 30/09/2016 13:48

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với “Bạn bè ở Huế”

TTH - Những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Trọng Tạo đã nổi danh với bài hát Làng Quan họ quê tôi (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) và bài thơ Tản mạn thời tôi sống. Mỗi lần nghe tin anh vào Huế, tôi lại đạp xe cọc cạch tìm anh. Anh “thoắt ẩn, thoắt hiện như là tàn lửa khuya”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bìa trái, hàng sau) cùng bạn bè ở Huế

Ở Huế, thời đó anh có một số bạn thân như vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Ngô Minh, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch… Một lần trong chiếu rượu, anh thổ lộ: Sao cứ ước một người yêu ở đó/ Để suốt đời quê ngoại hóa quê hương.

Điều ước ấy không ngờ trở thành hiện thực mà tôi là người góp một phần nhỏ tác thành cho đôi uyên ương. Chuyện có hơi dài dòng, chỉ xin kể vắn tắt: Tôi có quen với một cô giáo trẻ xinh đẹp, dạy môn sinh ở Đại học Nông lâm Huế, từng ra học cao học (sau đại học) ở Vinh. Biết nàng yêu thơ nên thỉnh thoảng tôi đưa nàng đi dự những buổi giao lưu, tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ. Hôm đó là ngày 8/11/1986, tôi mời các nhà thơ: Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Lý Hoài Xuân và nàng đến căn hộ tập thể của tôi ở Trường THPT Hai Bà Trưng dự sinh nhật Hải Kỳ. Thi sĩ Hải Kỳ bận dạy ở Đồng Hới (Quảng Bình) nên không có mặt. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới từ Vinh vào, nghe tin cũng đến góp vui. Rượu tôi đặt ở lò chị Hiếu. Nhà chị ở lưng chừng dốc Phú Cam. Rượu chị nấu bằng một thứ men khá đặc biệt. Văn nghệ sĩ Huế rất thích uống rượu của chị. Đồ mồi chủ yếu là nem và tré . Tré Huế làm bằng da lợn thái nhỏ dầm với gừng, tỏi, đường, mì chính, ớt, nước mắm. Nàng có mang theo món vả trộn lạc rang, mè (vừng) khá ngon. Thơ và nhạc. Rượu và em… Suốt cuộc vui, tôi bắt gặp Nguyễn Trọng Tạo và nàng “hai mắt cùng liếc, hai lòng cùng ưa”. Mấy tháng sau, đám cưới của chàng và nàng được tổ chức gọn nhẹ ở Huế.

Nguyễn Trọng Tạo sống trọn ở Huế trọn 10 năm (1988 -1998). Căn hộ vợ chồng anh ở đầu đường Nguyễn Huệ trở thành nơi tụ hội bạn bè. Anh có nuôi một bể cá nhưng chúng chưa kịp lớn đã nhảy hết vào bàn nhậu. Mỗi cuộc nhậu ít thì 5 người, nhiều thì hơn cả chục người. Khi anh chưa vào Huế, không khí thi ca ở Cố đô đã sôi động. Có anh vào, không khí thi ca càng sôi động hơn. Phần lớn thơ anh em đọc cho nhau nghe trong chiếu rượu là thơ tình. Tôi nhớ có hôm thấy Lý Hoài Xuân quá thèm đọc thơ, Nguyễn Trọng Tạo nói đùa: Ai muốn đọc thơ thì bỏ tiền ra, cứ mỗi bài 5000đ. Nghe vậy, Lý Hoài Xuân không một chút do dự, rút ví đặt xuống chiếu rượu 15 000đ để được đọc 3 bài. Lại thêm mồi, thêm rượu. Nhờ cái “sáng kiến” độc đáo ấy mà “cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm”. Nhưng cũng chính vì thế mà mấy bà vợ của các thi sĩ tửu đồ đã không ít lần nổi cơn tam bành. “Một đứa vợ la, chục đưa kinh!”. Kinh chứ không phải là khinh. Kinh là sợ, sợ đến thất kinh hồn vía. Sợ là sợ thế thôi chứ “đánh chết nết không chừa”. “Phong trào tạm lắng” chỉ một đôi ngày rồi “phong trào lại lên”.

 Nhờ một cuộc nhậu ở căn hộ tập thể khu nhà Đống Đa của vợ chồng Nguyễn Khắc Thạch mà Nguyễn Trọng Tạo làm được hai câu thơ “xuất thần”:

sông Hương hoá rượu ta đến uống

ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.

Hôm sau, nghe bạn bè đọc lại hai câu thơ trên, Nguyễn Trọng Tạo gật gù khen mà không nhớ đó là thơ mình. Tôi đã đọc hàng trăm bài thơ viết về Huế nhưng hiếm thấy bài nào cô đọng như hai câu thơ này của Nguyễn Trọng Tạo. Nhà thơ tài cao, chí lớn Cao Bá Quát so sánh sông Hương như thanh kiếm dựng giữa trời xanh. Thi sĩ đa tình, lãng mạn Nguyễn Bính thì ví sông Hương như mái tóc buông hờ của Cung Nga. Còn Nguyễn Trọng Tạo - người ham chơi (theo cách gọi vui của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì nhận ra “sông Hương hoá rượu”. Trên đất nước ta có hàng trăm dòng sông nhưng không phải dòng sông nào cũng “hoá rượu” như sông Hương. Nguyễn Trọng Tạo đã đến Huế và từng nếm thử chất men ấy. Thi sĩ đã ngà ngà hơi men. Làm say một người “ham chơi” như Nguyễn Trọng Tạo đâu dễ. Nhưng lần này thì anh say thật, say đến mức cả đền đài, lăng tẩm đều nghiêng ngả trước mặt anh. Trong những thi phẩm anh viết về Huế, ngoài hai câu thơ “xuất thần” trên, tôi đặc biệt yêu thích bài Con sông huyền thoại, với những câu: con sông đám cưới Huyền Trân / bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn / hèn chi thơm thảo nỗi buồn / niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ ...

Vẻ đẹp kiêu sa, đài các, huyền ảo của sông Hương và xứ Huế được nhà thơ đặc tả khá tinh tế. Tôi cứ nghĩ mãi về cái “niềm riêng” mà tác giả đề cập đến trong bài thơ này. Lẽ thường đám cưới thì vui nhưng sao Huyền Trân lại buồn? Cái “dải lụa phù vân” bỏ quên trên nguồn có hàm ý gì? Nhà thơ chỉ gợi còn người đọc thì tự mình tìm câu trả lời. Cũng trong bài thơ này, Nguyễn Trọng Tạo có một số cách nói khá mới mẻ và ấn tượng: con sông có “mình hạc, xương mai”, nỗi buồn lại “thơm thảo”, niềm riêng thì “nhuộm tím hoàng hôn”…

 Gắn bó với Huế suốt 10 năm, anh không chỉ để lại cho Huế mấy chục bài thơ, mấy chục ca khúc mà anh còn vẽ bìa, viết lời tựa cho nhiều thi hữu thân quen. Ảo ảnh - tập thơ đầu tay của tôi, xuất bản 1988 do anh chọn bài, viết lời tựa và vẽ bìa. Tôi vô cùng biết ơn anh!

Mỗi lần nhớ anh, nhớ về “một lứa bên trời” thuở ấy, tôi lại nhẩm đọc bài thơ Bạn bè ở Huế của anh:

bạn bè ở Huế đông vui lắm / túi đầy thơ tặng túi đầy trăng / thấy nhau là nhớ mùi rượu Hiếu / mưa nắng sá gì dốc Phú Cam;

sẵn tiền vài lít chưa là bốc / trắng tay mươi xị dễ đâu gàn / vui chơi cũng lạ đông hơn họp / vàng nát không chừng cốc đã tan; 

đất trời lướt khướt dìu nhau bước / đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình / bạn bè ở Huế thương nhau thiệt / một đứa vợ la... chục đứa kinh.

Mai Văn Hoan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một Nguyễn Trọng Tạo luôn nồng nàn với Huế

Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 - 07/1/2019) là một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách để lại một gia tài văn học nghệ thuật khá đồ sộ. Ông cũng là tác giả của biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ. Với Huế, ông từng làm công tác biên tập xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên, Tạp chí Sông Hương, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế.

Có một Nguyễn Trọng Tạo luôn nồng nàn với Huế
Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành

Thành lập từ năm 2018 với tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Thơ Facebook xứ Huế, sau 5 năm phát triển và hoạt động tích cực, Hội thơ xứ Huế đã đạt được những cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển chung của văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà.

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành
Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

“Khoảng trời, hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Biết bao nhiêu năm trôi qua, tiếng súng, tiếng bom đã tắt, nhưng hồi ức về cuộc chiến vẫn day dứt trong trái tim thi sĩ. Giờ đây, khi bà đã đi xa, câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn được gửi gắm cho hậu thế qua những vần thơ của bà.

Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top