ClockChủ Nhật, 21/01/2024 14:11

Nhành mai nở muộn

Đủ yên sẽ ấmChốn bình yên dưới mái nhàMẹ chồng nàng dâu

1. Mệ Vui ngồi trên ghế, đăm đăm nhìn ra khoảnh sân rộng. Gió cuối đông se sắt chốc chốc lại cuốn bay mấy chiếc lá úa vàng rời khỏi cành. Mệ thở dài ngao ngán.

Con Hiểu nhìn rõ trong mắt mệ có chút bồn chồn, chút lo lắng nhưng không cắt nghĩa được nguyên do. Mấy hôm nay thấy mệ là lạ. Nó đoán mệ đang nhớ ông. Cứ tầm giữa tháng Chạp, mệ với ông sẽ dắt nhau ra vườn, ngó nghiêng mấy cây mai già, vặt từng cái lá thật cẩn thận, để chỗ cho chồi non chớm nở. Rồi giao thừa, khi con cháu trong nhà rủ nhau lên thành phố xem pháo hoa, mệ sẽ dọn mâm cúng, ông sẽ khấn vái lễ Thành khiến. Vậy mà giờ chỉ có mỗi mệ, biểu sao không buồn.

 

Nghĩ bụng, con Hiểu mon men lại gần, nắm lấy bàn tay gầy guộc của mệ rồi thủ thỉ “nội nhìn chi ngoài sân rứa nội?”.

Mệ Vui bất ngờ, quay qua con nhỏ, vừa cười vừa trả lời lấy lệ “nội ngóng gió đêm chớ có chi đâu con”.

“Nội nhớ ông nội con đúng không?”.

“Nội đang chờ mai nở”.

Câu trả lời của mệ Vui làm con nhỏ chưng hửng. Mấy tháng nay rồi, trong vườn nhà nó còn cây mai nào đâu. Từ ngày dịch COVID-19 tràn qua, công ty ba nó làm ăn thua lỗ, mấy gốc mai trong vườn lần lượt mang đi bán hết cả.

Mới đầu, mệ nội còn lần lữa mãi, muốn giữ lại mấy gốc mai kỷ niệm. Mệ nói không có cơm thì ăn cháo, không thịt cá thì hái rau trong vườn mà ăn, chứ nhất định không được bán mấy gốc mai. Mệ sợ ông về thăm nhà, không thấy cành mai nào sẽ buồn, sẽ không vui trọn vẹn với mệ mấy ngày tết.

Nhớ bữa đó, ba con Hiểu vừa đốt thuốc, vừa uống rượu. Những vòng khói thuốc tan nhanh khi hơi thở dài thườn thượt liên tục thoát ra. Mệ Vui gặng hỏi mới biết đứa con trai mạnh mẽ của mình cũng có lúc rối bời, vì không có tiền trả lương cho nhân viên và thanh toán công nợ. Gia đình mệ xưa giờ có tiếng đức độ, sao có thể làm ngơ trước cái khổ của nhân công. Thế là mệ bấm bụng, bảo “bán mấy gốc mai đi”.

Mệ nói ngắn gọn, nhỏ xíu. Giọng mệ chỉ vừa đủ cho ba con Hiểu nghe thấy. Mệ quay lưng thiệt vội, lọm khọm tiến về gian trái của căn nhà ba gian đã gần trăm tuổi. Mệ ngồi phịch xuống giường. Tiếng kẽo kẹt của những thanh giường tre đã cũ như cứa vào lòng mệ. Nhẹ tênh, mà đau.

Hơn nửa năm nay, sân nhà rộng thênh thang chỉ còn vài khóm hồng với mấy nhành hoa trang. Tự dưng hôm nay mệ lại ngóng mai nở.

Con Hiểu còn nhớ rất rõ. Ba năm trước, ông nội nó được chẩn đoán u tuyến yên. Ngày bác sĩ ra quyết định phải mổ để xử lý triệt để, cả nhà lo lắng dữ lắm. Chỉ có mệ là bình tĩnh.

Đêm đêm, mệ nắm tay ông thủ thỉ. Mấy lần con Hiểu cố nghe lén mệ khuyên nhủ thế nào để ông chấp nhận phẫu thuật. Vậy mà nghe mãi, chỉ thấy ông với mệ đang ôn lại những kỷ niệm cùng nhau. Những ngày tháng còn nghèo khó, ông mệ bươn chải làm lụng, nuôi ba con Hiểu không lớn. Nhà chỉ có một đứa con trai duy nhất nên ông mệ cưng ba như trứng mỏng. Đến khi kinh tế ổn định, ông mệ sắm sửa trong nhà mỗi thứ một ít. Lúc đầu là bộ lư đồng, sau đến bộ bàn ghế, cái giường con... Vài năm, ông mệ lại tằn tiện sắm về một cây mai nhỏ để vườn nhà thêm sức sống.

Biết ông mệ thích hoa, khi ba con Hiểu bắt đầu mở công ty, thu nhập kha khá thì cũng theo thói quen mua hoa mai về chưng tết. Dần dà, vườn nhà nó đâu đâu cũng nhìn thấy sắc mai vàng rực rỡ.

Mệ nội cứ lặp đi lặp lại những kỷ niệm cùng ông vặt lá mai, ngóng chờ từng chồi non hé nở. Mệ còn nói muốn cùng ông ngắm mai nở thêm nhiều năm nữa. Vắng ông thì những cây mai trong vườn chẳng còn sức sống nữa, giống như mệ vậy.

Chỉ chừng đó thôi, ông nội con Hiểu gạt bỏ hết e dè và lo sợ, đồng ý tiến hành mổ bỏ khối u. Ca phẫu thuật tiến hành suôn sẻ, khối u được tách bỏ hoàn toàn. Nhưng dây thần kinh thị giác của ông bị ảnh hưởng mạnh nên mắt mờ dần đi. Ban đầu, mắt bên trái của ông không còn nhìn thấy được chỉ sau bảy tháng. Đợt đó, gió đông lạnh buốt. Mệ run run nắm lấy bàn tay gân guốc đã xếp chồng từng nếp nhăn của ông. Mệ vỗ vỗ nhẹ lên tay ông, thì thầm “ít ngày nữa, tui với ông ra sân vặt lá mai hỉ, sắp tết rồi”. Ông gật gật đầu, mỉm cười với mệ, quên hẳn mình vừa mất đi một nửa ánh sáng.

Những cuộc chạy chữa nối tiếp, tìm thầy, tìm thuốc kéo dài gần hai năm trời. Tiền của tích cóp của ông mệ đều để dành cho ông thuốc thang, mong giữ lại được chút ánh sáng cuối cùng của con mắt còn lại.

Thế nên, khi ba con Hiểu lâm vào khó khăn công nợ, mệ Vui không có khả năng giúp đỡ, chỉ đành bảo ba nó bán mấy gốc mai đi. Dù biết ông sẽ buồn dữ lắm. Nhưng ông cũng sẽ thương con, thương cháu mà quên cái buồn ấy đi.

Con Hiểu cứ đứng nhìn mệ nội đăm đăm. Trong đầu nó tua nhanh từng đoạn ký ức mấy năm qua. Sắp tết rồi, không lẽ cứ để mệ nội buồn mãi như vậy thì coi sao được.

2. Từ lúc cúng đưa ông Táo xong, con Hiểu ra ra vào vào, trông có vẻ loay hoay. Thi thoảng, mệ Vui thấy nó nhẩm tính gì đó. Con nhỏ cứ xòe tay ra, bấm bấm mấy đốt tay, rồi tự mình lầm rầm “một, hai, còn thiếu ít nữa”.

Hai mươi sáu Tết, con nhỏ đi một mạch từ sáng đến tối mới về. Ôm trước bụng một túi vải phình to, nó lấm la lấm lét như sợ bị phát hiện điều bí mật nào đó. Rồi hai ngày tiếp theo, con Hiểu khóa chặt cửa phòng. Mệ ngồi buồn, chờ con nhỏ lên nhà trên tâm sự chút chuyện vặt. Vậy mà chẳng thấy nó đâu. Chốc chốc, nghe tiếng ho khục khặc của con nhỏ, mệ lại ngóng xuống gian nhà dưới. Cánh cửa phòng của nó vẫn cứ im ỉm.

Gió cuối đông len theo khe cửa, luồn vào nhà, se buốt. Nỗi nhớ ông chốc chốc lại cuộn lên, làm lòng mệ khắc khoải. Cũng gần một năm rồi, căn nhà vắng tênh. Những tiếng bước chân quen thuộc của ông thôi không còn gõ lạch cạch trên nền gạch cũ. Cái gạt tàn cũ mèm đã được rửa sạch bong, đặt cạnh khay trà mà ông hay nhâm nhi mỗi sáng. Mọi thứ của ông đều ở đây, ngay bên cạnh mệ. Chỉ có ông vắng nhà. Vắng như lòng mệ cứ mênh mênh mông mông chẳng có điểm dừng.

Mệ thở hắt ra, nhấp một ngụm trà. Trà ấm, nhưng đắng, y hệt lòng mệ vậy.

Bỗng, con Hiểu khẽ khàng đến bên cạnh. Nó khều nhẹ tay mệ, nói nhỏ:

- Nội, con có cái ni muốn khoe nội.

- Chi rứa con? Cha bây, hai ngày ni để nội buồn một mình.

- Nội đi theo con ra ngoài ni chút nè.

Vừa nói, con nhỏ vừa đưa tay kéo cái mũ len trên đầu mệ Vui cho vừa khít che đi hai bên tai cho đỡ gió. Rồi nó quay lưng, đưa tay đẩy hai cánh cửa chính mở tung.

Trước mặt mệ Vui là một cây mai vàng đã nở rộ. Từng cánh mai nở bung đang lay nhẹ trong gió. Từng chồi mai mới chớm mọc lí nhí trên những nhành cây. Những chiếc lá mai non hồng hồng, đỏ đỏ cũng xen kẽ chen với lá xanh. Mệ Vui rưng rưng, không thốt nên lời. Là hoa mai, là hoa ngày xuân của ông mệ đây rồi.

Chợt, mệ Vui khựng lại. Có gì đó không đúng. Mệ Vui lọm khọm bước vội xuống mấy bậc cấp. Mệ tiến đến bên cây mai trông có vẻ quen thuộc.

Mệ chấp chới, đưa tay chạm khẽ một bông hoa mai. Cánh mai vàng tươi, mềm mại, mịn như nhung. Nhụy hoa cũng mềm mềm y hệt vậy. Những chiếc lá non không có đường gân, cũng đáp nhẹ trên tay mệ chung một cảm giác lạ kỳ.

Mệ Vui bước lùi về sau, nhìn lại một lần nữa. Thì ra là chậu hoa giấy đã được ngắt bỏ hết hoa, chỉ chừa lại một vài chiếc lá. Lúc này, mệ mới hiểu ra tất cả.

Mệ quay sang kéo đầu con Hiểu gục lên vai mệ. Miệng liên tục lầm rầm “cha bây, bây lừa nội, nội thương bây quá”.

Con Hiểu cười xòa “bị nội phát hiện lẹ quá nội ơi”.

Thì ra, con nhỏ vì muốn nội vui nên lấy tiền học bổng vừa nhận được để mua kẽm sợi, vải nhung, hạt nhựa và nhiều dụng cụ khác. Suốt hai ngày, nó hì hụi trong phòng làm hoa, kết nhụy, tạo lá. Để cho nội bất ngờ, nó còn tranh thủ gắn hết lên cây mặc cho trời đang gió. Những tiếng ho khục khặc từ sớm cũng vì cảm gió mà ra.

Mệ Vui không biết nói sao, chỉ ôm cứng nó vào lòng, liên tục nói tiếng cảm ơn.

Con nhỏ ngước đầu lên nhìn nội, thì thào:

- Hai ngày nữa đón ông nội con về, có mai nở rồi nghe nội. Nhà mình cùng vui để ra tết, ông nội đi chữa bệnh tiếp nội hỉ.

Mệ Vui rưng rưng xoa đầu con nhỏ “đúng rồi, ông nội về sẽ vui. Ông sẽ lạc quan mà chữa lành con mắt. Dù hơi muộn nhưng mai cũng nở rồi, ông sẽ vui lắm đó con ơi”.

Giữa cái lạnh cuối đông, nhành mai nở muộn đang mang xuân về với cả nhà con Hiểu trong hạnh phúc ngập tràn.

Tịnh Vũ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top