ClockThứ Bảy, 27/04/2019 07:00

“Từ Dụ Thái Hậu” - Thêm một “cánh cửa” soi vào hậu cung Triều Nguyễn

TTH - (Đọc tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ Thái Hậu” của Trần Thùy Mai, NXB Phụ nữ, 2019)

Dấu ấn nghệ thuật trang trí ở lăng Thái Hậu Từ DũHậu cung triều Nguyễn, từ sử sách đến dấu tích

Mới đây, nhà văn Trần Thùy Mai đã làm kịch bản phim và đang viết tiểu thuyết về Thái hậu Từ Dụ. Tác phẩm dày dặn gần 500 trang “Từ Dụ Thái hậu” (TDTH) đã kịp ra mắt trong dịp ngày sách Việt Nam tại Hà Nội và tại Huế ngày 27/4 này.

Tôi “không ngờ” vì Trần Thùy Mai (TTM) vốn là cây viết truyện ngắn, khi đây là tiểu thuyết đầu tay của chị. Hơn thế, Thái hậu Từ Dụ là một nhân vật quá nổi tiếng và “quen thuộc” nữa - nhất là với vùng đất Cố Đô, nhà văn không dễ tùy hứng sáng tạo, hư cấu.

Tôi đón đọc tiểu thuyết của TTM với một chút “tò mò”. Tác giả chủ yếu vẫn theo bút pháp “truyền thống”, thuật chuyện theo trình tự thời gian - chương 1 mở đầu khi TDTH còn là cô bé Hằng “lên mười tuổi, đôi bím tóc xinh xinh buông xuống hai bên đôi má phính hồng” đang ngồi học bên cha là quan Tham tri Phạm Đăng Hưng khi ông về quê nhà ở phương Nam “cư tang” cho đến chương 69 là cảnh TDTH gặp đại công thần Trương Đăng Quế lần cuối, bày tỏ ý nguyện nhất quyết không can dự vào chính trường nữa; Quế đã cả gan “nắm lấy hai bàn tay thái hậu” và thốt kêu lên: “Tóc Quế dù bạc nhưng lòng Quế không hề nguội lạnh. Hằng, nàng cũng vậy, nàng không già đi, chưa bao giờ ta thấy nàng đẹp như bây giờ…”.

Cuộc đời cô bé Hằng với chuyện tình kiểu học trò cùng hai hoàng tử con vua Minh Mạng (khi cô được tuyển vào coi sóc lớp học trong Hoàng cung) và nhất là mối tình như là tiền định với Trương Đăng Quế cũng có thể dựng một tiểu thuyết ngôn tình hấp dẫn, nếu tác giả mạnh tay “hư cấu”. Và với vô số âm mưu đoạt quyền giành tước vị bổng lộc với những bóng đen nghe lén chuyện thâm cung bí sử triều đình, với vụ án oan Phạm Đăng Hưng vừa bị tuyên án xử trảm thì vua Minh Mạng xuất hiện, kẻ ngồi ghế chánh án trở thành tội nhân… cũng có thể dựng một tiểu thuyết trinh thám võ hiệp kiểu Tàu không tầm thường.

Trong tiểu thuyết TDTH, “cái đinh” đó chính là cuộc đời cô Hằng. TTM đã “mượn” Hằng để mở hầu như tất cả các “cánh cửa” trong cung cấm, để rồi có thể đúc rút một kết luận có lẽ đúng với mọi thời đại như TTM đã viết ở đoạn đầu tác phẩm: “Nơi đâu có quyền lực, ở đó có âm mưu và tranh đoạt”. Tuy nhan đề tác phẩm là TDTH, nhưng đây là cuốn tiểu thuyết soi tỏ hầu như toàn bộ chuyện cung đình suốt mấy đời vua từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Thực ra, chuyện các đời vua này, với các tên tuổi như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Trương Đăng Quế, rồi Hồng Bảo… rất nhiều bộ sách nghiên cứu về Huế đã viết. Chỉ khác, TTM miêu tả các nhân vật, sự kiện từ bên trong cung cấm với con mắt của một nhân vật nữ từ một cô gái đáng yêu đến một Thái hậu được thiên hạ ngưỡng mộ. Nói TTM “mượn” cô Hằng để soi tỏ hậu cung nhà Nguyễn, thực ra là lịch sử triều đại này đã được miêu tả với cách nhìn của tác giả TTM.

TTM “khôn ngoan” chọn cô Hằng để soi tỏ chuyện hậu cung, nhưng mặt khác, có thể nói đề tài TDTH đã “chọn” được người viết như TTM. Nói vậy, vì nhờ “lợi thế” của một cây bút nữ, TDTH không chỉ có các vụ tranh đoạt quyền lực gay cấn và hấp dẫn mà còn những trang viết mềm mại, đậm phong vị Huế khi miêu tả đời sống thường nhật sau các cánh cửa cung cấm. Có lẽ cũng chỉ với con mắt của một cây bút nữ thấu hiểu những nỗi đau đời của người cùng giới mới có đoạn đối thoại giữa cung nữ Hạnh Thảo với Phạm Đăng Hưng về thân phận “Tam phi” (tức Ngọc Bình, vợ vua Nguyễn Quang Toản được vua Gia Long tha chết và đưa về cung). Khi nghe Hạnh Thảo nói:

- “Hoàng thượng một tháng dù có đến cung Tam phi cả ba mươi hôm đi nữa, đâu có nghĩa là Tam phi được yêu thương đâu?

Đăng Hưng cau mày:

- Thế là thế nào, ta vẫn chưa hiểu?

- Vâng, đúng vậy! Thật ra Tam phi chỉ là một tù binh đáng thương, hoàng thượng thích đến với bà ấy có lẽ chỉ để tận hưởng cái cảm giác của người chiến thắng. Nỗi niềm của bà ấy, có lẽ chỉ có nô tỳ hiểu được mà thôi!… Mồ mả của Tây Sơn chỉ có thể khai quật một lần. Còn Ngọc Bình, hoàng hậu Tây Sơn, chính là một ngôi mộ sống, hết ngày này sang ngày khác liên tục bị khai quật cày xới!...”.

Nhiều nhà phê bình đã nói về giọng điệu văn chương mềm mại, đầy nữ tính của TTM, nhưng những dòng chữ này cho chúng ta thấy “nữ tính” vẫn có thể dữ dội, có thể làm đau lòng người như thế nào? Cách miêu tả những hoạt động ghê gớm của “Nhị Phi” (thân mẫu vua Minh Mạng) trong việc sắp đặt từ ngôi vua cho đến cung nữ lại cho chúng ta thấy một mặt khác của hậu cung Triều Nguyễn (và có lẽ không chỉ ở triều đại này…): Đó là vai trò quan trọng của các bà vợ vua đối với chính trường.

Chỉ tiếc một chút là có lẽ vì tác phẩm ôm chứa nội dung quá lớn, tác giả không thể bỏ qua những sự kiện quan trọng và hấp dẫn trong suốt mấy đời vua, nên cuốn sách ít những trang văn hay như các truyện ngắn xuất sắc của TTM trước đây. Dù là gì đi nữa, TDTH là một thành công đáng trân trọng của TTM, một cuốn sách mà hẳn là những ai quan tâm đến Huế đều muốn được đọc…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng

Tự truyện “Mạ tui” của Nguyễn Viết An Hòa được NXB Thuận Hóa in từ năm 2018, đã được “nối bản” nhiều ngàn cuốn, mặc dù theo quan niệm thông thường, tác giả là người không/chưa nổi tiếng. Hơn chục năm trước, trong một cuốn sách đã in, tôi nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”.

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng
Có đồng thuận, có thành quả

Sự đồng thuận đó, chắc chắn không phải tự dưng mà có, mà là thành quả của sự nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” của những người làm công tác dân vận.

Có đồng thuận, có thành quả
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1: Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

4 năm ra đời, đề án Tủ sách Huế đến nay chỉ có 11 ấn phẩm, một con số rất khiêm tốn. Nhưng buồn hơn khi những ấn phẩm ấy chỉ dừng lại với số lượng in giới hạn và “đeo gông” sách không bán, khiến nhiều người khó tiếp cận. Phía những người thực hiện Tủ sách Huế cho rằng nguyên do dẫn đến điều đó là ngân sách hạn chế, nhưng nhiều ý kiến khác nhận định đó là sự thụt lùi, thậm chí đi ngược lại chủ trương lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế cũng như văn hóa đọc trong đời sống hiện nay. Vì thế, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Tủ sách Huế đang phải đối mặt.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1 Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm
Cai game bằng đọc sách

Chở con gửi thư viện, hoặc nhà sách và dành thời gian đọc sách cùng con là một trong những giải pháp của nhiều phụ huynh trong dịp hè nhằm giúp con "cai nghiện" game, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Cai game bằng đọc sách
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Return to top