ClockThứ Sáu, 02/09/2022 08:16

“Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”

TTH - Nhà thơ - nhà báo Vĩnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Quang Vinh) ra mắt tự truyện khi vừa lên tuổi bát tuần. Hơn chục năm trước, tôi từng viết bài “tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”. Cuộc đời nhà thơ Vĩnh Nguyên là một trường hợp như thế.

Giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”Nhà thơ Tố Hữu & quê mẹCó một nhà báo Tố Hữu

Bìa sách “Trên những dặm sóng”, tự truyện của Vĩnh Nguyên

Với gần 300 trang sách, “Trên những dặm sóng” có 16 “Khúc” và mỗi “Khúc” gồm nhiều chuyện. Tôi hình dung ông lão 80, rời hạm tàu đã nửa thế kỷ, vẫn thích cho ngòi bút tung tẩy, lướt sóng, như ngày nào đang ở Hải Phòng đã vụt vào sông Gianh đối đầu với không quân Mỹ ngày 5/8/1964…

Ngay ở “Khúc 1”, tác giả mở đầu với cuộc sống trên chiến hạm 171. Khi cuộc chiến tranh phá hoại bắt đầu, đơn vị đã cơ động vào sông Gianh.

“Máy bay Mỹ lao tới... Pháo thủ được lệnh nổ súng rần rần… Lúc ấy, tôi đang trên đài chỉ huy chưa kịp xuống boong tiếp đạn. Tàu 171 trúng bom, khói đạn mịt mù trùm kín. Đồng chí lái tàu ngã xuống dưới chân tôi hy sinh. Thuyền trưởng nhảy qua cầm tay lái. Tôi bị thương ở đùi phải…”

Tác giả không miêu tả trận đánh dài dòng, mà ngay sau đó, là câu chuyện về anh hùng - liệt sĩ phá bom Hà Văn Cách ở quê nhà và lịch sử xã Vĩnh Ninh từ thời Tự Đức (gồm cả Vĩnh Tuy là Văn La) có đến hai vị Thượng thư tứ trụ triều đình là Hà Văn Quan và Hoàng Kế Viêm, người đã chỉ huy hai trận đánh Pháp lẫy lừng năm 1873, chém chết viên chỉ huy F. Garnier và trận thứ hai, năm 1883, chém chết viên trung tá Henri Rivière… Chỉ một vài trang sách, không - thời gian trong Tự truyện của Vĩnh Nguyên xuyên thế kỷ, trải rộng từ Trung ra Bắc…

Việc chàng bị thương trong một trận đánh có tính lịch sử mở đầu cuộc chiến tranh, Vĩnh Nguyên chỉ viết ít dòng; nhiều năm sau, khi có đứa con phàn nàn: “Sao ngày trước ba không giải phẫu vết thương, làm thẻ thương binh? Giờ mỗi kỳ thi, ba biết không, các con được cộng thêm một điểm rưỡi!”. Vĩnh Nguyên đã quát lên: “Việc các con là lo học cho giỏi. Còn đây là việc của ba. Bạn ba ngã chết dưới chân ba thì bây giờ gia đình người ta được những gì? Ba là thủy thủ...”.

Thân phụ Vĩnh Nguyên đúng là một “Thầy tu”, nhưng danh từ này đôi khi dẫn đến sự đánh giá sai lạc! Tác giả không dành “Khúc” nào viết riêng về thân phụ mình; chỉ đến lúc học xong Trường viết văn Nguyễn Du, trở lại ghé thăm Bí thư Thị ủy Đồng Hới Nguyễn Đức Đẳng, vì ông là em ruột nhà thơ Xuân Hoàng – “thủ trưởng” mới của mình. Qua lời vị Bí thư, bạn đọc mới biết cuộc đời vị “Thầy tu” đặc biệt này. Ông Đẳng quá bất ngờ khi “khách” xưng “quê ở Vĩnh Tuy, con ông thầy Ốm”. Ông thân tình nói: “Ông Nguyễn Quang Soạn - thầy Ốm nhà anh là một con người thép! Tôi nói để anh biết mà tự hào về người cha của mình rằng: Cuộc cách mạng kháng chiến của ta trong lúc khó khăn, tổ chức Việt Minh hoạt động bí mật mà được chân rết thầy Ốm nằm trong tổ chức là vững như cột đồng! Thầy anh bị bọn mật thám Phòng Nhì Pháp bắt tù, đánh đòn hiểm, nhưng thầy nhất quyết không khai, bảo vệ trọn vẹn tổ chức cách mạng…”.

Và ông đề nghị gia đình làm bản thành tích để có thể truy tặng liệt sĩ cho thầy…

Việc “ghi công” rút cục không thành, do cậu em Vĩnh Nguyên ngại theo đuổi các “thủ tục”, mặc dù năm 1987, khi ông Đẳng vô Huế giữ chức Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên, ông đã làm giấy xác nhận thầy Ốm đã nuôi giấu mình trong chùa, lúc ông Đẳng là Huyện ủy viên Quảng Ninh…; khi thoát ngục lên chiến khu Bến Tiêm, thầy còn tham gia tổ chức đường dây mật chuyển hàng lên chiến khu… đi đến cùng…

Hơn bảy thập kỷ đã qua, kể từ những ngày gian khổ mà anh hùng đó! Tuy thầy Ốm chỉ là “vai phụ” trong một vở diễn lớn, chỉ ở góc khuất sân khấu, nhưng cuộc đời thầy cũng là một số phận “chứa một phần lịch sử”…

Trong “Khúc 2”, cũng với lối viết “tung tẩy”, tác giả đưa bạn đọc “thăm” Hải Phòng bước vào cuộc chiến, rồi bất ngờ năm 1967, chàng chuyển đơn vị, lên Hà Nội tham gia bảo vệ cầu Long Biên và đến trận “Điện Biên Phủ trên không”, trong bốn chiến hạm lên sông Hồng tham chiến, tàu chỉ huy hy sinh ba pháo thủ, chàng được giao nói lời vĩnh biệt ba đồng đội… Có một chi tiết khá đặc biệt: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tổ thu phát sóng của đơn vị đặt tại căn gác ven đê: “Chúng tôi đứng trên thang gác nhìn xuống lòng đường, dân chúng ai nấy vừa đi vừa vuốt nước mắt khóc ròng…”. Điện báo tới dồn dập, nhưng tổ viên Đinh Mạnh chạy bộ tới Ba Đình dự lễ truy điệu; trở về, một tay quay máy phát, một tay rút khăn lau nước mắt…    

***

Tự truyện của Vĩnh Nguyên không “sa đà” vào sự kiện, nên người giới thiệu cũng nên nói “gộp lại”. Quả là Vĩnh Nguyên ít gặp… may, cả trong ba chục năm làm báo suốt từ Hội Văn nghệ Quảng Bình đến Tạp chí Sông Hương. Khi anh đến Hội Văn nghệ Quảng Bình thì ở đó đã có các cây “đại thụ” như Xuân Hoàng, Trần Công Tấn, Dương Tử Giang…; học trường Nguyễn Du xong, vô Huế, lại đã có các tên tuổi như Thanh Hải, Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ… nên chỉ còn các công việc ở hậu trường khá vất vả như chữa mo-rát, đọc bài “vòng một” bạn đọc gửi đến.

Mặc kệ tất cả, cuối đời, Vĩnh Nguyên vẫn cho rằng “có sự bù đắp rõ ràng”; chiến tranh nhà cửa tan nát hết, nhưng 5 anh chị em trở về nguyên vẹn. Và nữa, có vợ đẹp Hoàng Dung - giảng viên tiếng Nga Đại học Huế, ba con đều học giỏi, không phải chạy vạy xin việc khi ra trường, hai đứa trở thành cán bộ giảng dạy đại học... 

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

​(Đọc “Trên những dặm sóng” - Tự truyện của Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà văn, 2022)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luôn giữ cái tâm trong sáng của người làm báo

Chiều 6/8, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo tỉnh (8/8/1989 - 8/8/2024). Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Luôn giữ cái tâm trong sáng của người làm báo
Tri ân những nhà báo liệt sĩ

Những ngày tháng 7 thiêng liêng, hòa chung niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn mà toàn dân tộc dành cho các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người làm báo Việt Nam thành kính hướng về các nhà báo liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Tri ân những nhà báo liệt sĩ
Vì tôi quá yêu Huế mình

"Tôi đã viết về những gì là vẻ mộc mạc cho đến vẻ cao sang của Huế bằng cả ​trái tim, để người đọc, đã yêu Huế rồi thì yêu Huế thêm nữa-Nhà báo Hoàng Thị Thọ chia sẻ, về hai cuốn sách "Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế” và “Xin đi từ thơ ấu” của chị, sắp được ra mắt.

Vì tôi quá yêu Huế mình
Điều nhà báo cần học chính là công nghệ

Cách nay gần 30 năm, tôi được Tổng Biên tập cử ra Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII. Báo Thừa Thiên Huế bấy giờ mới được trang bị 2 chiếc máy di động cho Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập theo kiểu “di động công vụ”. Trước ngày lên đường, Tổng Biên tập bảo tôi xuống mượn chiếc di động của đồng chí phó mang theo để tiện liên lạc với Tòa soạn. Tôi lớ ngớ làm theo, ai ngờ bị mắng cho một trận, ai đời lại cầm di động của người khác, lạ thế! Đó cũng là thời điểm mà công nghệ làm báo đã bắt đầu có những đổi thay và từng bước xâm nhập vào báo địa phương.

Điều nhà báo cần học chính là công nghệ
Nhớ thời làm báo “phong trào”

Mãi đến năm 1988, tôi mới sống hẳn với nghề làm báo, mới có thẻ nhà báo và trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhưng trước đó 23 năm, ngay từ năm 1965, khi còn là học sinh lớp Đệ Nhất (lớp 12) của trường Quốc Học Huế, tôi đã chính thức lao vào việc viết báo, làm báo. Không kể những tờ báo học trò viết tay trước đó, năm 1965, trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS) ở các đô thị miền Nam Việt Nam, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện tờ báo Vượt Sóng của lực lượng TNSVHS Tranh thủ Hòa bình tỉnh Quảng Nam, tại Hội An.

Nhớ thời làm báo “phong trào”

TIN MỚI

Return to top