|
Nhà báo Hoàng Thị Thọ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế (1989-2008) |
Là về sách nhưng cuộc trò chuyện cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần của nhà báo Hoàng Thị Thọ lại bắt đầu từ nghề báo-một công việc mà chị đã tận tâm trong mấy chục năm.
Tháng Giêng năm 1975, giữa lúc chiến trường còn khốc liệt, chị được tổ chức cho ra Hà Nội thi đại học ngành báo chí. Với cô gái Huế ấy, đó là một hạnh phúc lớn khi chị được học cái nghề chị yêu thích từ những năm hoạt động trong phong trào đô thị miền Nam tại Huế.
Năm 1979, tốt nghiệp ra trường, chị trở lại quê nhà và làm việc ở Đài Truyền thanh Huế. Sau 10 năm gắn bó ở đây, năm 1989, chị đến nhận nhiệm vụ mới tại Hội Nhà báo tỉnh. Một công việc mà theo chị là không được chọn vì mới mẻ, chưa có mô hình với vô vàn khó khăn. Nhưng chị đã gắn bó 20 năm với chức trách Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh qua bốn nhiệm kỳ Hội không có Chủ tịch chuyên trách.
Chặng đường dài khởi đầu và gắn bó ấy, chắc hẳn đã để lại trong chị nhiều kỷ niệm khó quên?
Những năm tháng đầu mới thành lập, Hội chỉ có hai người, cơ sở chỉ có căn phòng tạm trú ở báo Dân thời Bình Trị Thiên, sau đó là Đài Truyền thanh Huế. Khó nhất là kinh phí hoạt động. Có những giải báo chí chúng tôi tổ chức, dù tác phẩm đã được chọn, tất cả các công việc đã hoàn thành nhưng phải ngóng chờ Sở Tài chính rót kinh phí để trao giải thưởng. Có những lần tổ chức triển lãm ảnh báo chí, dù đã bế mạc rất lâu mà Hội vẫn chưa có tiền trả nhuận ảnh cho các nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh.
|
Hai cuốn sách của nhà báo Hoàng Thị Thọ dự kiến được ra mắt bạn đọc vào ngày 23/6 tới tại Huế |
Trong muôn vàn khó khăn, công việc đầu tiên của Hội lúc bấy giờ là tập trung mọi nguồn lực để bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề báo, sự trung thực trong hoạt động nghề nghiệp cho đội ngũ. Chúng tôi đã cân não tìm cách phối hợp tổ chức mở các lớp đại học chuyên ngành báo chí cho hàng trăm nhà báo các tỉnh miền Trung, rồi tổ chức 16 giải báo chí, là tiền thân của Giải Báo chí Hải Triều ngày nay.
Từ hoạt động nghề nghiệp, qua những giải báo chí của Hội, rất nhiều nhà báo đã hăng hái tác nghiệp, góp phần định hình diện mạo báo chí tỉnh nhà thời kỳ này bằng những tác phẩm có chất lượng. Các chương trình hoạt động sáng tạo, năng động mà chúng tôi dày công xây dựng cũng làm cho xã hội thấy được vị trí của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế.
Hai mươi năm bận rộn, trăn trở với công tác hội cũng là thời gian chị viết rất nhiều bài báo về Huế, tạo nên dấu ấn, tên tuổi của nhà báo Hoàng Thị Thọ trong lòng độc giả. Vậy chị đã sắp xếp thời gian như thế nào?
Vừa làm công tác hội, cứ có chút thời gian rỗi là tôi sắp xếp, xách xe tranh thủ để đi viết. Bởi không viết thì không thể làm tốt công tác hội. Và ai cũng vậy thôi, với người yêu nghề, được viết là một khát vọng sống. Làm công tác hội thì càng phải viết để thấu hiểu công việc của nghề, để làm cho Hội trở thành nơi góp phần xây dựng một đội ngũ nhà báo bản lĩnh, giỏi nghề, yêu nghề, sống đến tận cùng với nghề.
Ngoài chủ biên ấn phẩm Nhà Báo Huế từ năm 1995, tôi tranh thủ viết bài về Huế từ “đặt hàng” của nhiều tờ báo trong nước. Và hơn 50 bài viết trong “Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế”, “Xin đi từ thơ ấu” là những bài báo được chắt lọc trong 20 năm viết của mình.
Chuyên tâm với những bài viết về Huế, chị thấy viết về Huế khó hay dễ?
Trong lời tựa “Xin đi từ thơ ấu” của tôi, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng, Huế đẹp và thơ, Huế mộng mơ, Huế của thi ca nhạc họa là chuyện nhiều người đã viết. Nếu không khéo thì sẽ bị trùng. Nhưng Huế là một giá trị ngầm ẩn nhiều trầm tích và quặng vỉa mà nếu biết cách, người viết sẽ mang lại những cảm xúc mới mẻ cho độc giả từ những “hạt vàng mười” mà mình phát hiện được. Riêng mình, tôi thấy viết về Huế khó mà cũng dễ. Mình hãy yêu thật tha thiết. Hãy lăn thân vào mọi ngõ ngách của Huế. Yêu bằng cả trái tim rồi thì nhất định sẽ tìm thấy. Ấy vậy mà cũng có những bài viết, tôi phải mất hai năm để hoàn thành.
Với 50 bài viết về vườn Huế, áo dài Huế, mắm ruốc Huế, chim Huế, nuốc Huế, sông Huế, núi Huế, ca nhi Huế…, chị muốn gửi gắm điều gì qua hai cuốn sách của mình?
Đi nhiều, lắng nghe nhiều, quả thực tôi nhận thấy “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” là thực sự. Một thành phố như được “khảm, nạm vào thiên nhiên” với xanh núi, xanh sông, xanh vườn, xanh ruộng… Không ở đâu mà con người quấn quýt với thiên nhiên đến vậy, như thể không có cây, hoa cỏ thì người sẽ chết. Và một Huế kinh kỳ, đài các, kiêu sa nhưng thật mộc. Mộc như câu thơ của cố họa sĩ Đinh Cường: “Ra đi mới biết lòng vô hạn/Sương có mờ đi trên sông Hương”. Mộc như chiếc đèn lồng bánh ú của Huế, như chiếc áo dài đằm thắm của Huế từ xưa đến nay; như món ăn Huế, có sơn hào hải vị và có cả món mắm nêm mà “Đến vua cũng phải thèm”… Tôi đã viết về những gì là vẻ mộc mạc cho đến vẻ cao sang đó của Huế bằng cả trái tim, để người đọc, đã yêu Huế rồi thì yêu Huế thêm nữa.
Không chỉ trằm mình trong màu xanh cây cỏ, không chỉ có một tình yêu Huế thuần khiết, trong veo, đây đó, những trang viết của chị còn cộm lên những lo âu?
Năm 1979, tốt nghiệp xong đại học báo chí, rời Hà Nội, nhà báo Lê Văn Nuôi khi ấy rất mong đón tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm cho tờ Tuổi Trẻ do anh làm Tổng Biên tập. Nhưng tôi trả lời, anh yêu thành phố của anh như thế nào thì tôi cũng yêu thành phố của tôi như thế ấy. Tôi không thể bỏ Huế mà đi. Có lẽ vì quá yêu Huế nên lúc nào tôi cũng canh cánh nỗi lo. Lo mỗi sự thay đổi, mỗi sự làm mới, mỗi sự màu mè đều khó phù hợp với Huế. Vì Huế “đằm” lắm. Rồi câu chuyện về những ngôi nhà cổ cứ dần mất đi. Về cách nào để bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Gia Hội - thương cảng Thanh Hà - thành Hóa Châu xưa trong mục tiêu phát triển du lịch. Hay nghề gốm ở Phước Tích một thời huy hoàng, chẳng lẽ chỉ đỏ lửa nung vài ba mẻ biểu điễn trong mấy ngày lễ hội rồi tắt?... Yêu Huế nên đi đâu tôi cũng đem Huế bên mình, để đối chứng những điều mình thấy, mình biết, để mong Huế đẹp hơn, tốt hơn.
Nếu có một lời khuyên cho những người cầm bút trẻ, chị muốn chia sẻ cùng họ điều gì?
Nghề báo là một nghề vất vả. Một nghề lắm khi gặp nguy hiểm. Nhà báo nữ còn có thêm nhiều cái khó. Ngày nay, nghề báo còn đòi hỏi nhiều hơn, không chỉ kiến thức, bản lĩnh, tay nghề, đạo đức của người cầm bút, mà còn ở sự tinh nhạy trong tác nghiệp và áp lực của tính thời sự, của chỉ tiêu, chất lượng tin, bài. Và chưa bao giờ mà phẩm chất, nhân cách của nhà báo phải sống giữa những thách thức, đối diện với những cám dỗ chết người như hiện nay. Ranh giới giữa sự thật và không thật quá mong manh. Nhưng chỉ cần có một tình yêu nghề thực sự, chịu khó học hỏi và lắng nghe, không ngại lăn thân vào cuộc sống, tôi nghĩ những người viết trẻ sẽ có được chỗ đứng của chính mình và tác phẩm của họ sẽ sống trong lòng bạn đoc.
Xin cảm ơn chị !