Mới đây, tại lễ kỷ niệm nhìn lại 2 năm hoạt động, Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã thành lập Ban vận động, kêu gọi đóng góp đúc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng trong cuối tháng 11 này, triển lãm trưng bày và lấy ý kiến chọn mẫu tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn được tổ chức. Bức tượng phác thảo xuất sắc nhất được chọn sẽ thi công và đặt ở công viên đường Trịnh Công Sơn, ven bờ sông Hương.
Sơn là một thiên tài của nền tân nhạc Việt và Huế tự hào là quê hương và là nơi in dấu, là cảm hứng cho nhiều sáng tác bất hủ của Trịnh. Nơi đây vẫn gìn giữ căn gác nhỏ Nguyễn Trường Tộ gợi nhớ “một đêm bước chân về gác nhỏ” và nay là Gác Trịnh. Huế là nơi sớm nhất đặt tên Trịnh Công Sơn cho một cung đường lộng gió ở hạ lưu dòng Hương. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang dành một thửa đất ven sông Hương, ngay tại khúc quanh từ ngã ba Tuần đổ về Kim Long để xây dựng không gian âm nhạc Trịnh.
Hàng chục năm rồi Sơn rời xa cõi tạm, nhưng âm nhạc và cuộc đời nhạc sĩ vẫn hiện hữu. Những người bạn của Trịnh nay còn sống ở Huế, và một trong số đó là dịch giả Bửu Ý vẫn còn lưu lại một số bức tranh do nhạc sĩ họ Trịnh vẽ. Những nữ sinh Đồng Khánh cùng nhau tổ chức nhiều chương trình hát nhạc Trịnh ngay tại Gác Trịnh, ngay trên đường Trịnh Công Sơn trong khuôn khổ Festival Huế. Rồi bất chợt bắt gặp ai đó có dáng vẻ “hao gầy”, vầng trán cao, đôi kính cận, giọng nói, cách cầm đàn và hành xử quen quen kiểu Trịnh ở Huế.
Chưa có một phác thảo cụ thể khi mà cuộc thi về sáng tác mẫu tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn vẫn chưa kết thúc. Ban vận động cũng thấu hiểu những khó khăn khi khẳng định rằng “đầu bài” của Ban vận động đưa ra chỉ là gợi ý và định hướng, sản phẩm cuối cùng vẫn là ý tưởng, tư tưởng, tâm đắc của các tác giả trong quá trình sáng tác - thể hiện. Tôi nghĩ, đã và đang có một văn hóa Trịnh hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày ở Huế. Nó là điều mà ta có thể cảm nhận được, gần gũi và bàng bạc quanh ta.
Cũng là áp lực khi trong tháng 10 vừa qua, tỉnh Bình Định khánh thành tượng nghệ thuật “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm Biển nhớ bên bờ biển Quy Nhơn”. Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ đánh giá: “Bức tượng anh Trịnh Công Sơn rất đẹp, khuôn mặt giống và đôi mắt rất có hồn. Bức tượng được đặt đúng vị trí mà anh tôi rất thích”. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Vùng đất này cũng là nơi cho ông cảm hứng để sáng tác ca khúc, trong đó đặc biệt có Biển nhớ.
Đã có được điều gì đó tương đồng, chạm vào trái tim bao người khi đặt bên cạnh nhau như một sự so sánh Quy Nhơn với Biển nhớ và Huế với Nối vòng tay lớn. Trịnh Công Sơn là người Huế, sự nghiệp âm nhạc của ông xuất phát từ đây, những thế hệ hôm nay mong muốn có tượng về ông. Bài hát Nối vòng tay lớn thể hiện triết lý, tính cách và hoàn cảnh lịch sử mà ông đã sống qua và là khát vọng thương yêu đoàn kết dân tộc thích hợp với Huế và của cả dân tộc.
ĐAN DUY