Các phác thảo mẫu tượng về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trưng bày lấy ý kiến
Dự án ý nghĩa này được phát động từ năm 2020 bởi Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế. Có 11 mẫu tượng phác thảo của các nhà điêu khắc tên tuổi trên cả nước gửi về dự thi với hy vọng mẫu tượng của mình sẽ được dựng lên trên chính quê hương của cố nhạc sĩ.
Những mẫu tượng này được trưng bày trong không gian của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế (25 Lê Lợi, TP. Huế) thu hút rất đông người đến chiêm ngưỡng và bỏ phiếu góp ý trong nhiều ngày qua. Trong đó, có rất nhiều người thân, bạn bè và công chúng yêu nhạc, ngưỡng vọng nhạc sĩ.
Với rất nhiều chất liệu khác nhau, nhưng hình tượng chính đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tùy ý tưởng, có mẫu tượng người nhạc sĩ khi đứng hoặc khi ngồi một cách thong dong, với nét mặt hiền từ, triết lý, trên tay cầm cây đàn ghi ta. Cũng có mẫu phác thảo bán thân được cách điệu mềm mại, nhấn mạnh hình ảnh nhạc sĩ đang đắm đuối với một bản nhạc nào đó. Cạnh đó, có các mẫu khắc họa nhân vật chính là nhạc sĩ, quanh đó có rất nhiều người quây quần cùng nhau cất lời ca, tiếng hát một cách say sưa, đắm đuối…
“Mỗi mẫu phác thảo tác phẩm có một nét đẹp riêng, nhưng chung quy lại đã nêu bật được hồn cốt của người nhạc sĩ tài năng, dễ thương, có rất nhiều người hâm mộ…”, anh Nguyễn Huy (TP. Huế) chia sẻ khi sau khi tham quan các mẫu tượng phác thảo được trưng bày. Anh nói rằng, mẫu tượng nào cũng đẹp và rất khó để chọn một mẫu duy nhất, nhưng rồi anh cũng quyết định bình chọn một trong số mẫu theo quy định của ban tổ chức.
Vì sao phải là mẫu tượng “Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế lý giải rằng, qua khảo sát, tìm hiểu cuộc đời, tác phẩm của cố nhạc sĩ cũng như tranh thủ ý kiến của rất nhiều người thân hữu cùng thời, ai cũng tâm đắc với ca khúc Nối vòng tay lớn. “Ca khúc này được anh sáng tác trong phong trào đô thị đấu tranh yêu nước ở Huế, thể hiện được triết lý, tính cách và hoàn cảnh lịch sử mà anh đã sống qua. Bài hát này thích hợp với Huế nhất bởi khát vọng lớn lao của anh, cũng là của Huế đối với dân tộc”, ông Xuân giải thích thêm.
Cũng theo ông Xuân, bài hát còn thể hiện lời kêu gọi đoàn kết dân tộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập thống nhất đất nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc, giai điệu hùng tráng nhưng thân ái, thích hợp với nhiệt huyết tuổi trẻ trong mọi hoàn cảnh.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế cho biết, sau khi trưng bày lấy ý kiến đông đảo quần chúng, hội đồng nghệ thuật gồm các nhà chuyên môn điêu khắc, các thân hữu am hiểu cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đại diện cơ quan chức năng chuyên môn sẽ chọn 3 trong số 11 mẫu để tiếp tục vào vòng sau. Ở vòng sau, 3 mẫu này sau đó sẽ được các tác giả nâng lên với kích thước 1m để hội đồng góp ý trước khi tuyển chọn chính thức 1 mẫu duy nhất.
Với mẫu duy nhất được chọn chính thức, sẽ được làm bằng chất liệu đồng, cao dự kiến khoảng 2m (bao gồm bệ) để đặt tại công viên dọc theo bờ sông Hương, trên chính con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, TP. Huế. Ngoài ra, các phác thảo còn lại cũng sẽ được xếp hạng, và hội xin phép tác giả để lại cho bảo tàng của nhạc sĩ thành lập sau này.
Bài, ảnh: NHẬT MINH