ClockChủ Nhật, 15/09/2024 11:29

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

TTH - Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trong lòng di sản

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (người chính giữa, đang nói) thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tháng 3/2023. Ảnh: Ngọc Minh

Cơ hội

Được thành lập năm 1923, Bảo tàng CVCĐ Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế) là tên hiện hành của Musée Khải Định. Bảo tàng có khuôn viên độc lập tại số 3 Lê Trực, với tổng diện tích 14.200m2. Trong khuôn viên, Khu cổ vật Chàm có diện tích 100m2; không gian vua Hàm Nghi 120m2; phần trưng bày ngoài trời khoảng 2.000m2 tập trung ở mặt trước điện Long An và hệ thống kho bảo quản cổ vật, hiện vật với diện tích 600m2… Tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng là điện Long An - một trong những ngôi điện đẹp nhất được xây dựng dưới Triều Nguyễn. Tuy nhiên, với diện tích chỉ hơn 1.200m2, Bảo tàng hiện không đủ không gian và diện tích cần thiết để trưng bày.

Hiện Bảo tàng CVCĐ được giao quản lý hơn 11.000 hiện vật. Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho biết, không gian nhỏ nên ở đây chỉ có khoảng 500 hiện vật được giới thiệu đến công chúng, trong khi hệ thống hiện vật đang được lưu giữ rất lớn. “Ngôi điện không phải thiết kế dùng làm bảo tàng nên phần nào hạn chế trong việc trưng bày. Điều kiện về phòng cháy chữa cháy, ánh sáng, nhiệt độ theo quy chuẩn của bảo tàng cũng không đáp ứng được”, ông Trung nói.  Ngoài ra, khu cổ vật Chàm và Không gian vua Hàm Nghi nằm ở vị trí riêng biệt nên không liền mạch trong trưng bày.

Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2023, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng CVCĐ Huế. Sau khi dành thời gian thị sát tại Bảo tàng, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh về chủ trương xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng CVCĐ Huế theo hướng phù hợp với không gian di sản, việc trưng bày phải đạt được tính hấp dẫn, hiện đại. Đồng thời, đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích điện Long An.

Vẫn giữ bản sắc riêng

Tại Hội thảo Tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trong lòng di sản vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản. 

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, quan điểm định hướng về việc xây dựng Bảo tàng phải bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP; không gian trưng bày phải phản ánh được nét đặc sắc của đời sống cung đình Triều Nguyễn thông qua các sưu tầm hiện vật. Đảm bảo tính hấp dẫn, ưu tiên sử dụng tối đa các hiện vật gốc; tạo không gian khám phá, sáng tạo cho công chúng; sử dụng công nghệ, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Hình thức kiến trúc vừa giữ được bản sắc riêng của Bảo tàng CVCĐ Huế, vừa đảm bảo các quy định về bảo tồn di sản văn hóa. Thiết kế Bảo tàng CVCĐ Huế hướng đến sự kết nối giữa Bảo tàng và điện Long An, nhà Tế Tửu, khu cổ vật Chàm và khuôn viên Quốc Tử Giám cũng như không gian trưng bày, triển lãm và diễn giải ngoài trời…

TS. Reigh Young Bum, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc đưa ra ý tưởng thay vì xem các công trình kiến trúc lịch sử và bảo tàng như những thực thể riêng biệt, cần xây dựng Khu phức hợp Bảo tàng Lịch sử Huế kết nối Kinh thành Huế, Bảo tàng CVCĐ Huế và Trung tâm BTDTCĐ Huế. Khu phức hợp này sẽ là mắt xích văn hóa, mở rộng nội dung lịch sử của Kinh thành thành mạng lưới không gian văn hóa lịch sử, đồng thời làm cầu nối văn hóa, phát triển giáo dục lịch sử văn hóa cho cộng đồng và trường học địa phương.

“Thành phố Huế của các bạn tự thân đã là một di sản văn hóa lịch sử sống động. Vì vậy, việc xây dựng khu bảo tàng là một khoản đầu tư chiến lược cho tương lai”, TS. Reigh Young Bum đề xuất.

ThS. Nguyễn Tường, Viện phó Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh cho rằng, nếu xây dựng bảo tàng ở khu đất mới, chúng ta có thể thoải mái phát triển chiều cao. Tuy nhiên, với khu vực Kinh thành Huế chỉ có thể bố trí không gian theo chiều rộng, chiều sâu. Ngoài ra, thiết kế Bảo tàng CVCĐ Huế còn có rất nhiều yếu tố cần tính đến, như tính đặc thù của kiến trúc Triều Nguyễn, các giai đoạn lịch sử trước và sau khi hình thành Kinh thành Huế… Đáp ứng được các yếu tố, hy vọng Bảo tàng CVCĐ Huế trong tương lai sẽ là một kiệt tác nằm trong lòng di sản và tạo ra được dấu ấn đặc biệt cho Huế”, ông Tường bày tỏ.

Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nền tảng phát huy các giá trị văn hóa, di sản

Hơn 20 năm kể từ khi được Quốc hội khóa X thông qua, Luật Di sản văn hóa đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.

Nền tảng phát huy các giá trị văn hóa, di sản
Học sinh danh dự tham quan, trải nghiệm di sản

Chiều 28/9, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức tham quan, trải nghiệm tại Đại Nội cho các em học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” năm học 2023-2024.

Học sinh danh dự tham quan, trải nghiệm di sản
4 HIỆN VẬT ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN BẢO VẬT QUỐC GIA:
Di sản trong kho tàng văn hóa Việt

Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và Tượng rồng thời Thiệu Trị là 4 hiện vật được đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia (BVQG) năm 2024.

Di sản trong kho tàng văn hóa Việt

TIN MỚI

Return to top