ClockThứ Sáu, 11/03/2011 02:47

Tháng hai trồng đậu...

TTH - Bỗng nhiên dích dắc nhớ chuyện cánh đồng màu bên bưng biền ven sông xưa vào độ Giêng Hai ta. Ca dao xưa đó: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà...”. Sau mấy ngày Tết, đồng cỏ bưng biền đang ngủ yên bỗng sôi động hẳn lên vì nhà nhà xuống vụ rau đậu, dưa cà... Đất dùng để trồng màu Giêng Hai thường là đất vừa dùng gieo mạ, nằm chờ tay người, qua Giêng Hai sau đợt mưa phùn rét mướt, thì cuốc lên đập đất nhỏ ra, đánh vồng trỉa hạt trồng màu.

Bấy giờ bầu trời sáng còn mờ sương. Sương giăng kín mấy lũy tre làng, giăng kín cả lối đi. Mấy bác lão nông tri điền vác bừa đánh trâu ra đồng sớm như thể đi trong ma trận sương mù, mà chủ yếu là bám đuôi trâu mà đi, đường làng rộng mà nện bằng đất nên không sợ vấp chân đau, chỉ thỉnh thoảng có cái gai tre nó chích thì dừng lại gỡ chút xíu xong rồi đi tiếp. Con trâu khịt mũi ngửi đường đi trước, lão nông ngậm tẩu thuốc theo sau, phả khói thuốc vào sương, cũng mù mù trắng xóa như nhau. Lại thêm lão nông nào cũng đánh theo con cúi. Con cúi đánh bằng rơm để giữ lữa, cũng bốc khói trong sương, cũng hòa khói vào trong không gian yên ắng lúc bấy giờ thỉnh thoảng vẳng tiếng gà gáy tan sương.


Đoàn người và trâu đi, kẻ trước người sau, trâu đi theo đàn. Ai không có trâu thì vác cuốc, vác thêm cái vồ đập đất. Một đầu cán cuốc lại khoác thêm cái ấm nước chè nút lá chuối kẻo nước trào ra ngoài. Ra đến đồng bưng biền ven sông thì trời tan sương, đã rõ mặt người. Việc làm đồng bắt đầu. Ngày đó chưa có nhiều máy cày, trên đồng chủ yếu trâu cày bừa lẫn với người cuốc đất, tơi cỏ. Đầu tiên là đập đất cho tơi. Đất thường được cuốc trước đó để khô cho dễ làm, gặp nắng thì gọi là đất rang. Muốn làm cho đất vỡ nhỏ, một là nhờ trâu bừa, hai là dùng cái vồ đập đất. Cái vồ thật đặc biệt, làm bằng một khúc gỗ lớn bằng bắp chân, thường là gỗ mít trong vườn, hình trụ. Muốn đập cục đất to thì dựng cái vồ lên mà nện thật mạnh, đất tơi nhỏ ra thì dùng cái thân vồ nằm ngang mà đập. Đồng ruộng màu mênh mông, vậy mà cái vồ nhỏ xíu từ tay người giơ lên nện xuống trong sương, chẳng mấy chốc mà đất tơi như có ai xay.
Tiếp đó đất được đánh thành vồng. Hàng hàng đất nằm cạnh nhau như những đứa con đất đai sinh đôi, sinh ba, sinh chục, sinh trăm, sinh ngàn. Những luống đất nằm nối nhau, song song nhau được trồng đủ thứ rau màu: sắn với các loại sắn mì, sắn ba trăng, sắn trắng trồng chen với bắp trỉa hai bên vồng; khoai có các loại khoai lang, khoai hoàng long, khoai tía, khoai từ; đậu có các loại đậu xanh, đậu đen, đậu huyết; cà có cà dĩa, cà pháo; ớt có các loại ớt ta, ớt hiểm, ớt chỉ thiên... Trồng, trỉa xong thì đã chiều xế bóng, bữa lợ cho dạ dày đang trống rỗng vì lao động nặng được dọn ngay trên bờ ruộng. Thường là chè hoặc xôi đậu. Đơn giản mà vui. Tiếng nói cười rộn ràng trên đồng vọng từ đầu triền sông đến cuối triền sông, trải dài đến mấy cây số. Thi thoảng vào những năm tám mươi thế kỷ trước, còn nghe được cả giọng hò anh nông dân trai làng: “Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa, em ơi cho anh chịu, tới mùa anh đong khoai”... Chiều tối thì việc đồng áng đã xong, những cây trồng như cà ớt được tưới tắm. Rồi vài tuần sau, đồng bưng biền bật dậy mầm xanh, trải dài một không gian đầy hi vọng mùa màng.
Giêng Hai nay qua đồng bưng biền, rau màu đã lên xanh mà nhớ ngày xưa. Bây giờ đàn trâu đã vắng dần, cái vồ cũng đã mất không còn thấy nữa, máy móc làm thay con người đã từ hai chục năm nay. Nhưng sao cứ nhớ Giêng Hai thưở đó. Nhất là dáng cha thổi con cúi đã tàn lúc cuối chiều thắp điếu thuốc vấn, bấy giờ đã cháy ngắn còn độ gang tay. Khói con cúi bay trong chiều vàng, bay từ xưa đến mấy chục năm sau, còn nhớ ơi là nhớ...
Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”

Sáng 17/11, Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức chương trình “Người Huế kể chuyện Huế”, giao lưu với nhà văn, nhà báo Phi Tân và nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Vũ Trường Giang nhân dịp ra mắt sách “Người Huế kể chuyện Huế” và “Học trò bên kia phá Tam Giang”.

Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”
Return to top