Cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình là mục đích lớn lao mà Lễ tế Xã Tắc hướng tới. Xưa, các triều đại độc lập ở nước ta từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn hàng năm đều cử hành Lễ tế Xã Tắc và luôn xem đây là quốc lễ. Thế nhưng, chỉ duy nhất tại Huế hiện còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành. Vây nên, Lễ tế Xã Tắc không còn là chuyện riêng của Cố đô mà đã trở thành niềm mong đợi của cả nước.
Đàn Xã Tắc được xây dựng năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống. Do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công trình, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc.
Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), đàn Xã Tắc là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự). Theo quy định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua "ngự giá" làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn nói chung đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.
Từ một lễ hội cung đình nằm trong Festival Huế, Lễ tế Xã Tắc đã trở thành một lễ hội độc lập vào dịp đầu năm. Vượt qua những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, Lễ tế đàn Xã Tắc được tái hiện và phục dựng với ngày càng đầy đủ hơn những nghi thức truyền thống xưa, được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đã thể hiện rõ sự trang nghiêm và lòng thành kính của thế hệ hôm nay. Điều đáng nói hơn là cũng như nhiều lễ hội Cung đình khác, Lễ tế Xã Tắc nay có sự tham dự của người dân Huế và du khách. Con số những người tham gia càng đông cho thấy Lễ tế Xã Tắc mang tính tâm linh đã có sức hút đặc biệt về mặt du lịch, dịch vụ.
Đan Duy