ClockChủ Nhật, 29/01/2017 13:57

Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Dân tộc ta vốn nền văn hiến đã lâu, yêu cái chữ, trọng nhân nghĩa, học hành. Trong nhà nhiều khi không có của cải đáng kể, song ở phòng khách hay nơi làm việc lại luôn thấy những bức tranh chữ, câu đối, thơ phú với vô vàn lời hay - ý đẹp.

Đặc biệt vào xuân và các ngày lễ Tết cổ truyền, mọi người thường thích sáng tác, trưng bày các sản phẩm chữ nghĩa như một thú chơi đón xuân tao nhã và thể hiện những quan niệm bác ái, ước mơ hòa bình- thịnh vượng.

Từ 23 tháng Chạp đến hết ba tháng xuân, dường như nhà nào cũng đi hội chợ, tham gia các hoạt động viết, xin và cho chữ (thư pháp). Sở dĩ như vậy là để mỗi người có thể tiếp thu được nhiều kiến thức, dạy bảo con cháu truyền thống hiếu học, giao lưu bạn hữu và qua từng con chữ tốt lành có thêm sự may mắn, thuận lợi. Dọc đường thường thấy nhiều gian hàng tranh chữ mà tác giả là những nhà nho, sinh viên Hán Nôm, học giả và cả du khách. Phàm những ai viết được chữ đẹp thì đều có thể cầm bút tặng chữ, và những ai không biết viết song quý trọng văn hóa thì cũng xúm xít đến xem, mua một số tác phẩm về treo mừng xuân. Dân gian gọi những nhà thư pháp bằng cái tên rất trân trọng- các thầy đồ hay cụ đồ dựa theo những nho sĩ ngày xưa có sự ăn học, hiểu biết và thường làm thầy giáo để dạy bảo kiến thức cho học trò.

Kế thừa hình mẫu này, dù không còn các thầy đồ nữa song tới nay thư pháp gia vẫn mặc trang phục thầy đồ, với các cụ già là một bộ áo đỏ- khăn đỏ và các bạn trẻ là áo đen, khăn đen ngồi khom lưng trên phản viết chữ, ai muốn chữ gì sẽ viết cho chữ ấy. Nói chung, người dân thường thích xin các chữ như Phúc- Lộc- Thọ- Hỷ- Tài… mang đến niềm vui, hạnh phúc, sự giàu có, sung sướng và tài đảm trong mỗi gia đình. Song cũng có người vì ý muốn riêng, xin thêm các chữ khác như học sinh thường xin các chữ Trí, Tuệ, Huệ, Mẫn, Vinh, Hiển, Công, Trạng cầu cho có sự thông minh, giỏi giang, đỗ đạt; người đã đi làm thì xin Phú, Quý, Thịnh, Vượng, đôi khi là Dũng, Lực, Kiên, Nhẫn hằng mong làm được nhiều tiền, vượt qua khó khăn vươn lên. Người già lại thích Trường, Cửu, Khang, Ninh cùng Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa vì muốn sống lâu, vui vẻ - không bệnh, có con cháu thảo hiền và một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Ngoài chữ đơn, còn có các chữ đa như Phước Thịnh, Tấn Tới, Hùng Cường, Tráng Kiệt, Mã đáo thành công, Vạn sự như ý…

Do nước ta đã từng dùng Hán Nôm và sau này là quốc ngữ nên hiện nay tồn tại đến hai hệ thống thư pháp là chữ Hán Nôm và chữ Việt. Tùy khả năng ngôn ngữ cũng như sở thích mà mỗi nhà thư pháp sẽ cho ra một tác phẩm bằng chữ khác nhau song cùng một nghĩa chung. Chẳng hạn như cùng nói về chữ Tâm, Đức, Công, Thành, Phát, Đạt… mỗi tác phẩm đều hấp dẫn bởi những nét ngang, nét dọc, chấm phá, uốn lượn uyển chuyển biểu thị những rung cảm, khí thái và những tư tưởng phi phàm. Riêng trong chữ Việt, có đến năm kiểu chữ thú vị gồm chữ chân phương, biến tự, cuồng thảo, mô phỏng và mộc bản. Chúng được viết bằng mực đen trên giấy đỏ hoặc son vàng trên nền hồng, cũng có khi được tạc trên gỗ, đá, đồng hoặc thêu đính trên lụa.

Không chỉ tranh chữ, ngày Tết dân gian cũng chuộng câu đối (đối liên) và thường treo dán câu đối ở cổng, phòng khách, gian thờ tổ tiên. So với tranh chữ chỉ có một vài từ, đây là thể thơ đã mang ngữ nghĩa hoàn chỉnh và gồm hai vế, với sự đối lập chặt chẽ về chữ nghĩa, thanh âm. Có khá nhiều loại câu đối, từ câu đối Tết - xuân liên – được đặt ở cửa khắc họa khung cảnh sinh hoạt vui tươi ngày xuân, đến các chủ đề như câu đối chúc mừng- hạ liên nhằm mừng thọ- sinh nhật, khánh thành hay tiến chức;  câu đối chia buồn- vãn liên để phúng viếng, truy điệu người quá cố; câu đối thờ tự - trung đường liên- treo ở nhà thờ, đình, chùa, lăng tẩm; các câu đối tự thuật, tức cảnh, chiết tự, tập cú… Do mỗi loại đều chỉnh chu âm luật, thuộc dòng văn chương bác học, người ra vế cũng như kẻ đối lại đều phải suy nghĩ cặn kẽ, nan giải nên bên cạnh câu đối tự tác, mọi nhà cũng sưu tập các câu đối hay, sẵn có trong dân gian, ngày Tết mang ra coi. Nhiều câu đối thường được làm bằng chữ Hán Nôm do đây là ngôn ngữ lâu đời và là chữ Thánh Hiền.

Tuy nhiên, vì số người biết cổ ngữ ngày càng ít nên đến giờ nhiều cái đã được dịch sang tiếng Việt cho dễ hiểu. Cả câu đối Hán Nôm lẫn Việt ngữ đều là những tác phẩm trí tuệ quý giá, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn và góp phần không nhỏ giới thiệu phong tục- tập quán, lễ nghi sinh hoạt ở từng địa phương trong đó có nghề nghiệp, gia phong, việc học tập và thờ tự vì thế luôn được gìn giữ và treo trang trọng lâu bền.

Về câu đối xuân, đại thể có các câu như: Năm mới, hạnh phúc bình an đến/ Ngày xuân, vinh hoa phú quý về. Hoặc: Cầu được ước thấy, xuân như ý/ Phúc ngập lộc tràn, Tết phồn vinh; Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến/ Nhà có người vào, lắm vật vào. Thể hiện niềm vui chung của cả cộng đồng về một mùa xuân thái bình- an lạc. Ở những nhà nghèo, thường có thêm những câu dí dỏm: Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà; Tết đến gượng cười, mong con cháu chăm ngoan, nhà có dư gạo thóc/ Xuân sang gắng vui, cầu vợ hiền mạnh khỏe, vườn đủ quả đủ rau; Nợ nần theo gió lạnh bay đi, vợ lại tươi cười như hoa nở thắm/ Của cải cùng khí ấm tràn vào, lòng chồng vui tựa trống hội vang. Ở nhà giàu sang thì có câu: Phong cảnh thanh cao, xuân mãi mãi/ Thần tiên vui thú cảnh đời đời; Phúc vượng, tài vượng, vận khí vượng/ Gia hùng, nhân hùng, sự nghiệp hùng; Nhiều lộc, nhiều tài, nhiều của cải/ Gặp thời, gặp lợi, gặp lòng người. Vui xuân trong từ đường cũng có các câu ca ngợi tổ tông như: Công cao mở đất lưu hậu thế/ Đức cả rèn con rạng tổ tông; Nghiệp tổ vững bền nhân, trí, dũng/ Gia phong muôn thuở đức, thảo, hiền; Tổ tiên tích đức ngàn năm thịnh/ Con cháu nhờ ơn vạn đại vinh.

Ngoài ra, nhiều người còn sáng tác thơ vịnh mai, đào, tứ quý, mưa xuân, lễ hội cùng những câu chúc Tết và chuyện tiếu lâm, mang lại một không khí vô cùng rộn ràng, tươi vui.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
Thông tin doanh nghiệp:
Đồng hành cùng bé vào lớp 1 với bảng chữ cái Tiếng Việt tại The POET magazine

Khi trẻ chuẩn bị bước vào hành trình học tập đầy thử thách của lớp 1, việc sớm làm quen với bảng chữ cái Tiếng Việt sẽ giúp con có nền tảng tốt hơn. Nhằm hỗ trợ cha mẹ, thầy cô trong việc hướng dẫn con, The POET magazine đã ra mắt chuyên mục Học thuật đặc biệt về bảng chữ cái và những kiến thức cơ bản.

Đồng hành cùng bé vào lớp 1 với bảng chữ cái Tiếng Việt tại The POET magazine
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Đây là lời khẳng định của Giáo sư Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA) thuộc Viện quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata Argentina (UNLP).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
Return to top