ClockThứ Hai, 21/06/2010 11:41

Chuyện bây giờ mới kể

TTH - LTS: Việc tác nghiệp của phóng viên cũng lắm chuyện để bàn, để kể. Trong những ngày Festival quốc tế Huế 2010 vừa diễn ra , nhà báo Võ Nhân đã ghi lại câu chuyện nhỏ của bản thân, của đồng nghiệp. Xin giới thiệu cùng độc giả nhân Kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày…..
 
Tối tổng duyệt lễ khai mạc, trời đẹp. Rút kinh nghiệm những kỳ Festival trước, mình đến sớm hơn 1 tiếng. Trong bụng nghĩ, kiểu gì cũng kiếm được chổ tốt “quất” vài cái ảnh cho nó hoành tráng.
 
Mới bước chân ra đường, người đông như hội (mà hội thật chứ còn như cái gì). Cửa Thượng Tứ, công viên Trần Quốc Toản, đường 23 tháng 8 người chật như nêm. Cứ tưởng chỉ có đám thanh niên, ai ngờ các chị, các mẹ, các cụ cũng “xuống đường”. Người bế theo con, người dắt theo cháu và cũng có người cháu dắt đi theo. Vừa đi vừa bàn tán xôn xao: Tranh thủ trời đẹp đi coi tổng duyệt. Mai khai mạc người càng đông, sức mô mà chen.
 
Chưa đến giờ tổng duyệt, khán đài chật kín khán giả. Tưởng mình đến sớm, ai dè đồng nghiệp đã dàn quân chật cứng trước quảng trường. Lủi trong đám camera gắn chân cồng kềnh, máy ảnh với ống kính to vật vã, sau một hồi lấn một tí, năn nỉ một tẹo, cười lấy lòng một chút với những người đến sớm hơn, cuối cùng cũng tìm được một chỗ tương đối.
 
Có chổ tốt, tưởng kiểu gì cũng có cái ảnh đẹp. Rứa mà cũng thua mấy anh truyền hình, đặc biệt truyền hình trực tiếp. Vừa đưa máy lên là thấy… mấy cái lưng đen đen chắn ngang. Nhưng “thua” rứa cũng chưa tức mấy. Mấy đồng nghiệp máy nhỏ, ống kính ngắn hay chọn kiểu “đánh du kích”. Lúc đầu còn lịch sự, đứng hai bên, thỉnh thoảng chạy ra bấm một vài cái. Lúc sau thấy không ai nói gì, chạy ra bấm, bấm xong còn dừng chình ình ngay mặt tiền để xem lại tác phẩm mình vừa chụp đã được chưa, mặc kệ mấy đồng nghiệp khác đứng sau la hét ỏm tỏi.
 

Lúc đầu còn lịch sự lắm....
 
Lặp tới lặp lui hoài, nghệ sỹ nhiếp ảnh Tôn Nữ Hà quay qua hỏi quanh, có ưa tui ra …dẹp không? Rứa thì quá quý. Cô ra dẹp loạn cho anh em nhờ chút cô ơi. Chả biết cô Hà nói gì, mấy anh phóng viên nghe răm rắp. Chắc tại thấy lớn tuổi, lại là phụ nữ nên nể. Nhưng đâu chừng mười phút, mọi việc lại “nguyễn y vân”.
 
Ngày….
 
Cũng rút kinh nghiệm từ buổi tổng duyệt, mình đã cố đến sớm 1h30 phút nhưng cuối cùng vẫn chịu “về nhì”. Chắc ai cũng rút kinh nghiệm cả nên cứ đến càng sớm càng tốt. Không có chổ - dù là đứng – mình và những người đến sau lo ngay ngáy. Ai cũng cố chen, cố lấn nhưng cuối cùng cũng bó tay. Dáo dáo nhìn ngó quanh quất một hồi túm được được một ông bạn có chỗ khá tốt. Năn nỉ nó cho ngồi dưới chân máy. May quá, nó đồng ý.

Lễ khai mạc khá hoành tráng. Nhưng trời đổ mưa. Cả đám phóng viên xôn xao. Khán giả xôn xao. Khách mời cũng xôn xao. Nhìn lên sân khấu, thấy diễn viên, nghệ sĩ vẫn bùng cháy trong mưa; nhìn quanh quảng trường thấy lãnh đạo tỉnh vẫn ngồi xem, lực lượng an ninh cũng đội mưa đứng co ro với đám phóng viên, có anh còn nhường hẳn miếng bìa đang che đầu cho một đồng nghiệp che máy ảnh mới thấy thương, mới thấy cái sự chen lấn, đội mưa của mình cũng chưa là gì.

Những kỳ Festival trước, chuyện phóng viên các báo đôi co với lực lượng an ninh xảy ra như cơm bữa. Ai cũng có cái lý của mình. Cánh phóng viên nhiều khi xé rào để có được những góc hình ưng ý, những thông tin độc…. còn lực lượng an ninh lại phải làm theo đúng phận sự được phân công. Vậy là cãi nhau, to tiếng với nhau.
 
Nhưng lần này lại khác. Ai không biết chứ với bản thân tôi, kỳ Festival năm nay, lực lượng an ninh khá dễ chịu. Không còn chuyện quát nạt, to tiếng hay xô đẩy (đuổi). Ngựơc lại, khá lịch sự, chỉ nhắc: “Anh thông cảm… Hãy vì thành công chung của Festival”. “Nói phải củ cải cũng nghe”. Huống gì lại nhẹ nhàng, lịch sự.
 
Ngày…..
 
Tối nay tổng duyệt thao diễn thuỷ binh. Vừa đến nơi, gặp ngay người quen trong. Hỏi chú ơi cháu đứng chụp ở đâu được. Mày cứ vào mà chụp, vô tư. Nghe từ vô tư thấy sướng, cầm máy nghênh ngang bấm bấm, ngắm ngắm khắp nơi. Chụp đâu chừng 15 phút không thấy ai nói gì, bụng thầm nghĩ: quái lạ, răng bửa ni BTC dễ ri hè. Chưa kịp mừng đã thấy ba đồng chí đeo thẻ BTC, tay cầm bộ đàm tiến tới: mời anh ra cho. Vừa đi vừa tiếc mấy góc ảnh ưng ý. Lại liều. Đợi mấy đồng chí đi khỏi, mình lò dò leo lên tháp canh. Chụp xong, chưa kịp xuống thì bị phát hiện. Lần này có đồng chí khá to tiếng, quát nạt nghe phát sợ. Tức, định quạt lại nhưng nghĩ, kiểu gì mình cũng…sai, nên thôi.
 
Kết thúc tổng duyệt, tự nhiên thấy đồng chí vừa quát mình đi tới, giọng trầm hẳn: “Khi hồi anh thông cảm. Chổ anh đứng là nơi dành cho diễn viên. Các sếp đang duyệt chương trình (có đồng chí Phan Công Tuyên, Ngô Hoà ). Anh đứng đó là em bị la…”.  Mình vừa nghe vừa ầm ờ cho qua chuyện nhưng trong bụng thật ra cũng thấy… ngượng ngượng.
 
Ngày….
 
Tối nay đi làm lễ tế Nam Giao. Trước đó, phải chạy bở hơi tai thuê cho được bộ áo dài khăn đóng. Kể ra thanh niên mặc áo dài cũng thấy hơi kỳ kỳ. Mấy bà, mấy chị và cả mấy em thấy mình loay hoay gài nút áo cứ chỉ trỏ, cười cười. Lên đến đàn, thấy anh em phóng viên cùng BTC cũng áo dài khăn đóng mới thấy không lạc lõng.
 
Trước đây, tưởng dân mình chỉ thích đi xem những chương trình nghệ thuật, thể thao, những tiết mục vui nhộn, còn nghiêm trang như lễ tế Nam Giao chắc không mấy ai quan tâm, nhất là trẻ con. Nhưng mình lầm. Người xem chật cứng hai bên hàng thông phía gần Trai cung. Các cụ không nói làm gì, trẻ con, thanh, thiếu niên đến xem đông không kém những lễ hội khác.
 
Ngày…

Tối tổng duyệt lễ bế mạc đông không kém khai mạc, dù bắt đầu từ lúc 11h đêm. Tưởng đêm hôm chỉ có mình với mấy chàng độc thân, ai dè nam, nữ, già, trẻ có cả. Nhưng phục nhất là chị Hoàng Thị Thọ, một nhà báo có thâm niên ở Huế. Tuổi cao, thân hình ốm yếu lại đêm hôm khuya khoắt, tưởng chị có “máu nghề” tới xem một tí rồi thôi. Ai dè mình ngồi chừng nào chị cũng ngồi chừng ấy. Đến tầm 1h sáng, mình ngáp ngắn ngáp dài, mặt chị tỉnh bơ. Phục lăn.

Đêm bế mạc người đông nghìn nghịt. Cánh phóng viên được bố trí lên thượng tầng khán đài. Vừa đến nơi lại thấy chị Thọ, mặt không đổi sắc dù đêm qua chắc phải 2h sáng mới về đến nhà. Hỏi, chị khoe: chắc nhờ tập Yoga. Lại nhìn qua, thấy nghệ sỹ nhiếp ảnh Tôn Nữ Hà “súng ống” lỉnh kỉnh. Hỏi cô chụp chi được nhiều chưa, lần ni có ai lấn sân, nhờ cô một tiếng. Nghệ sỹ Hà cười cười, nói vô tư vô tư. Mình nghĩ trong bụng, lần sau đi làm, thấy cô Hà chắc phải “lựa thế” mà đứng.
 
Tại lễ bế mạc, chổ tác nghiệp cho phóng viên quá xa. Chỉ tội cho mấy đồng nghiệp máy ảnh nhỏ, ống ngắn, không có chân máy. Dù “zoom” hết cở cũng không ăn thua, chưa kể trên cao gió thổi, máy ảnh rung bần bật, ảnh nhoè nhoẹt phát sợ...

Võ Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top