ClockChủ Nhật, 11/02/2024 07:31

Con rồng trên Cửu đỉnh Huế

TTH - Rồng có tên chữ là long, một linh vật được huyền thoại mang đầy tính siêu nhiên, đứng đầu trong bốn con vật thiêng: “long, lân, quy, phụng”, xuất hiện hàng ngàn năm trước Công nguyên, dần được nâng lên thành con vật biểu tượng trong văn hóa phương Đông. Rồng được xem là chúa tể cai quản vùng sông nước, thường được gọi là Long Vương. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chữ rồng trong tiếng Việt và chữ long trong từ Hán đều bắt nguồn từ krong, krông, klong trong tiếng Đông Nam Á cổ, có nghĩa là sông nước. Rồng được xem là con vật kết hợp giữa cá sấu và rắn, sinh ra và ẩn mình dưới nước rồi bay vút lên trời cao mà không cần có cánh, vừa bay miệng vừa phun nước, phun lửa. Một số nhà khảo cổ học khẳng định rằng, rồng là con vật đặc thù chung cho cả các dân tộc Việt. Cụ thể hơn, đối với người Việt Nam, truyền thuyết đầy sức sống nhân văn về Con Rồng - Cháu Tiên đã có từ thuở họ Hồng Bàng lập quốc cách nay mấy ngàn năm trước.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh”Dập bản Cửu đỉnhCửu đỉnh Huế & hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giới

 Cửu Đỉnh tại Thế Tổ Miếu. Ảnh: Ngọc Lục Bảo

Theo tư duy của người Việt cổ thì Rồng – Tiên là một cặp đôi âm dương mà hóa thành, để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt. Trong đó, Tiên biểu trưng cho giống chim, trú ở núi non để rồi mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng. Còn Rồng là con vật từ cá sấu và rắn biến thành, trú ở sông biển, xuất phát từ tính cách trọng tình nghĩa, hiếu hòa với cư dân nông nghiệp là hiện thân vua cha Lạc Long Quân. Rồng biểu trưng cho cội nguồn nòi giống, nó đã ăn sâu vào các hình thức văn hóa vật thể đến đời sống tinh thần của người Việt. Con rồng nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực, gắn với hình ảnh tối thượng của ông vua.

Trong tiến trình lịch sử, con rồng của mỗi thời cũng đã thay đổi ít nhiều về đường nét, hình dáng. Ví như dưới thời vua Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, Rồng biểu hiện vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ Thọ bay lên, hay lưỡng long chầu nguyệt, chầu hoa cúc, chầu chữ phúc, chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằng mà có độ cong uốn lượn mềm mại. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ra phía sau. Mắt lộ to, mũi sư tử, miệng há răng nanh. Vây (vảy) trên lưng có tia, dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chia ra hai bên cân xứng. Hình tượng rồng dùng cho vua thì có 5 móng, còn lại là 4 móng. Rồng biểu trưng cho sức mạnh của triều đại nên được trang trí một cách phổ biến trên mọi công trình kiến trúc ở Kinh thành và lăng tẩm các vị vua.

 Hình tượng rồng chạm khắc trên Cao Đỉnh. Ảnh: Dương Hoàng

Có thể nói, rồng là một biểu tượng của sự linh thiêng, cương trực, mạnh mẽ, thể hiện ý chí, sự vươn lên của một dân tộc. Theo truyền thuyết, cá chép hóa rồng là bởi do kiên trì tu luyện, vượt qua vũ môn mà thành. Vào thời nhà Đinh nước ta, bất kể con vật gì, nếu “chịu tu luyện” thành chính quả cũng có thể hóa thành rồng được.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã chọn cuộc đất Thăng Long để định đô nước Đại Việt. Cho thấy vua Lý đã nhận ra “dấu vết” rồng tàng cư ở đây, mang khát vọng vươn lên, bay cao của dân tộc. Cùng với những quan niệm ấy, mà nước Nam ta có rất nhiều vùng đất được lấy chữ long để đặt tên, như: Hoàng Long, Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Hàm Rồng, Hàm Long, Hưng Long, Cửu Long, Vĩnh Long, Kim Long… Con người cũng có mạng Rồng, sinh năm rồng (năm Thìn), tức con vật được xếp hàng thứ năm trong Thập nhị Địa chi. Với người Việt, rồng gắn liền với ước mong phồn thực, với biểu tượng cầu mong thời tiết thuận hòa, cho nên hình ảnh Rồng thường đi kèm với mây trời, sóng nước.

Cao Đỉnh là đỉnh lớn nhất trong chín đỉnh đồng đặt trước sân Thế Tổ Miếu. Ảnh: Dương Hoàng 

Rồng tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh của dân tộc, trở thành hình tượng biểu hiện uy quyền của nhà nước quân chủ, chỉ dùng nơi trang trọng nhất của cung điện, hay công trình lớn của Nhà nước. Ở vào thời phong kiến, hình rồng được chạm khắc trên trang phục, nhà cửa hay đồ dùng hoàng gia. Nhưng sức sống của loài rồng mạnh mẽ, dẻo dai nên đã vượt ra khỏi chốn cung đình, bay đến với làng quê ẩn trên vách đố, cột kèo đình làng, bình phong, chùa miếu, nằm ở các bình gốm, hay cuộn tròn trong lòng bát đĩa, có khi quay về làm đôi con vật gác cổng đền chùa. Hình ảnh rồng mang lại sự may mắn, tạo nên sức mạnh trấn trị vô song và khả năng biến hóa thích ứng trong thiên nhiên. Chính những quan niệm ấy, trong khi chọn đất xây dựng Kinh thành Huế, người xưa đã dựa vào vị trí đối xứng tuyệt vời mang yếu tố phong thủy tự nhiên về “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” là hai cái cồn nổi đối xứng trên sông Hương, tức cồn Hến và cồn Dã Viên trấn yểm trước mặt Kinh thành Huế.

Năm 1836, dưới triều Minh Mạng thứ 17, khi vừa đúc xong Cửu Đỉnh, nhà vua đã cho chạm khắc hình tượng con rồng vào Cao Đỉnh được đặt chính giữa sân Thế Tổ Miếu trong Kinh thành Huế. Có thể khẳng định đây là “Một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ đầu tiên của nước ta” đạt trình độ rất cao về mỹ thuật, kỹ thuật và tư tưởng khát vọng một đất nước thống nhất muôn đời. Chính vì thế, vào năm 2013, bộ Cửu Đỉnh đã được Nhà nước Việt Nam cộng nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Ngày nay, hình tượng rồng tuy không còn mang tính chất thiêng liêng, tối thượng như xưa, nhưng nó vẫn được lựa chọn để đưa vào làm trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm khắc nghệ thuật… phục vụ đời sống văn hóa tâm linh con người. Năm 2024 là năm Giáp Thìn, năm khởi đầu thiên can của một Hội mới mang mệnh rồng, giàu “tính cách Rồng”, một năm cơ trời có nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi kế hoạch sẽ hanh thông, từ quan đến dân cố kết một lòng thì dù có việc “quốc gia đại sự ngàn trùng” cũng ắt thành công.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ II: Tăng trùng tu và tăng sự kết nối

Cùng với việc trùng tu, thời gian qua UBND TP. Huế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kết nối đưa các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lữ hành khảo sát các nhà vườn nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch nhà vườn Huế đặc trưng, hình thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ II Tăng trùng tu và tăng sự kết nối

TIN MỚI

Return to top