ClockThứ Bảy, 30/01/2021 17:30

Con số ba cho Thừa Thiên Huế

TTH - Ngay trong ngày đầu năm mới 2021, đã có thêm 7 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Quốc gia đặc biệt, trong đó có hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế. Vậy là qua 11 đợt xếp hạng, đây là di tích thứ 3 của Thừa Thiên Huế được xếp hạng Quốc gia đặc biệt. Trước đó là Quần thể Di tích Cố đô Huế trong đợt đầu tiên vào năm 2009 và hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (qua Thừa Thiên Huế). Cả nước có 119 di tích Quốc gia đặc biệt và Hà Nội là địa phương hiện có 18 di tích Quốc gia đặc biệt, nhiều nhất nước.

Tìm hiểu, khám phá tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí MinhXây dựng tuyến đường hoa từ chợ Dương Nỗ đến nhà lưu niệm Bác Hồ

Sau Khu lưu niệm tại Kim Liên (Nghệ An) và ở Phủ Chủ tịch (Hà Nội), hệ thống di tích lưu niệm tại Thừa Thiên Huế là di tích Quốc gia đặc biệt thứ 3 liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thừa Thiên Huế vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình của Người sống, lao động học tập và tham gia hoạt động yêu nước khoảng 10 năm khi Người ở lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi, và từ 16 đến 19 tuổi. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, để từ đó Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, như nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh...”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan. Ảnh: MC

Hãy dừng bước ở Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, TP. Huế), một trong 4 di tích được lập hồ sơ công nhận trong số gần 20 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế. Nằm ngay trung tâm thành phố Huế, đây là ngôi nhà Bác Hồ đã sống khi gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895 - 1901. Chính trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã sống những năm tháng hạnh phúc cùng gia đình bên người cha mẫu mực nhưng nghiêm khắc, đêm ngày chuyên tâm chăm lo việc đèn sách, người mẹ hiền từ và tảo tần bên khung cửi và niềm vui khi đón em Nguyễn Sinh Xin chào đời. Cũng tại ngôi nhà này, in đậm trong tâm hồn Bác nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc khát sữa của em thơ, và sự yêu thương, đùm bọc của bà con nghèo xứ Huế.

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử. Ở Việt Nam, một di tích khi đủ các điều kiện sẽ được công nhận theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt. Di tích Quốc gia đặc biệt là những đại diện tiêu biểu cho lịch sử, văn hóa nước nhà, có thể là một công trình xây dựng; công trình hay quần thể kiến trúc, nghệ thuật hoặc tổng thể kiến trúc đô thị, địa điểm cư trú; địa điểm khảo cổ; cảnh quan thiên nhiên. Được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt là niềm tự hào của cả một vùng đất. Việc bảo vệ, phát huy giáo dục truyền thống di tích và những giá trị du lịch, do thế, không chỉ riêng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương mà còn là nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ, toàn dân Thừa Thiên Huế

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
Return to top