|
Sông Hương qua phố Huế. Ảnh: Hoàng Hải |
Vốn là kinh đô xưa, nên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây âu cũng là phần chắt lọc từ trong dân gian ở khắp miền, nên lẽ tất yếu thấm đẫm hồn dân tộc. Dấu ấn của văn hóa di sản đã để lại trong tác phẩm nghệ thuật ngay từ trong những xáo trộn của diễn trình lịch sử cho đến hôm nay. Ngược lại, tác phẩm nghệ thuật đã góp phần lưu giữ những giá trị hiếm có của di sản văn hóa dễ bị thời gian và định kiến phủ mờ.
Mỗi một văn nghệ sĩ đều muốn có một khuynh hướng sáng tác riêng, những đề tài khác biệt để tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm. Tuy nhiên, ai cũng nâng niu và trân trọng vốn di sản và văn hóa sẵn có từ quê hương mình. Giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương sẽ là sinh khí của nghệ thuật mỗi khi nó được nhào nặn qua các chất liệu trong sáng của từng thể loại. Tôi nhớ về ngày đầu tiên bức tượng “Cô gái Việt Nam” của họa sĩ Lê Thành Nhơn được đưa trở lại Huế (hiện giờ đặt đối diện với cổng trường Nữ sinh Đồng Khánh xưa), cùng với hai bức tượng khác của ông. Từ đây, đã xuất hiện một truyện ngắn trên báo, mang vẻ đẹp cùng vết xước của tình yêu, của thân phận chia lìa trong bộn bề bối cảnh chung. Vẻ thanh khiết trong tác phẩm Người cắm hoa nhà thờ của nhà văn Hà Khánh Linh cũng vậy, khiến độc giả liên tưởng đến nhân vật ấy như đang lặng lẽ chiều chiều rảo bước đến nhà thờ với dáng vẻ tinh khôi mà nếu không có góc nhìn của nhà văn sẽ mất hút trong bụi thời gian.
Vẻ đẹp miền Hương Ngự vừa thanh thoát, lãng đãng sương khói vừa có tính chuẩn mực và nhờ sự giữ gìn, phát huy giá trị của nó, Huế hài hòa giữa nét cổ điển và hiện đại. Không riêng gì dòng Hương giang, sông Ngự Hà - con sông vắt ngang nội thành kinh đô bây giờ với tất cả cư dân nội thành Huế nói riêng, là niềm hạnh phúc trước sự hồi sinh kỳ diệu của một thực thể nước tưởng chừng khô rụi trong dĩ vãng. Những kẻ lãng du từng dõi theo bước hồi sinh của con sông này qua những bức ảnh, những dòng tin, những trang bút ký giàu tư liệu về hình hài sông xưa trong ký ức và sức quyến rũ như tranh của con sông hôm nay. Đó là niềm mong mỏi của người dân về những giá trị sẽ được phục hồi, được làm sáng thêm để giới thiệu với bạn bè phương xa, với du khách như là niềm tự hào thầm kín.
Nặng lòng với di sản, với một dấu ấn khác, có người từng đi khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm đến những cơ quan văn hóa nghệ thuật, các nhà hát tuồng, gia đình các nghệ sĩ, diễn viên tuồng, các nhà nghiên cứu để tìm, tiếp cận những tư liệu liên quan đến nghệ thuật tuồng, nhất là tìm những kịch bản tuồng cổ của Huế lưu lạc. Nhờ vậy, nhiều giá trị di sản văn hóa đã được lưu giữ, giới thiệu nhằm phát huy tinh thần và trách nhiệm trước tinh hoa vốn cổ.
Trân trọng thiên nhiên là sự rút ngắn của chặng đường con người hòa nhập với miền trong xanh bất tử bên ngoài cái ta. Con người đang khai thác thiên nhiên quá đà khiến sinh thái mất cân bằng. Động vật hoang dã, trong đó có những loài mang mầm vi rút nguy hiểm từ trong các hang động và rừng sâu buộc phải di cư và tiến trình này cũng gây nguy cơ rủi ro bệnh tật cho con người. Một thành phố biết nâng niu, trân trọng giá trị thiên nhiên là điều dễ dàng nhất để cân bằng với mặt trái của tư duy công nghiệp, với khói bụi, ô nhiễm cùng nhiều hệ lụy ngấm ngầm. Bên cạnh bóng dáng của mai vàng trước ngõ, trước các công sở và hơn thế là những vườn mai nơi công cộng, phong trào gìn giữ và phát triển mai vàng xứ Huế đang được ươm thêm với loại giống quý hiếm mà cũng không dễ trồng này. Tôi nhớ, có năm cơn bão lớn đã quật ngã cây xà cừ cổ thụ; thay vì cưa thân đào gốc, thành phố đã chủ trương trồng lại cây này. Mỗi lần ngang qua, tôi đều nhìn vào lão cây mà mỗi nhánh đều mang sức nặng của tháng năm nay không biết còn đủ sức nảy mầm. Cảm giác chờ mong một mầm nhỏ khiến cho thân cây đen sì, xù xì ấy càng đẹp lên lúc màu hồng của mầm tua tủa dưới nắng.
Có một chiều tôi ngồi bên bờ bắc sông Hương và thấy đàn cò trắng bay về như một hoài niệm xa xỉ thức giấc. Không phải lúc nào tôi cũng ngồi đây, nhưng mà lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không còn nghĩ là sẽ gặp một đàn cò bay là là trên sông, bay qua quầng mây ánh vàng sẫm đỏ, bay qua mặt trời như đàn sâm cầm xứ Bắc, rồi đậu lại trắng toát trên một cây gần bờ sông bên kia, nơi có thể chúng bị hại bất cứ lúc nào. Điều này càng trân trọng hơn nữa một văn bản đầu năm 2020 thấm đẫm nhân văn - đó là chỉ thị từ ông Phan Ngọc Thọ khi còn ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu việc cấm săn bắt, mua bán, giết mổ các loài chim trời. Câu chuyện về tấm lưới giăng phủ lên tàng cây chụp lấy trăm ngàn cánh chim đã hiếm đi, và những đàn cò, bầy chim đầm phá cũng không giật mình thảng thốt vì một tiếng nổ vọng lại. Những bức ảnh về nỗi bình yên của đôi cánh, sự thanh bình kiếm ăn của muôn loài ở những vùng hoang và trong thành phố đã xuất hiện nhiều thêm...
Trong văn hóa có di sản, trong di sản chứa những vỉa tầng và cung bậc của văn hóa. Tác phẩm nghệ thuật thì khéo léo cất giữ những tinh hoa của văn hóa và di sản. Lịch sử nghệ thuật cũng như khoa học lịch sử nghe khô khan, song là nguồn tư liệu và cảm hứng màu mỡ để nghệ thuật mang thêm nhiều giá trị và thăng hoa. Sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật cũng là trách nhiệm, tâm huyết của người nghệ sĩ trước bản sắc văn hóa và di sản. Hai yếu tố này sẽ tương tác để cùng gìn giữ nhau trước thời gian. Vẻ đẹp của Huế là sự hội tụ, hòa quyện giữa vẻ đẹp của văn hóa, di sản, con người và thiên nhiên nơi đây. Những vẻ đẹp của văn hóa và di sản sẽ luôn sống động, luôn phát sáng và để lại dấu son trong tác phẩm nghệ thuật, nếu tác giả biết trân trọng, biết nương vào để sáng tạo nên những tuyệt phẩm cho tâm hồn.