ClockChủ Nhật, 09/06/2024 06:30

Cuộc hội ngộ giữa các đoàn nghệ thuật

TTH - Kéo dài từ ngày 7 đến 12/6, Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 hứa hẹn là một đại tiệc nghệ thuật với sự tham gia của hàng chục đoàn nghệ thuật cùng hàng trăm nghệ sĩ quốc tế và trong nước.

Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024: Sẵn sàng khai hộiĐem văn hóa Tây Nguyên tham dự Festival Huế 2024

 Đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji đến từ Nhật Bản. Ảnh: BTC

Ở đó người xem được đắm chìm trong những phần trình diễn của các đoàn nghệ thuật và sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi từ phương Tây, các nước châu Á hay những màn phô diễn đến từ các đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước.

Những tên tuổi nghệ sĩ lừng danh

Với người Huế, đoàn nghệ thuật cà kheo Vương quốc Bỉ đã quá quen thuộc và vô cùng ấn tượng trong mỗi kỳ Festival Huế. Và Tuần lễ Festival Huế 2024 là lần thứ 5 đoàn cà kheo này trở lại Huế. Truyền thống đi cà kheo ở Bỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ XIV, tại vùng Merchtem, khi ở đây thường xảy ra ngập lụt vào mùa đông, người dân trong vùng chọn cách đi lại trên những cây gậy cao để khỏi bị ướt. Ẩn sau nghệ thuật giữ thăng bằng trên những chiếc cà kheo cao 4 mét, là câu chuyện văn hóa có lịch sử hàng trăm năm về cách con người sinh tồn, chiến đấu với thiên tai và khí hậu khắc nghiệt.

Những lần trình diễn tại Huế, đoàn cà kheo này luôn đón nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của du khách. Ở tuyến đường nào đoàn đi qua bao giờ cũng chật kín người. Vì thế, sự quay trở lại của đoàn như là một món quà vô cùng ý nghĩa trong những ngày cả Huế rộn ràng lễ hội.

Trong khi đó, các nghệ sĩ đến từ đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji, Nhật Bản cũng được những người yêu thích các tiết mục kết hợp giữa trống và lân sôi động chào đón. Eisa là điệu múa truyền thống có lịch sử lâu đời có nguồn gốc từ cách đây vài trăm năm. Điệu múa truyền thống này được duy trì và phát huy trên khắp Okinawa – tỉnh cực nam của Nhật Bản. Nhịp điệu và những chuyển động đẹp mắt của Eisa hòa quyện cùng tiếng trống Taiko tạo nên một điệu nhảy uyển chuyển và sống động khiến người xem không thể rời mắt.

Với mong muốn lan tỏa nghệ thuật truyền thống Okinawa đến bạn bè quốc tế tại Festival Huế 2024, mỗi một tiết mục biểu diễn của đoàn đều mang đến nhịp điệu vui tươi, mạnh khỏe, đầy nhiệt huyết, thể hiện sức sống mới của lớp trẻ kế thừa. Giống như cái tên “Urakaji” có nghĩa là mang đến làn gió sảng khoái, tuyệt vời như làn gió biển đi khắp muôn phương.

Đến từ Canada, Steve Barakatt - nhà soạn nhạc, nhà sản xuất âm nhạc, nghệ sĩ piano, ca sĩ và giám đốc sáng tạo cũng sẽ góp mặt tại Huế trong dịp này. Steve Barakatt đã quá nổi tiếng khi ca khúc do ông sáng tác “Lullaby, The UNICEF Anthem” đã được các dàn nhạc giao hưởng trình diễn lần đầu trên khắp năm châu lục và trong không gian trên Trạm vũ trụ Quốc tế vào ngày 20/11/2009.

Âm nhạc của ông đã được giới thiệu trên hàng trăm chương trình và phim truyền hình dài tập, cũng như trên các chương trình truyền hình về sự kiện thể thao lớn như FIFA World Cup và F1 Grand Prix.

Tây Nguyên, phương Nam tụ hội

Không thể không nói đến sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật trong nước với những đặc trưng văn hóa và màn trình diễn đã làm nên tiếng tăm. Năm nay, đại diện văn hóa Tây Nguyên tham dự Tuần lễ Festival Huế 2024 sẽ là các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum.

Vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này hội tụ hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trải qua nhiều thế kỷ sinh sống trên vùng đất này, các tộc người đã cùng nhau tạo nên kho tàng văn hóa dân gian, vừa phong phú, vừa đa dạng. Người nghệ sĩ đã kết hợp và chắt lọc tinh hoa, những đặc trưng bản sắc của từng tộc người để phát triển thành những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu và điều đó đã tạo nên một nét riêng trong tiến trình hội nhập các nền văn hóa “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Đại diện đoàn cho biết, đến với Festival Huế 2024, đoàn sẽ xây dựng chương trình nghệ thuật có nhiều sáng tạo, giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đến với Nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, từ phương Nam, Nhà hát Cao Văn Lầu hứa hẹn sẽ mang tinh hoa văn hóa Nam Bộ để phục vụ người dân, du khách những tiết mục đặc sắc, độc đáo nhất. Trong đó tập trung vào các tiết mục cổ điển, truyền thống cho đến hiện đại như: Dạ cổ hoài lang, Ca nhạc bạc liêu rực sáng trời tương lai, Tân cổ ai ra xứ Huế, Trích đoạn kẻ sĩ Thăng Long, Ca nhạc tiếng đờn kìm, Ca cổ đêm Huế, Trích đoạn cải lương một thời để nhớ, Ca cổ tình anh bán chiếu…

Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

29 nhà sưu tập triển lãm cổ vật tại điện Kiến Trung

Chiều 22/6, tại Điện Kiến Trung, Hoàng cung - Đại Nội Huế, diễn ra khai mạc Triển lãm “Cổ vật hội tụ”. Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh và một số nhà sưu tầm trong nước tổ chức.

29 nhà sưu tập triển lãm cổ vật tại điện Kiến Trung
Thăng hoa trong mưa

Không phải lễ hội mưa mà gặp mưa - có lẽ đó là điều mà không ai mong muốn. Nhưng những màn mưa về trên phố Huế, từ chương trình mở màn “Rạng rỡ ngàn sau” đến đêm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy" của Tuần lễ Festival Huế, lại như những dòng cảm xúc “kéo” mọi người gần với Huế hơn, yêu thương Huế và trân quý, thăng hoa cùng các nghệ sĩ.

Thăng hoa trong mưa
Return to top