ClockThứ Sáu, 01/05/2020 07:57

Dấu ấn di tích sở ấn loát “Giấy bạc Cụ Hồ”

TTH - Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, địa điểm ấn loát tài chính Trung bộ mà Nhân dân quen gọi là “Giấy bạc Cụ Hồ” tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Thái (nay là xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) đã ghi dấu ấn một thời. Từ đây, đồng giấy bạc Việt Nam được chuyển đi mọi nơi, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu cấp bách của chính quyền cách mạng và Nhân dân, góp phần quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Điểm di tích Sở Ấn loát tài chính Trung bộ tại thôn Hiền Sỹ

Chặng đường gian nan

Ngày 31/1/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 18/SL cho phép Bộ Tài chính phát hành "Giấy bạc Việt Nam" ở Nam Trung bộ từ vĩ tuyến 16 trở vào nhằm phục vụ công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Ngay từ đầu năm 1946, giữa lòng thành phố Huế đã tổ chức một cơ sở in thử bạc Tài chính Cụ Hồ tại nhà in Ngô Tử Hạ ở đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế).

Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa ta và Pháp, nhưng sau đó ít lâu thực dân Pháp đã bội ước. Tại Thừa Thiên Huế, chúng liên tục khiêu khích, gây căng thẳng và tập hợp lực lượng phản động tay sai để phục vụ mưu đồ quay trở lại xâm lược nước ta, làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Nhận thấy cơ sở in bạc trong TP. Huế không an toàn, giữa năm 1946, cấp trên quyết định cho dời Cơ quan Ấn loát tài chính Trung bộ ở nhà in Ngô Tử Hạ ra xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.

Ông Hoàng Ngọc Thọ (SN 1936), người dân thôn Hiền Sỹ, nhớ lại: Khoảng giữa năm 1945, quân ta cho 1 trung đội ra đóng chốt tại vùng này và xây dựng cơ sở ấn loát tiền. Ban đầu, ông cũng không biết quân ta xây dựng gì, chỉ biết là có nhiều tầng bảo vệ, không cho ai tới gần. Chỉ huy xây dựng là ông Hoàng Ngọc Hào (cận vệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Thời gian này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về đây sống tại nhà bà Hoàng Thị Tẩm (mệ nội ông Trần A) để xây dựng, hội họp cơ sở và chỉ đạo bảo vệ việc xây dựng Sở Ấn loát. Sau này, ông mới biết việc xây dựng Sở Ấn loát tài chính Trung bộ. Nay, những người liên quan đến việc xây dựng Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đều đã qua đời.

Ông Hoàng Chơn, người dân sống gần Sở Ấn loát tài chính Trung bộ nhớ như in những ngày quân ta chuyên chở các vật dụng in tiền bằng thuyền từ TP. Huế về theo sông Bồ. Sau đó, điểm in tiền hoạt động khoảng gần 1 năm thì chuyển đi. Sau khi chuyển đi, người dân mới được vào khu này và chỉ thấy một hang sâu 5m, rộng 3m, đủ chỗ cho nhiều người ở. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực này bị máy bay Mỹ, ngụy tàn phá và trở nên hoang tàn.

Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ giữa năm 1946 đến đầu năm 1947) nhưng hoạt động của cơ sở in tiền tài chính tại đây đã góp phần khẳng định vị thế độc lập, chủ quyền về kinh tế, tài chính của quốc gia và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Sau này, Sở Ấn loát “Giấy bạc Cụ Hồ” lại được di chuyển ra Hà Tĩnh. Như vậy, cùng với những địa điểm sản xuất đồng bạc tài chính Cụ Hồ năm 1946 tại Bắc bộ và Nam bộ, các địa điểm sản xuất đồng bạc tài chính ở Thừa Thiên Huế góp phần làm giàu thêm truyền thống yêu nước, kiến quốc của dân tộc.

Những dòng chữ trên bia tưởng niệm đã mờ

Phát huy giá trị di tích

Ngày 20/1/2010, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 156/QĐ-UBND xếp hạng Sở Ấn loát tài chính Trung bộ tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, Phong Điền là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Cũng trong dịp này, Bộ Tài chính phối hợp với tỉnh tổ chức xây dựng và khánh thành di tích lịch sử này. Trong đó, dựng bia tưởng niệm bằng đá granit nguyên khối, các bậc tầng cấp đi lên, bãi đỗ xe, khuôn viên sân gạch quanh bia…

Ông Nguyễn Bá Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn cho biết, hàng năm cứ vào các dịp lễ, tết, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đều được huy động dọn dẹp vệ sinh khu di tích, ngăn ngừa trâu, bò vào phá hoại. Trong đề án phát triển nông thôn mới, đề án phát triển du lịch trên địa bàn, xã đều đưa các điểm di tích, như: Đình làng Hiền Sỹ, lăng mộ - nhà thờ Đặng Huy Trứ, lăng mộ Đặng Văn Hòa gắn liền với tuor du lịch khu suối nước khoáng nóng Thanh Tân để giới thiệu với du khách gần xa, nhằm hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Hiện nay, di tích Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đã xuống cấp nhiều hạng mục. Vừa qua, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền đã phối hợp với Phòng Di sản Sở Văn hóa - Thể thao khảo sát lại các di tích trên địa bàn để có kế hoạch tu bổ trong giai đoạn 2021-2025; trong đó, có Sở Ấn loát tài chính Trung bộ.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho biết, hiện nay, huyện đã bố trí nguồn vốn trung hạn giại đoạn 2021-2025 khoảng 100 triệu đồng để tu bổ lại các hạng mục di tích Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đã xuống cấp như: kẻ vẽ lại những dòng chữ đã mờ trên bia tưởng niệm, làm lại những mảng bia bị bong tróc, sửa chữa khu vực sân quanh khu tưởng niệm và các bậc cấp bị nứt, gãy…

“Hiện nay, trên địa bàn có 20 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh. Tại đề án phát triển du lịch đến năm 2025, huyện đã thành lập các tuor, tuyến du lịch kết nối với các di tích lịch sử cách mạng như: Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Anh (Phong An) với các điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã Phong Sơn, như: Đình làng Hiền Sỹ, Sở Ấn loát tài chính Trung bộ và các điểm di tích lịch sử trên vùng chiến khu Hòa Mỹ (Phong Mỹ). Thông qua đó, giới thiệu với du khách gần xa, các thế hệ trẻ về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện, giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông cho thế hệ sau trong quá trình xây dựng, phát triển của địa phương nói chung và ngành tài chính Việt Nam nói riêng”. Ông Thắng khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin

Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong chương trình mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, ngoài những vấn đề liên quan đến chương trình, đề án lớn của tỉnh, nhiều quyết sách liên quan đến đời sống dân sinh luôn được các đại biểu quan tâm. Từ đó, tạo dựng niềm tin trong dân, góp phần làm thay đổi một vùng đất.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2 Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1: Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ

Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, quê hương, hoạt động của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được đổi mới. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 550 nghị quyết (NQ), trong đó có những NQ đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo và phát triển Thừa Thiên Huế trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1 Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ
Dấu ấn áo xanh tình nguyện hè

25 năm qua, hàng triệu thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Thừa Thiên Huế nói riêng đã cùng nhau chung sức, chung lòng trên hành trình trưởng thành của tuổi trẻ, đó là Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè.

Dấu ấn áo xanh tình nguyện hè
Châu Á ghi dấu văn hóa trên ẩm thực thế giới

Hãy tưởng tượng bạn bước vào cửa hàng tạp hóa địa phương và tìm thấy một món ăn nhẹ không chỉ thỏa mãn cơn thèm ăn, mà còn được thưởng thức món ăn thể hiện di sản văn hóa và hương vị địa phương. Hãy nghĩ đến khoai tây chiên vị phở Việt Nam hoặc đồ ăn nhẹ vị dưa chuột ở Trung Quốc, nơi người ta tin rằng đặc tính làm mát của loại củ quả này có thể chống lại sự nóng bức, khái niệm về ẩm thực tốt cho sức khỏe nổi tiếng trong truyền thống của Trung Quốc.

Châu Á ghi dấu văn hóa trên ẩm thực thế giới
Dấu ấn “xanh” trong doanh nghiệp

Chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh xanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên “đường đua” thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Dấu ấn “xanh” trong doanh nghiệp
Return to top