ClockThứ Ba, 12/09/2023 15:24

Đau đáu niềm quê

TTH - “Đường xưa thương nhớ” (NXB Hội Nhà văn) là tập tản văn đầu tay của tác giả Lê Thị Phượng vừa được phát hành vào đầu tháng 6 vừa qua. Cuốn sách tập hợp 32 tản văn được chị chắt chiu chọn lọc trong nhiều năm sống và viết ở quê người.

Tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế Triển lãm ảnh tư liệu và giới thiệu sách về Đại tá Hà Văn LâuGiới thiệu sách “Nữ công thường thức”

 Tập tản văn "Đường xưa thương nhớ" của tác giả Lê Thị Phượng

Lê Thị Phượng (bút danh Lê Phượng) sinh năm 1960, tại làng Phò Nam, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, chị được phân công về vùng Sông Bé để dạy học, nhưng chị xin lên Tây Nguyên “vùng đất của những bản tình ca Đam San, Xinh Nhã, của những chiêng núm, chiêng bằng, của những câu chuyện tình buồn Krông Puk, Krông Bông”.

Những năm tháng xa nhà, lòng chị lúc nào cũng đau đáu vọng cố hương. “Đường xưa thương nhớ” là nỗi lòng vời vợi của người đi xa lúc nào cũng hướng trái tim về quê cũ. Một ngọn nắng chiều buông lơi, một hương cau thoang thoảng, một sớm mai ẩm nồng mùi đất ngọt, một giọt sương khẽ khàng rơi trên phiến lá giữa đêm khuya tĩnh lặng cũng khiến lòng người xa xứ chênh vênh nỗi nhớ nhà.

Nhớ quê hương là nhớ về mái nhà xưa có bóng dáng mẹ cha tảo tần hôm sớm. Nhớ dáng cha lầm lũi trên đồng, đẫm mồ hôi dưới nắng hè đổ lửa, là dáng mẹ lặng lẽ trong những buổi chợ sớm khi sương quê chưa kịp tan hết.

Đọc "Đường xưa thương nhớ", người đọc như chìm trong những ký ức đã dần phôi pha theo bước thời gian. Đó là con đường về nhà những ngày xưa tan lớp. Là con đường từ làng La Vân Hạ về làng Phò Nam bên sông Bồ của tác giả. Con đường ấy dài mênh mang như nỗi niềm nhớ thương khắc khoải trong lòng người đi xa. Con đường về nhà ấy phải băng qua đồng làng, băng qua những rặng tre xanh, băng qua ngôi chùa quê cũ. Đường vào nhà có hàng chè tàu xanh ngắt, có giàn đỗ quyên chi chít trái, có cây ổi, cây na đến mùa thơm tho quả chín. Con đường ấy, dù năm tháng đã đổi thay, nhưng bao lâu rồi tác giả chưa về qua?

Và, đường về nhà như càng xa xôi dịu vợi, khi chẳng còn bóng mẹ cha đợi nơi bậc cửa mỗi khi trở về. Bao nhiêu người thân quen đã rời đi, rong chơi cõi khác, những đổi thay, những mất mát khiến người đi xa mỗi lúc trở về, đứng giữa quê hương mà lòng đầy ưu thương trống vắng.

Ở tập tản văn “Đường xưa thương nhớ”, Lê Thị Phượng đã bày tỏ nỗi nhớ thương khắc khoải về những điều xưa cũ, bình dị mà đầy yêu thương. Đó là tiếng lòng người đi xa lúc nào cũng hướng về xứ Huế. Có khi chỉ là “Mùi cá kho, mùi lạc rang, rau luộc, mùi nước ruốc gợi sự đầm ấm, ngọt ngào” cũng khiến người ta day dứt nhớ thương, để rồi bất chợt nhận ra “Lòng mỗi người được buộc lại nơi quê hương không phải bằng sợi dây to lớn nào đó mà chỉ là làn khói mỏng manh mà bền chặt muôn đời”.

Lê Thị Phượng có giọng văn thật nhẹ nhưng cũng thật buồn. Những câu chữ bình dị, mộc mạc nhưng đong đầy cảm xúc khiến lòng người đọc như bị bóp nghẹt lại, những cảm xúc cứ thế dâng lên, trào thành giọt nước mắt. Những điều xưa cũ, bao giờ cũng đầy sức nặng, đủ sức làm cay lòng người. Câu chữ như được rút ra từ tận sâu trong tim, trong nỗi niềm miên mang của thương nhớ. Những ký ức cũ kỹ, những hoài niệm xa xôi cứ đọng mãi trong tim để rồi tràn ra trên con chữ. Một ngọn nắng thu chốn kinh kỳ khiến người đi xa mãi thổn thức. Là những món ăn dân dã như khoai tía, khoai từ, là tô canh me đất khiến lòng mãi vương vấn; là bánh cộ, bánh in khi tết đến, xuân về; là chén chè kê, dĩa thịt vịt thơm lừng ngày đoan ngọ; là ngày giỗ, chạp con cháu sum vầy tưởng nhớ cha ông, cội nguồn; là tiếng gọi đò khắc khoải đã mãi chìm trong ký ức. Bao nhiều điều thân thương cứ nắm níu lòng người tha hương.

Đọc “Đường xưa thương nhớ” của Lê Thị Phượng để thêm yêu thương những điều đã cũ, và trân quý những gì đang hiện hữu bên mình.

Bài, ảnh: Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”

TIN MỚI

Return to top