ClockThứ Sáu, 20/01/2017 05:46

Dệt Zèng và mối “duyên” Festival Nghề truyền thống Huế

TTH - Được quan tâm bảo tồn, Festival Nghề truyền thống Huế 2015 là thời điểm dệt Zèng (A Lưới) được giới thiệu rộng rãi đến với công chúng và du khách; góp phần để hai năm sau, dệt Zèng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015, người dân Huế và du khách bất ngờ, thú vị với sự xuất hiện của dệt Zèng tại vị trí trung tâm trang trọng nhất của Công viên Tứ Tượng (nơi tôn vinh nghề dệt). Cũng tại chương trình khai mạc festival, lần đầu tiên những bộ quần áo thiết kế từ chất liệu thổ cẩm Zèng đã được những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng trình diễn trên sân khấu, đó là cơ hội để dệt Zèng- một loại hình văn hóa đặc thù của người dân các huyện miền núi A Lưới bừng sáng.

Dệt Zèng trong không gian công viên Tứ tượng tại Festival Nghề truyền thống Huế 

Lâu nay, nhắc đến thổ cẩm người ta thường nghĩ đến văn hóa mặc của đồng bào dân tộc vùng núi Tây Bắc. Thế nhưng, tài hoa của những người thợ dệt Zèng ở Thừa Thiên Huế không kém phần đặc sắc, độc đáo. Dệt Zèng đã trở thành máu thịt tinh thần của bà con Tà Ôi ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế. Những kỹ thuật dệt, xe chỉ, kết hạt...thủ công qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Tà Ôi đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Theo đánh giá của các nhà thiết kế thời trang, điều đặc biệt nhất của thổ cẩm dệt Zèng chính ở những điểm nhấn hoa văn bằng cườm. Những hạt cườm nhỏ được dệt chung, nằm trong kết cấu đan chỉ và được sắp xếp bằng tay để trở thành những hình tượng, họa tiết, hoa văn độc đáo, sống động. Với các nghệ nhân người dân tộc, cuộc sống đã bước vào tấm vải với những hoa văn cách điệu từ ngọn chông anh dũng chống giặc, những sinh hoạt đời thường hay là tài sản thiên nhiên mà đất trời ban tặng. Và giá trị nghệ thuật và nhân văn cũng nằm ở đây.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND T.P Huế, ông Nguyễn Đăng Thạnh cho biết, ông rất vui khi dệt Zèng vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi đoàn khảo sát gồm đạo diễn, nhà thiết kế đến A Lưới để chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống 2015 và giới thiệu ý tưởng này cho ban tổ chức thì rất được hoan nghênh. Và đúng như kỳ vọng, tại Festival Nghề truyền thống Huế lần đó, dệt Zèng đã trở thành điểm nhấn đặc biệt của không gian tôn vinh nghề truyền thống, là nét đặc trưng của nghề truyền thống của Huế giới thiệu tại festival nghề. Tuy không sang trọng, cầu kỳ như dệt của những vùng miền khác, nhưng dệt Zèng có nét chân chất, mộc mạc và thấm đẫm văn hóa rừng núi của bà con dân tộc. “Dệt Zèng đã góp phần đem lại sự phong phú cho không gian Festival Nghề truyền thống và chính Festival Nghề truyền thống đã góp phần quảng bá, nâng tầm dệt Zèng” – ông Nguyễn Đăng Thạnh nói với sự phấn khởi xen lẫn tự hào. 

Không chỉ dành một không gian đắc địa nhất giới thiệu dệt Zèng và để các nghệ nhân trình diễn, các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, Huế đã cùng tìm hiểu, trao đổi và thiết kế nhiều bộ trang phục từ chất liệu thổ cẩm Zèng rất độc đáo để đưa ra giới thiệu ngay trong buổi lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2015. Trên các sân khấu biểu diễn của festival, đạo diễn Minh Hạnh đã đưa nhiều họa tiết, đường nét của dệt Zèng vào và tạo nên những ấn tượng rất đặc biệt với người xem.

Kết quả đáng mừng là tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015, nhiều hợp đồng cung cấp thổ cẩm dệt Zèng đã được ký. Sau đó, dệt Zèng được nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp... Với tài nghệ của các nhà thiết kế, Zèng trở nên sống động, quyến rũ từ đó được hoan nghênh ở nhiều nước Âu, Á, đặc biệt là Nhật Bản. Kết quả này vừa gây bất ngờ nhưng cũng rất xứng đáng với nỗ lực của những người tâm huyết bảo tồn, phát triển dệt Zèng. Thành quả hôm nay chắc chắn tạo ra  cảm hứng cho những người quan tâm bảo tồn và phát triển dệt Zèng nói riêng và các nghề truyền thống khác nói chung.

Những thành công của dệt Zèng (A Lưới) rất đáng tự hào, là điều mà các nhà tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế luôn mong muốn. Đó là làm thế nào có thật nhiều nghề truyền thống được giới thiệu, quảng bá và “chắp cánh” như dệt Zèng (A Lưới) sau mỗi kỳ Festival Nghề truyền thống được tổ chức.

Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

TIN MỚI

Return to top