ClockThứ Sáu, 06/11/2020 13:34

Di sản văn hóa triều Nguyễn: Còn mãi với thời gian

TTH - Di sản văn hóa triều Nguyễn, trong đó có đồ dùng, vật dụng trong cung đình triều Nguyễn hay còn gọi là đồ ngự dụng được chế tác dành riêng cho hoàng đế và hoàng tộc sử dụng, là một bộ phận của kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Chàng trai trẻ niềm đam mê với phục sức triều NguyễnHoàng bào triều NguyễnPhát huy giá trị di sản triều Nguyễn trong hoạt động đào tạo

Sập chân quỳ, chất liệu: vàng, gỗ sơn son thếp vàng

Nguồn gốc đồ ngự dụng triều Nguyễn

Một trong những đồ ngự dụng khoảng đầu thế kỷ XIX được ưa chuộng đó là đồ gốm sứ có xuất xứ từ Anh quốc, thông qua con đường ngoại giao hoặc nhập khẩu trực tiếp, được thực hiện bởi Công ty Đông Ấn Anh.

Đồ ngự dụng ngoài được sản xuất trong nước còn được nhập từ rất nhiều nơi trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn, đồ dùng, vật dụng đa phần nhập khẩu từ Trung Hoa do 2 nước có cùng tập quán, đồ phục sức và thói quen sinh hoạt, sở thích tiêu dùng. Đồ dùng, vật dụng nhập khẩu từ các nước châu Á láng giềng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào...) cũng là nguồn hàng quen thuộc. Càng về sau, các hoàng đế triều Nguyễn lại ưa chuộng hơn đồ dùng, vật dụng nhập khẩu từ các nước phương Tây (Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và đặc biệt ưa chuộng hàng nhập khẩu từ Pháp)... Giai đoạn 1835-1839, nhà Nguyễn đã xuất khẩu rất nhiều nông sản (gạo, dầu, muối, đường) và đặc sản địa phương như: yến sào, vi cá mập, sơn, ngà voi, sừng tê giác, gỗ quý các loại... Với nguồn tiền kiếm được từ xuất khẩu, triều Nguyễn có đủ khả năng để nhập khẩu những đồ dùng, vật dụng đắt tiền của nước ngoài đem về sử dụng trong hoàng cung.

Đài thờ (Niên hiệu Thiệu Trị, 1844), chất liệu: Vàng, pha lê 

Phân loại theo công năng sử dụng

Hệ thống lăng miếu ở triều Nguyễn rất phát triển, xuất phát từ việc nhà nước quan tâm đến tế tự trời đất và tổ tiên với đức tin: các vị thần linh đã phò trợ họ Nguyễn gây dựng cơ nghiệp. Đồ dùng, vật dụng trong các đền, miếu phải có như: đỉnh, lư, chân đèn, bàn thờ, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối, đồ dựng nước, đựng rượu, đựng thức ăn, trái cây... đa số được làm từ đồng, pháp lam, gốm, thủy tinh. Khi tổ chức những nghi lễ quan trọng, Hoàng đế trực tiếp cử hành sẽ sử dụng một số đồ vật phục vụ nghi lễ bằng vàng bạc, ngọc. Trong khi thực hiện nghi lễ tế hoặc nghi lễ triều hội sẽ có thêm các nhạc cụ, như chuông, khánh, kèn, chiêng, bạt... Tiêu biểu là chiếc đài thờ bằng vàng, pha lê, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 4. Mô típ trang trí rồng, phượng, long mã, mây, sóng nước, bát bửu, hoa mai.

Các vật dụng thuộc văn phòng tứ bảo được sử dụng trong hoàng cung triều Nguyễn do các “ngự xưởng” chế tác bằng các chất liệu quý hiếm: vàng, bạc, ngọc, ngà voi… Các đồ dùng thuộc bộ văn phòng tứ bảo bao gồm: quản bút, gác bút, nghiên mực, hộp son, thủy trì, ống bút, trấn chỉ (chặn giấy)… Ngoài ra, còn có thêm một số vật dụng như: ngọc tỷ, kim ấn, đỉnh trầm vàng, bức trấn phong.

Những vật dụng thông thường trong sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn, gồm: đồ gia dụng như bộ đồ uống trà, uống rượu, đồ trầu, ống nhổ... Hiện, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ nhiều đồ gia dụng bằng các chất liệu quý dành cho hoàng đế ngự dụng: bộ đồ trầu bằng vàng chạm hình phượng bay, lọ đựng trà, bộ khay trà vàng, ống nhỏ ngọc...

Những đồ nội thất bằng gỗ được sử dụng tại tất cả các công trình kiến trúc: đền, miếu, chùa, lăng tẩm và nội cung triều Nguyễn thường thấy nhất là bàn thờ, gồm 2 phần: bàn thờ (thường được trang trí một bức hoành có hình thức như 1 tấm vải che), bàn bày lễ có hình dạng phong phú hơn bàn thờ. Cấu trúc chung là hình chữ nhưng tùy loại có cấu tạo mép bàn thẳng, cũng có loại mép bàn cong hình triện hoặc cuốn thư và khéo léo nối vào chân bàn. Các chân bàn thường được gia công chạm khắc uốn lượn và có khuynh hướng khi lồi ra ngoài, khi lại uốn cong vào phía trong. Henri Gourdon miêu tả về những chiếc bàn thế kỷ 18 của triều Nguyễn như sau: “… vẫn còn vài mẫu rất đẹp trong Hoàng cung thường có hình dạng dài và trông không chắc chắn, chân bàn thẳng giống như con tiện lan can, hình dáng rất kiểu cách; chúng gợi nhớ đến những món đồ gỗ theo phong cách Louis 16”.

Những chiếc sập cũng là một sản phẩm đáng lưu ý của đồ nội thất triều Nguyễn, sập được cấu tạo từ một hoặc nhiều tấm gỗ lớn đặt trên một khung đỡ có bốn chân thấp. Chân sập được trang trí chủ yếu bằng kỹ thuật chạm nổi kết hợp sơn son thếp vàng, với họa tiết phổ biến: mặt hổ phù, chân sư tử, đầu rồng. Phần thanh giằng giữa các chân sập cũng được trang trí cầu kỳ bằng kỹ thuật như trên các họa tiết: dây lá, tứ linh, rồng ổ, thủy ba …

Ngoài ra, nội thất hoàng cung triều Nguyễn còn có rất nhiều phụ kiện bằng gỗ để điểm tô cho không gian trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý, thanh nhã.

Đối với triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, các đồ ngự dụng vô cùng đa dạng, phong phú về kiểu thức, chức năng, chất liệu, giá trị nghệ thuật… Khác rất nhiều với thời đại chúng ta ngày nay, khi mà mỗi đồ dùng, vật dụng được chú trọng các chức năng chủ yếu là tiện dụng, mẫu mã đẹp, thì đồ dùng vật dụng thời Nguyễn ngoài tiện ích, chức năng tâm linh hay biểu tượng tinh thần của con người thời kỳ này, thì bên cạnh cái đẹp mang màu sắc riêng của thời đại, còn có những thuộc tính không thể bỏ qua đó là các ý nghĩa biểu tượng của chúng trong đời sống của xã hội phong kiến thời Nguyễn. Những ý nghĩa biểu tượng này đã làm cho mỗi đồ dùng vật dụng có thêm được chiều sâu tâm linh, nhân văn và trong đó ẩn chứa những thông điệp văn hóa quý giá của thời đại, tạo nên sự thuần khiết của hồn Việt, phẩm chất Việt trong mỗi vật dụng đó.

Bài, ảnh: PHẠM MINH HẢI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Return to top