ClockChủ Nhật, 19/01/2020 06:36

Hoàng bào triều Nguyễn

TTH - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang trưng bày 5 mẫu hiện vật phục chế trang phục cung đình nhà Nguyễn, gồm: Long bào hoàng đế, hoàng bào hoàng hậu, mãng bào hoàng tử, áo sa kép của hoàng tử và công chúa. Đây là địa chỉ văn hóa vô cùng thú vị để du khách và công chúng Huế chiêm ngưỡng một phần di sản văn hóa trong dòng chảy “Ngàn năm áo mũ” của lịch sử trang phục Việt Nam.

Thường trực một tình yêu HuếTham quan di tích thời 4.0Thưởng lãm những tuyệt phẩm đồ sứ ký kiểu toàn mỹ nhất

Trang phục đại triều của quan văn Nhị phẩm triều Nguyễn tại triển lãm “Vàng son nhung gấm”. Ảnh: QUỲNH TRẦN

Người xưa quan niệm, trang phục là một phần quan trọng, thậm chí là “mở đầu của lễ, cũng là văn minh, để con người đúng nghĩa là con người, khác với cầm thú”. Mỗi triều đại quân chủ đều ghi dấu sự khởi đầu bằng việc đổi lịch, thay trang phục và đặt niên hiệu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trang phục trong cách thể hiện quyền lực và đường lối chính trị của triều đại. Thời Nguyễn, triều đình ban hành những quy định rất chi tiết và nghiêm ngặt về trang phục cho từng hạng người trong xã hội, dựa theo các tiêu chí về chất liệu, màu sắc, cách may hay họa tiết trang trí.

TS. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhấn mạnh: Bên cạnh việc lập ra những điển chế về nghi lễ để giáo hóa dân chúng, các vị vua Nguyễn (nhất là các vị vua đầu triều) rất chú trọng đến hình thức trang phục dùng trong nghi lễ. Các loại mũ áo, trang phục của nhà vua, quan lại cũng như hoàng gia đều có quy định rõ ràng, cụ thể với ý nghĩa sâu xa là để “tỏ rõ rệt người có đức”, “tỏ ra văn vật”, hoặc “rõ trật tự mà nghiêm triều nghi”. Năm 1806, vua Gia Long cho xây đàn Nam Giao tế Trời, từ đây vua bắt đầu định đại lễ Nam Giao và lễ phục Tế Giao. Vua cũng quy định việc phân biệt phẩm cấp quan chức dựa vào phục phẩm. Một bộ trang phục đại triều gồm có những món chính là mũ, áo bào, đai, xiêm, hài tất. Trong đó, riêng đối với mũ áo đại triều của hoàng đế, vật liệu trang trí là vàng, kim cương, trân châu và các loại ngọc quý.

Trang phục trong hoàng cung nhà Nguyễn có nhiều loại với tên gọi riêng, màu sắc riêng. Hiện vật phục chế long bào hoàng đế đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho thấy, đây là một tấm áo rất lộng lẫy, được chế tác rất công phu. Sự uy nghi đế vương toát lên một cách rõ nét qua chất liệu gấm, lụa vàng óng cùng hình tượng rồng vờn mây.

Nghiên cứu về trang phục cung đình triều Nguyễn, TS. Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) nhận thấy các loại vải lụa dùng để may trang phục, mũ mão cho vua chúa, hoàng thân quốc thích đều là hàng cao cấp, do triều đình đặt mua ở Trung Hoa. Các vua Gia Long và Minh Mạng thường sai sứ thần sang Trung Hoa mua gấm đoạn ở các vùng Nam Kinh, Giang Nam về để cung đốn cho nhu cầu trang phục của hoàng gia. Tuy nhiên, do nhà Thanh không muốn bán gấm lụa màu vàng cho phía Việt Nam (vì họ cho rằng chỉ có hoàng đế Trung Hoa mới được mặc áo màu vàng), nên từ đời Thiệu Trị trở đi, nhà Nguyễn đã đặt các hộ dệt vải lụa ở Hà Đông chuyên dệt lụa, gấm màu vàng dành riêng cho triều đình. Các hộ dệt vải lụa truyền thống ở một số địa phương khác cũng được yêu cầu tiến nộp các mặt hàng dệt cao cấp thay cho việc nộp thuế bằng tiền.

Cận cảnh chi tiết trang trí rồng trên thân trước long bào triều Nguyễn. Ảnh: HẢI TRUNG

Năm 2012, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu, trưng bày 15 hiện vật gốc, gồm hoàng bào, áo hoàng hậu, áo mã tiên của vũ công Bát dật trong dàn Nhã nhạc, áo thuộc trang phục tuồng, áo hoàng tử cùng một số áo đại triều của các quan và hoàng thân triều Nguyễn ở Đại Nội. Trong khuôn khổ của Festival Nghề truyền thống Huế 2015, một lần nữa 12 trong số 15 hiện vật gốc này tiếp tục được ra mắt công chúng Huế. Đây là những cơ hội hiếm có để du khách và công chúng Huế thưởng lãm những hiện vật gốc về trang phục cung đình của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.

Trong “Ngàn năm áo mũ”, tác giả Trần Quang Đức mở ra góc nhìn rộng về trang phục triều Nguyễn. Theo ông, chúa Nguyễn từ khi vào phương Nam mở cõi dần dần có ý định độc lập với triều đình chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744), quyết thay đổi nghi lễ, trang phục từ cung đình đến cho đến dân gian. Từ việc kế thừa một phần trang phục của nhà Lê, tham khảo hình dạng áo mũ của nhà Minh, đặc biệt phổ biến kiểu áo cổ đứng cài khuy, vua chúa triều Nguyễn quả nhiên đã tạo nên “một cõi y quan văn hiến”, khác hẳn các triều đại trước đây.

“Những chiếc mũ Cửu Long Thông, Cửu Long Đường Cân của hoàng đế, mũ Phốc Đầu, Hổ Đầu, Xuân Thu của bá quan với không ít trang sức vàng bạc, như: Bác Sơn, khóa giản, giao long cùng những tấm long bào, mãng bào thêu dày đặc hoa văn rồng mây, sóng nước mang lại cảm giác “ngợp mắt” chính là đặc trưng của trang phục cung đình triều Nguyễn”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhấn mạnh.

Một trong những điểm nhấn năm nay của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là dự kiến trưng bày lần đầu tiên bộ sưu tập hiện vật gốc trang phục cung đình đang được đơn vị bảo quản. Với sự kiện lần đầu tiên này, triển lãm hứa hẹn sẽ là điểm thưởng lãm hấp dẫn, “ngợp mắt” cho du khách, công chúng và các nhà nghiên cứu quan tâm đến loại hình hiện vật này.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

TIN MỚI

Return to top