Ra mắt Địa chí Văn hóa Huế, ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế
“Khuôn mặt” phong phú của đời sống văn hóa Huế
Địa chí Thừa Thiên Huế - phần văn hóa là một công trình khoa học đồ sộ, quy mô, gồm 2 tập, mỗi tập dày hơn một ngàn trang, có 14 chương và phần phụ lục. Công trình tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa, như: Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Bình, Trương Thị Cúc, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Đình Sáng, Dương Bích Hà…
Công trình đề cập các nội dung chính về ẩm thực, trang phục, y dược cổ truyền, phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự, trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, văn học, báo chí – xuất bản, nghệ thuật diễn xướng, tạo hình và nhiếp ảnh, điện ảnh, di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, nhân vật văn hóa…
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chủ biên công trình cho rằng, hai cuốn sách thể hiện “khuôn mặt” phong phú của đời sống Nhân dân, từ cách ăn, mặc, ở…; phản ánh tất cả những thành tựu trong đời sống của cộng đồng từ thuở phôi thai đến khi di dân, hình thành nên vùng đất Thuận Hóa và phát triển trở thành kinh đô cho đến nay là trung tâm về văn hóa, y tế, khoa học…, góp phần nhìn lại văn hóa của Việt Nam từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam xây dựng Đàng Trong đến triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn. Không chỉ mang đặc trưng vùng đất, văn hóa Huế còn mang tầm quốc gia.
Khái quát về văn hóa Thừa Thiên Huế, cuốn sách đưa ra nhận xét: Xứ Huế là nơi giao lưu giữa văn hóa Kinh và văn hóa Chăm, nơi hội tụ và kết tinh văn hóa của cả nước trong thế kỷ XIX, để lại những thành tựu văn hóa làm nên giá trị của văn hóa Huế. Giá trị ấy biểu hiện từ nhà vườn đến kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình miếu; từ món ăn dân dã đến món ăn quý tộc; từ trang phục bình dân đến phẩm phục vua quan; từ các điệu hò lao động đến ca lý và ca Huế thính phòng; từ tuồng dân gian đến tuồng cung đình; từ văn chương bình dân đến văn chương bác học; từ trang trí nề mộc dân gian đến trang trí, điêu khắc cung đình và hội họa hiện đại… Tất cả góp phần tạo nên bản sắc của văn hóa Thừa Thiên Huế, hình thành phẩm chất của con người Thừa Thiên Huế, kết tinh thành lối sống hài hòa của cư dân nơi đây.
Qua 14 chương khảo sát các phương diện của văn hóa Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, công trình Địa chí Văn hóa Huế khái quát và tổng hợp các nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, tìm ra tính cách của con người Thừa Thiên Huế nói chung và kết luận về những đóng góp của văn hóa Thừa Thiên Huế trong nền văn hóa Việt Nam. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho hay: “Những đúc rút này đang ở dạng tìm kiếm trên một thực thể văn hóa đã được định hình nhưng vẫn đang phát triển, nên có thể vẫn chưa là một kết luận đóng mà vẫn đang để ngỏ một hướng mở”.
Quà tặng
Địa chí Văn hóa Huế là công trình được nghiên cứu nhiều năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với văn hóa Thừa Thiên Huế. Trong lời nói đầu cuốn sách, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Mục đích biên soạn của công trình nhằm làm rõ các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân trên một vùng đất từng là “phên giậu” của Đại Việt, một thủ phủ của vùng đất Nam Hà làm đầu tàu cho cả vùng miền; là kinh đô, nơi hội tụ văn hóa và tỏa sáng ra cả nước; một địa bàn chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; hiện nay đang đóng vai trò một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ của Việt Nam, cũng là nơi tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của đất nước”.
Địa chí Thừa Thiên Huế - phần văn hóa là hợp phần cuối cùng của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế
Công trình ghi chép lại những thành tựu phát triển của nền văn hóa Thừa Thiên Huế từ thời kỳ tiền sử cho đến đương đại, chọn những lát cắt văn hóa để định danh, định hướng cho bước phát triển tiếp theo… Vì thế, công trình này cần được phổ cập cho những người đương thời. “Đây là công trình dành tặng cho những người đương thời. Tất cả thanh niên, sinh viên, học sinh và cả những người bình thường quan tâm đọc để thấy trong lịch sử phát triển, văn hóa Huế đã giúp gì cho vùng đất này đi lên. Tổ tiên ta đã sống bằng văn hóa Huế, chúng ta phải đọc để tiếp cận và bảo vệ. Nó cũng là món quà chúng ta gửi cho những thế hệ mai sau tiếp cận văn hóa từ thuở xa xưa của vùng đất”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh tâm huyết.
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, công trình địa chí Thừa Thiên Huế được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: tự nhiên, lịch sử, dân cư – hành chính, kinh tế và văn hóa. Công trình được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dưới dạng nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Đến nay, các hợp phần của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế đã lần lượt hoàn thành: Địa chí Thừa Thiên Huế phần tự nhiên và phần lịch sử xuất bản năm 2005, phần dân cư – hành chính xuất bản năm 2013, phần kinh tế xuất bản năm 2014 và phần văn hóa xuất bản đầu năm 2021. Việc hoàn thành hợp phần cuối cùng: phần văn hóa của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế là dấu mốc quan trọng của ngành khoa học và công nghệ: hoàn thành sứ mệnh của lãnh đạo tỉnh giao phó là biên soạn, xuất bản và phát hành Địa chí Thừa Thiên Huế.
Ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế: Địa chí Văn hóa Huế còn mang ý nghĩa là bước khởi đầu thực hiện đề án Tủ sách Huế. Từ đó, quy tụ, đón nhận nhiều ấn phẩm, công trình có giá trị nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, đồng thời giới thiệu những cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục, văn hóa của vùng đất Cố đô.
Bài, ảnh: MINH HIỀN