ClockThứ Hai, 12/08/2024 16:21

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

TTH.VN - “Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (tri thức dân gian). Thông tin này vừa được lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao xác nhận ngày 12/8.

Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóaNghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dàiTri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát - người có công định chế áo dài Việt Nam

 “Tri thức may, mặc áo dài Huế” được ông nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, hồ sơ này đã được gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ hơn 2 năm trước và đến hôm nay việc công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là tin vui với những người hoạt động trong nghề may, đo áo dài ở Huế.

Nâng niu, gìn giữ giá trị truyền thống

Theo ông Hải trước đó khi làm hồ sơ đã đề xuất 2 tiêu chí: “Nghề may đo áo dài Huế” và “tập quán sử dụng áo dài của người Huế”.

Tuy nhiên, khi công nhận với cái tên “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đã khiến nhiều người băn khoăn. Có thể được giải thích rằng, khái niệm này gói gọn tri thức của một cộng đồng, bí quyết nghề nghiệp về áo dài và mặc áo dài là tập quán.  

Trước đó, trong một cuộc trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, người đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh  khẳng định, một khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngành sẽ tiếp tục tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét tiến hành các thủ tục hồ sơ, đăng ký, đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian sớm nhất.

Ngược dòng lịch sử, theo ông Phan Thanh Hải, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802, vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Người Huế luôn quan niệm rằng “y phục xứng kỳ đức”. Vì vậy, trang phục áo dài không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội.

“Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, trước nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, người giá, phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, các chợ... Các cô gái chọn màu áo trắng hay màu tím nhạt,  học sinh, sinh viên chọn màu áo dài tím Huế thành màu đồng phục... Tà áo dài trắng, tím cùng với nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng, miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa - giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển

Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp Tết...

Áo dài Huế lan tỏa ra đời sống cộng đồng 

Nói thêm về các hiệu may đo, theo ông Hải tập trung nhiều ở các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Có thể kể đến những nhà may áo dài Huế nổi tiếng, như Tân Nghiệp, Minh Tân, Mỹ Lệ, Thẩm, Hùng, Đoan Trang, Phúc, Thảo Trang, Viết Bảo, Quang Hòa, Thanh Châu, Xuân Thi, Phương Hoa, Thùy Trang, Cuộc, Trương Anh Hào, Bích Thủy, Hồng Đào, Đan Phương, Tuấn, Minh Tiến, Anh Bảo... 

“Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế”, ông Hải nói.

Áo dài Huế còn là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch. Nhiều điểm may, đo, cho thuê áo dài phát triển mạnh trong thời gian qua, từ đó tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các nghệ nhân và người lao động.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2023, tỉnh đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô áo dài”. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài.

Ông Hải cho rằng, tỉnh đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững và áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng.

“Việc phát triển thương hiệu áo dài Huế ra nước ngoài không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là kênh quảng bá văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. Đồng thời, áo dài cũng là vật phẩm lưu niệm đầy ý nghĩa dành cho khách du lịch quốc tế và những người yêu văn hóa Việt, là niềm tự hào và hãnh diện của người Việt Nam khi giới thiệu đến bạn bè thế giới”, ông Hải khẳng định khi áo dài được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tên gọi “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.

N. MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường
Hành trình áo dài từ đời thực lên sách

“Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” (NXB Thế Giới) vừa được ra mắt tại Huế - vùng đất được mệnh danh là kinh đô của áo dài. Ấn phẩm được xem như là cẩm nang xuyên suốt về áo dài, với sự góp mặt của các tác giả từ chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà báo…

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách
Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa

Sau hơn 4 năm triển khai, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã ít nhiều lan tỏa đến với công chúng thông qua rất nhiều các hoạt động, sự kiện hưởng ứng. Cùng với đó là những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may đo, cũng như khuyến khích, ủng hộ người dân mặc áo dài vào những dịp, sự kiện quan trọng, hình ảnh áo dài đã trở thành nét đẹp quen thuộc.

Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa
Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok?

Trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, lần đầu tiên, áo dài Việt Nam đứng chung sân khấu với hanbok của Hàn Quốc trong một đêm trình diễn. Tuy vậy, áo dài và hanbok lại có hai số phận khác nhau, dù rằng đều là trang phục truyền thống của hai dân tộc.

Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok

TIN MỚI

Return to top