Hoa hậu doanh nhân Nguyễn Lan Vy
Chị có thể chia sẻ lý do tham gia cuộc thi?
Cuộc thi Hoa hậu và Nam vương doanh nhân người Việt thế giới 2018 là sự kiện nhằm tôn vinh nhan sắc, tài năng; đồng thời, mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nhân Việt Nam trong khu vực châu Á và toàn thế giới. Cuộc thi đã thu hút gần 100 thí sinh. Trải qua các vòng thi, top 20 đã tham gia vòng bán kết và chung kết tại Nhật Bản.
Như mục đích của cuộc thi, đây chính là cơ hội để tôi thử sức, khẳng định bản thân. Khi biết thông tin về cuộc thi, tôi nghĩ, nếu không tham gia sẽ không ai biết mình, biết đến Huế, nên quyết định tham gia.
Yếu tố giúp chị giành vị trí cao nhất của cuộc thi?
Thực ra, tiêu chí của cuộc thi không chú trọng quá nhiều về nguồn lực tài chính của các thí sinh; hay không quan trọng doanh nghiệp của thí sinh nhỏ hay lớn, mà tiêu yếu tố quyết định là học vấn, lĩnh vực đang kinh doanh và sức ảnh hưởng trong xã hội. Tôi đang tổ chức một shows diễn áo dài truyền thống; qua đó, góp phần vào bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây chính là phần ghi điểm cao nhất, bởi trong các thí sinh tham gia, hiếm người đang hoạt động ở lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, tôi vinh dự được làm đạo diễn cho chương trình áo dài tại Festival Huế 2018, chính sự thành công của chương trình giúp tôi tiến gần hơn với danh hiệu.
Yếu tố khác là tôi đang giúp cho 200 sinh viên đến học tập ở Huế có công việc ổn định. Thời sinh viên của tôi phải tự lập hoàn toàn. Do đó, tôi muốn lấy kinh nghiệm truyền lại cho các em sinh viên là hãy đi học, tự làm chủ bản thân khi đã 18 tuổi. Ở nước ngoài, sau 16 tuổi, bố mẹ chỉ lo các khoản cứng, còn chi tiêu mềm như mua sắm, vui chơi hằng ngày tự các em phải làm việc để kiếm tiền. Các em sinh viên được nhận vào việc ở công ty chúng tôi được trả lương tùy vào năng lực, thời gian làm việc, thường thì từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Shows diễn áo dài mỗi ngày đón khoảng 300-600 khách du lịch, ngoài thu nhập, đây là cơ hội để các em sinh viên biết được văn hóa của các nước. Qua đó, các em được rèn luyện kỹ năng, có văn hóa hội nhập tốt, cách ứng xử và tự tin trước bạn bè quốc tế.
Giây phút đăng quang của Nguyễn Lan Vy (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ, chị đã thể hiện như thế nào khi ra "sân chơi lớn"?
Khi tham gia cuộc thi, tôi mang lên sân khấu những gì là Huế nhất, không muốn lẫn Huế với các vùng miền khác. Cụ thể trong phần thi tài năng, tôi mặc áo dài tím, đầu đội khăn vành và hát bài “Thần kinh thương nhớ”. Khi kết thúc khán giả ai cũng vỗ tay, cảm giác rất sung sướng.
Điều may mắn nữa là khán giả và cả ban giám khảo rất yêu mến Huế. Trong những phần thi liên quan về Huế và văn hóa truyền thống, được ban giám khảo đánh giá cao.
Nhờ thế mà chị đạt điểm cao và giành vương miện?
(Cười) - Đúng thế!
Sau khi đăng quang, chị có dự định gì cho tương lai và Huế?
Mong muốn lớn nhất của tôi là tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Huế. Tôi sẽ tham gia nhiều hơn những lần xúc tiến du lịch của ngành du lịch sau này, nhất là nước ngoài để quảng bá hình ảnh áo dài, hình ảnh Huế đến với du khách.
Tôi cũng dự định sẽ mở thêm một số shows diễn áo dài ở các tỉnh thành khác nhằm đưa hình ảnh Huế đến với người dân và du khách cả nước.
Chị có thể chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ?
Trước khi khởi nghiệp, để làm chủ bạn phải xác định công việc, sản phẩm, giá trị của sản phẩm, đối tượng khách hàng và chiến lược phát triển. Phải khởi nghiệp ở lĩnh vực mà thị trường đang cần chứ không phải cái mà bản thân mong muốn hay đam mê. Khi về Huế, nhận thấy đang thiếu một shows diễn để phục vụ du lịch, phải sau 6 tháng nghiên cứu thị trường, quảng bá, tìm đối tác… tôi mới bắt đầu triển khai.
Khi khởi nghiệp, khó có thể am hiểu hết tất cả. Nếu chưa giỏi lĩnh vực nào đó, hãy tìm một người thầy để học hỏi. Nếu không có thầy, hãy chọn sách để học. Đừng bao giờ làm việc một mình khi chưa chắc chắn.
Môi trường tạo nên con người, khi ở môi trường tốt sẽ học hỏi và trau dồi điều tốt đó. Mỗi người phải biết lựa chọn môi trường tốt để làm việc. Nếu bạn chọn sai, có cơ hội hãy quay lại để chọn môi trường khác, đừng tiếp tục theo đuổi theo tư tưởng “thôi kệ”. Như ông chủ của KFC, lập nghiệp khi đã 60 tuổi với mấy trăm USD bằng món gà rán, nên với mỗi người không bao giờ là quá muộn, không có gì là không làm được.
Môi trường ở Huế có thể chưa bằng hai đầu đất nước để khởi nghiệp. Nhưng thời gian gần đây đang có thay đổi, như các em sinh viên rất năng động, tự tin. Nếu bạn trang bị cho bản thân lượng kiến thức nhất định, chắc chắn khi “đi” sẽ đỡ bị chông chênh.
Theo chị, phụ nữ có khó khăn hơn so với nam giới khi khởi nghiệp, lập nghiệp?
Tư duy tạo nên con người, tôi nghĩ phụ nữ hoàn toàn không thiệt thòi so với nam giới. Để so sách về IQ thì nữ và nam không thua kém nhau. Ở nước ngoài, có nghiên cứu về những khóa quản lý con người, đối với nam giới khi làm một việc thì họ chỉ nghĩ việc đó, hoặc đến việc thứ 2, nhiều nhất là việc thứ 3. Khi tập trung, quên hết mọi việc xung quanh. Còn với phụ nữ khi làm việc có thể bao quát thêm 5 - 6 việc khác. Hơn thế, phụ nữ tinh tế, nhẹ nhàng, khi làm việc suôn sẻ, đạt được thành công hơn, được đối tác nhường so với nam giới.
Để thành công phụ nữ phải có ý chí. Khi bạn có mục đích thì phải làm được điều đó, quan trọng là cách nhìn nhận vấn đề như thế nào và nỗ lực để đạt được điều mong muốn. Riêng tôi, khi thấy cơ hội thì nắm bắt, làm hết mình, thu hút mọi người xung quanh cùng tham gia.
Xin cảm ơn chị!
ĐỨC QUANG (Thực hiện)