ClockThứ Bảy, 05/11/2022 14:21

Gìn giữ một giá trị văn hóa

Khánh thành bảo tồn Triệu Tổ Miếu và khai mạc “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”Giới thiệu “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam” trong Đại Nội

Tôi đón nhận thông tin về dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu” vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 vào cuối tuần qua, bằng sự cảm kích và trân quý đặc biệt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế tự hào sánh cùng Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là 2 Văn Miếu cấp Quốc gia. Cả nước còn có 28 Văn Miếu cấp tỉnh và một thống kê có thể chưa đầy đủ mà tôi được biết, có đến 444 di tích Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng, làng.

Trở lại Văn Miếu Huế, được biết đến với nhiều tên gọi khác, như: Văn Thánh Huế, Văn Thánh Miếu Huế, Thánh Miếu, Tiên Sư Miếu... Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1775), Văn Miếu đã được xây dựng ở làng Triều Sơn, một làng ở ngoại ô của thủ phủ Phú Xuân. Đến năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần cho di dời “Văn Miếu đến xã Long Hồ” vì “thấy địa thế Triều Sơn ẩm thấp”. Khi quân Trịnh vào chiếm cứ Phú Xuân - Thuận Hóa (1775 - 1786), rồi nhà Tây Sơn làm chủ tại đây (1786-1801), Văn Miếu vẫn được giữ nguyên tại vị trí cũ.

Năm 1808, sáu năm sau khi lên ngôi, vua Gia Long bàn với các triều thần chọn một nơi thích hợp hơn để xây dựng một Văn Miếu uy nghi, đồ sộ và đẹp đẽ nhằm tôn vinh địa vị của Nho học, vì nhận thấy chỗ đất dựng miếu ở làng Long Hồ không được rộng rãi, mỹ quan. Cuối cùng, ngài quyết định chọn chỗ đất nằm giữa làng Long Hồ và chùa Thiên Mụ, sát bờ sông Hương, tức địa điểm Văn Miếu hiện nay. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử) và mở Quốc Tử Giám.

Trong suốt thời Gia Long trị vì (1802-1820), triều Nguyễn chỉ mở các khoa thi Hương nên chưa có tấm bia nào được dựng ở Văn Miếu. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), bắt đầu mở khoa thi Hội và bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng từ đó, duy trì đến năm 1919. Tổng cộng có 32 tấm bia tiến sĩ được dựng lên với mục đích chính là biểu dương Nho sĩ hiển đạt và khuyến học. Những người được ghi tên khắc đá ở bia tiến sĩ là những hiền tài, đã được triều đình khẳng định vai trò và giá trị. Bia còn nhằm răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý.

Nhân chuyện Văn Miếu Huế, tôi được biết gần đây xuất hiện phong trào tu sửa, chỉnh trang lại những Văn Miếu của làng. Chính tại nơi đây, trong các dịp tế lễ, nhiều làng quê kết hợp tôn vinh và phát thưởng con em trong làng đỗ đạt và học giỏi. Cũng như Văn Miếu Huế, Văn Thánh của làng thờ Đức Khổng Tử và các học trò của ông. Đáng nói, nơi đây còn thờ những bậc tiên nho, danh sư của làng như sự ngưỡng mộ, tự hào và tri ân mà làng quê dành cho những đứa con yêu, tài năng của mình. Người ta cũng tìm thấy ở các Văn Miếu làng Huế, bên cạnh các di chỉ của triều đình là những văn chỉ, văn thánh của các làng.

Người ta đã nói tới việc đầu tư tu bổ, phục hồi Di tích Văn Miếu là rất cần thiết nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn. Đồng thời, góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Sau khi hoàn thành phục dựng, công trình góp phần làm phong phú thêm cho di sản kiến trúc Cố đô Huế nói chung và cụm Di tích nhà vườn Kim Long - chùa Thiên Mụ - Văn Miếu nói riêng, tạo thêm điểm tham quan hấp dẫn cho du khách.

Còn tôi, đã nghĩ nhiều đến truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, luôn quý trọng hiền tài và luôn xem cái sự học như chìa khóa vạn năng để mỗi người bước vào đời, phụng sự quê hương, đất nước. Đó là nét đẹp văn hóa đang được gìn giữ.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025

Khuôn viên Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế đang được cải tạo, chỉnh trang trở thành Quảng trường Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, nơi sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao xứng tầm quốc tế. Quảng trường này một khi đi vào hoạt động sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế cũng như nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của người dân.

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế
Hòa điệu tri âm - tiếp nối những mạch tình văn hóa

"Hòa điệu tri âm" là tập sách giới thiệu các bài ca Huế lời mới của 22 soạn giả do nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế (thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế) sưu tập và biên soạn, NXB Thuận Hóa ấn hành, vừa ra mắt trong những ngày này.

Hòa điệu tri âm - tiếp nối những mạch tình văn hóa
Gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người trẻ về an toàn giao thông (ATGT) thông qua những chương trình, hoạt động trực quan và bổ ích là hoạt động tuổi trẻ Thừa Thiên Huế hướng đến.

Gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông

TIN MỚI

Return to top