Dự án tu bổ bờ kè mặt nam Kinh thành dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021
Cẩn trọng
Sau những sai sót khi tu bổ đoạn kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài thuộc “Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chủ đầu tư dự án đã yêu cầu đơn vị thi công là Phân viện Khoa học - Công nghệ xây dựng miền Trung thay đổi phương pháp thi công, chọn giải pháp trùng tu thích hợp để giữ lại tính nguyên gốc của bờ kè Hộ Thành hào.
Đơn vị thi công chọn một đoạn kè khoảng 200m để tu bổ thí điểm theo đúng yêu cầu kỹ thuật về bảo tồn di tích. Đó là đoạn kè từ cửa Thể Nhơn (thường gọi cửa Ngăn) đến Nam Xương Đài, ngay trước Kinh thành Huế. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư nhiều lần mời hội đồng khoa học đến công trường xem xét, đánh giá. Hội đồng đã đồng ý với phương pháp tu bổ thí điểm này.
Sau khi hoàn tất đoạn kè thí điểm, Phân viện Khoa học - Công nghệ xây dựng miền Trung thi công tiếp phần kè còn lại từ Nam Minh Đài đến Đông Thái Đài ở mặt nam Kinh thành. Theo ông Hoàng Kim Lợi, kỹ sư xây dựng thuộc Phân viện Khoa học - Công nghệ xây dựng miền Trung, chỉ huy trưởng công trình, đơn vị thi công và tổ giám sát rất cẩn trọng, vừa làm vừa khảo sát, đánh giá hiện trạng, cân nhắc thận trọng để đề xuất hội đồng khoa học phương án tu bổ phù hợp, đoạn kè nào cần tháo dỡ tu bổ, đoạn nào bảo tồn nguyên trạng.
Đến nay, dự án tu bổ bờ kè mặt nam Kinh thành đã hoàn thành được 70% kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế cho biết, bờ kè ba mặt Kinh thành còn lại còn chờ kinh phí. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn cơ quan các cấp tạo điều kiện về nguồn kinh phí để sau khi di dời dân cư quanh Hộ Thành hào sẽ tiếp tục thi công bờ kè này. Nếu làm được sẽ trả lại cho di tích diện mạo cũ, cải thiện môi trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đối với những hộ dân trước dây sống ở khu vực I di tích.
Giữ diện mạo nguyên gốc
Đơn vị thi công, chủ đầu tư và hội đồng khoa học thống nhất phương án tận dụng tối đa toàn bộ đá cũ đưa ra mặt ngoài bờ kè để giữ lại diện mạo nguyên gốc của di tích. Cụ thể, đối với những đoạn đã sạt lở, bề mặt và đỉnh kè đá không còn thì hạ giải toàn bộ kè đá, gia cường phần móng bằng bêtông để bảo đảm bền vững, sau đó xếp lại đá cũ ở mặt ngoài bằng kỹ thuật xếp khan, không có vữa kết dính. Mặt ngoài và mặt trên sử dụng đá cũ. Mặt trong xây đá mới, vừa gia cố vừa giữ độ bền cho bờ kè. Do lượng đá cũ tận dụng được ít so với nhu cầu, phần bên trong và phần móng sử dụng đá mới, có vữa kết dính để gia cố cho công trình. Những đoạn kè cũ còn khá nguyên vẹn được giữ lại nguyên gốc và chỉ gia cố, tu bổ những nơi hư hỏng.
Để tận dụng lượng đá cũ (đá gan gà) tái sử dụng cho trùng tu di tích, đơn vị thi công tiến hành bóc gỡ, hạ giải kè đá cổ bằng phương pháp thủ công và xe thô sơ, không sử dụng các loại máy móc cơ giới, như máy đào, xe ủi, xe múc. Những vật liệu cũ sau khi được bóc gỡ thủ công sẽ được tập kết, vệ sinh và tái sử dụng toàn bộ cho công trình trùng tu, tôn tạo bờ kè đá này.
Ông Hoàng Kim Lợi cho hay, hầu hết bề mặt kè bị sạt lở. Trong quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn khi mặt bằng thi công chật hẹp, dàn trải, bờ kè cũ có tính chất không đồng đều, đoạn có đá vẫn giữ lại được hình dáng tốt nhưng có đoạn chỉ có đá mặt ngoài, bên trong là đất và đá vụn. Lượng đá cũ có thể tận dụng lại không nhiều, chúng tôi cố gắng dùng đủ cho mặt ngoài, lọc những viên đá còn tốt đưa ra mặt ngoài để giữ gìn vẻ cổ kính của công trình. Phương pháp thi công mặt ngoài bờ kè gần như được xây theo kiểu xếp khan truyền thống.
KTS. Nguyễn Thanh Hà, đại diện tổ giám sát công trình kè Hộ Thành hào cho biết, ưu điểm của phương pháp thi công này là vừa gia cường cho hệ thống kè chắc hơn, giữ được sự bền vững vừa tiếp tục bảo tồn được hình dáng bờ kè tương đồng với ngày xưa. So sánh có thể thấy, những đoạn kè ít bị hư hỏng được giữ lại nguyên trạng với đoạn bị hư hỏng nghiêm trọng mới tu bổ gần như tương đồng.
Qua quá trình quan sát việc tu bổ bờ kè Hộ Thành hào, nhà báo Minh Tự (Báo Tuổi trẻ) nhận xét, bằng trực quan nhìn vào, tôi thấy có sự thay đổi nhiều, bề mặt ngoài của kè đá gần với diện mạo nguyên gốc. Bờ kè được xây dựng theo kỹ thuật xếp đá khan, bên trong kết dính bằng vữa, bên ngoài vẫn giữ các khe đá xếp khan như ngày xưa. Dưới nền móng gia cố bằng bê tông để đảm bảo không bị sụt lún. Điều này về mặt kỹ thuật và pháp luật cho phép, tối thiểu cũng đảm bảo giữ được yếu tố nguyên gốc về mặt vật liệu, diện mạo của bờ kè. Bây giờ nhìn vào thấy hao hao hình dáng cũ. Bên cạnh những đoạn tu bổ vẫn còn những đoạn nguyên gốc đang được giữ nguyên.
Nhà báo Minh Tự đã tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn. Họ đánh giá cách thi công hiện tại: dùng vữa kết dính bên trong lõi còn bên ngoài xếp khan không có vữa kết dính có thể chấp nhận được, gần đúng với kỹ thuật truyền thống, cho ra thành quả sau trùng tu ổn hơn. Những phần kè còn lại nếu được làm như vậy thì bờ kè của Hộ Thành hào, một hạng mục quan trọng của Kinh thành Huế sẽ giữ được diện mạo nguyên gốc của nó.
Bài, ảnh: Minh Hiền