Thứ Bảy, 18/01/2020 15:26
(GMT+7)
Hương xưa bánh Tết
TTH.VN - Thi gói bánh chưng, bánh tét, tổ chức trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp… là những hoạt động được kết hợp đan xen trong chương trình “Hương xưa bánh tết” trong Hoàng cung Huế. Hoạt động được tổ chức ngày 18/1 (ngày 24 tháng Chạp).
Nếp xưa tết cũ quyện quanh lò bánh chưng
“Điềm lành vươn tới mây xanh/Hương xưa Tết cũ tụ miền Kinh đô/Cây nêu xanh dáng đợi chờ/Gió mây bầu bạn bây giờ thêm xuân…”, là câu hát trong điệu chầu văn mở đầu “Hương xưa bánh tết”.
Sử cũ tương truyền, vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm người tài kế vị, đã cho vời các hoàng tử lại và truyền rằng sẽ truyền ngôi cho người nào cung tiến được món sản vật thể hiện lòng hiếu đạo để tiến cúng tiên vương. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng hai loại bánh chưng, bánh dày với biểu tượng trời tròn đất vuông được chế biến từ gạo nếp. Kể từ đó, bánh chưng đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Mỗi khi Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ cúng gia tiên của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét.
Đoàn rước dâng bánh chưng tiến vào Thế Miếu. Ảnh: Bảo Minh
Vào thời Nguyễn, Tết trong Hoàng cung Huế được tổ chức rất long trọng. Từ lễ Ban sóc trong ngày đầu tiên của tháng Chạp, đến lễ Hạ tiêu trong ngày mồng Bảy tháng Giêng. Trong không gian tràn ngập sắc xuân của “Hương xưa bánh tết”, nếp xưa tết cũ quyện đặc theo làn khói vờn quanh bếp củi và nồi luộc bánh chưng ùng ục sôi. Những chiếc bánh đẹp nhất được chọn tiến dâng các vị hoàng đế thờ trong Thế Miếu. Số bánh chưng, bánh tét còn lại được dành tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn và các trẻ em ở trung tâm nuôi dạy trẻ.
Đồng Văn