Nhà từ đường Thái tộc trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa
Không gian Huế xưa
Nằm bên dòng Hương thơ mộng, ngôi nhà từ đường của gia đình GS. TS. Thái Kim Lan (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) mang đến cho mọi người cảm giác bình yên, nhẹ nhàng mỗi khi ghé thăm. Cổ kính với kiến trúc nhà rường, xanh mướt với cỏ cây hoa lá, đây là địa chỉ cho những ai muốn tìm về không gian Huế xưa.
Bước qua cánh cổng gỗ bạc màu thời gian là một không gian xưa cũ, khác hẳn với phố thị náo nhiệt bên ngoài. Mặt trước nhìn ra sông Hương, đây là nơi tập hợp hệ thống kiến trúc, cảnh quan sắp xếp theo phong thủy. Những ngôi nhà rường cổ 3 gian 2 chái nối tiếp nhau, những món đồ nội thất: sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối… là hiện thân của một quá khứ vàng son. Huế xưa theo cách rất mộc mà tinh tế.
Đến thăm nơi này, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt cảm xúc: “Thật an yên khi trở về thăm khu vườn nhà cổ của chị Thái Kim Lan. Những ngôi nhà rường tường cổ rêu phong, những kỷ vật trăm năm lưu dấu được bao phủ bởi màu xanh của cỏ cây, hương sen tỏa ngát khắp nhà… Một Huế xưa thật là xưa với chén chè hạt sen ngọt thanh, những chiếc bánh chay tinh tế. Đến rồi, tôi chẳng muốn về…”.
Bộ sưu tập đồ gốm của GS. TS. Thái Kim Lan
Trong không gian tuyệt vời ấy, những người yêu văn hóa Huế đã từng được tham dự các chương trình âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy; những buổi triển lãm áo dài hay giao lưu thơ ca… Không có diễn giả thuyết giảng, đây là những chương trình đậm chất giao lưu, tất cả mọi người đều có thể trao đổi ý kiến, thể hiện quan điểm. Hoặc, những ai yêu âm nhạc đều có thể cất lên tiếng hát ở không gian này.
Trở về từ Đức sau bao năm, để tạo dựng lại không gian này, GS. TS. Thái Kim Lan đã mất vài năm dọn dẹp, cải tạo. Bà bền bỉ nhặt từng viên ngói, từng cái nan gỗ, từng chiếc vò đất nung bị mẻ rồi trân trọng sắp xếp những món đồ này một cách ngăn nắp và thẩm mỹ. GS. TS. Thái Kim Lan chia sẻ: “Tôi tạo dựng không gian này trước hết là vì mục đích văn hóa, để người ta đến và cảm nhận được một phần của Huế, của đời sống gia đình xứ Huế ngày xưa, cả về không gian sinh hoạt cũng như không gian sáng tạo nghệ thuật”.
Cách GS. TS. Thái Kim Lan tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật ở đây là mô hình của Tây phương với những cuộc trò chuyện sống động, với những câu chuyện văn hóa về áo dài, âm nhạc, thi ca… Nhóm Đông Kinh cổ nhạc ở Hà Nội, nhóm Du ca từ TP. Hồ Chí Minh từng đến thăm và biểu diễn tại không gian này. Họ rất thích và hẹn tụ họp tổ chức chương trình âm nhạc sông Hương gặp sông Hồng và sông Cửu Long khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát.
Sẽ thành lập bảo tàng tư nhân
Ngoài những buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật, ngôi nhà từ đường của gia đình GS. TS. Thái Kim Lan còn gây bất ngờ với hơn 5.000 hiện vật gốm cổ được bà sưu tầm trong suốt hơn 30 năm qua. Những chiếc chum, chiếc vại, chiếc lu từ thời Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt được trục vớt từ lòng sông Hương là hiện thân của văn hóa, lịch sử.
Theo GS. TS. Thái Kim Lan, hàng nghìn hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất này.
GS. TS. Thái Kim Lan cùng anh trai mình là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá đã bén duyên với đồ gốm sông Hương từ năm 1984. Hơn 30 năm qua, họ đã sưu tầm được hàng ngàn hiện vật quý trong hàng vạn món đồ được trục vớt từ lòng sông.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Sưu tập gốm sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS. TS. Thái Kim Lan không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, đầy đủ các loại hiện vật sành, gốm, bán sứ, sứ, tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này, khiến nó càng thêm phong phú và quý giá”.
Điều đáng quý là hiện nay GS. TS. Thái Kim Lan đang bền bỉ nỗ lực biến giấc mơ của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và họa sĩ Thái Nguyên Bá trở thành hiện thực: thành lập một bảo tàng về gốm sông Hương. Sưu tập hiện vật đã được kiểm kê, phân loại, cơ sở trưng bày tại khu từ đường họ Thái rộng rãi và rất phù hợp vì nằm sát bên dòng sông Hương.
“Ngoài Bảo tàng gốm sông Hương, tôi dự tính sẽ xây dựng thêm không gian triển lãm áo dài và nhà hát thính phòng nếu xin lại được đất ngày xưa, biến nơi đây trở thành khu văn hóa dành cho cộng đồng. Nhất là ước vọng để những người trẻ có thể thấy những giá trị di sản người xưa để lại, từ đó có lòng ham thích học hỏi, nghiên cứu về di sản Huế. Nếu trở thành bảo tàng, đây cũng là nơi tái tạo, trao truyền văn hóa chứ không chỉ là nơi đến xem trưng bày”, GS. TS. Thái Kim Lan bộc bạch.
Bài, ảnh: MINH HIỀN