Mỗi hiện vật vớt lên từ sông Hương với GS.TS. Thái Kim Lan là một văn hoá, lịch sử mà ngàn xưa để lại
“Hàng ngàn hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hoá, lịch sử vùng đất này”. GS.TS. Triết học Thái Kim Lan, chủ nhân của hàng ngàn hiện vật được vớt lên từ lòng sông Hương chia sẻ.
Ngàn năm dưới đáy sông sâu
Hẹn gặp chúng tôi ở từ đường họ Thái nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (P. Hương Long, TP. Huế), GS.TS. Thái Kim Lan tất bật chuẩn bị sắp xếp những hiện vật đã cất công sưu tập mấy chục năm qua. Bước qua cánh cổng rêu phong cổ kính, khoảnh sân rộng được bà chưng rất nhiều lu gốm khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ.
Bộ sưu tập đồ sộ khoảng 7.000 hiện vật được vớt lên từ sông Hương được GS.TS. Thái Kim Lan sưu tập trong suốt ba thập kỷ
Qua khỏi từ đường, một không gian rộng lớn ở phía sau ngập tràn hiện vật trục vớt từ lòng sông Hương, như nồi, hũ, chén, bình, đĩa, vò, chum… Mỗi hiện vật mang một hoa văn đặc trưng, được gia chủ xếp hàng hàng, lớp lớp theo từng giá tủ, khiến người nhìn choáng ngợp. Bà bảo, đây là nơi sẽ thiết lập không gian của Bảo tàng sông Hương.
30 năm về trước, trong một lần cùng anh trai là cố hoạ sĩ Thái Nguyên Bá đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo, bà nhìn thấy nhiều người xếp bán những cái hũ, cái bình bằng gốm, sành sứ trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương – nơi gắn liền tuổi thơ của hai anh em. Cầm từng món đồ lên xem, ngay lập tức cả hai bị hớp hồn.
“Tôi quá bất ngờ và bị mê hoặc. Không ngờ sông Hương có nhiều hiện vật với rất nhiều giai đoạn lịch sử. Niềm đam mê cổ vật sông Hương của tôi bắt đầu từ đó”, bà Lan nhớ lại. Cứ thế, những hiện vật được bà cùng anh trai mua khi thì ở vỉa hè, khi thì của những tay thợ chuyên lặn ở sông Hương, khi thì của những nhà sưu tập… Đến nay, bà sở hữu hơn 7.000 hiện vật.
30 năm sưu tập, bà nói chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế. Tất cả được chứng minh khi những hiện vật có từ thời tiền, sơ sử cho đến giai đoạn Chăm Pa và văn hoá Đại Việt trở về sau.
TS Thái Kim Lan đinh ninh, mỗi hiện vật thường gắn với một giai đoạn và người sở hữu nên chắc chắn chúng có linh hồn. “Nó chất chứa nếp sống, cảm xúc và sự sáng tạo của con người. Tất cả hình thành nên một đời sống, tập thể trong xã hội vào thời điểm nhất định”, bà Lan lý giải và khẳng định nhờ đó đã tạo nên sự riêng biệt với những nền văn hoá khác trên thế giới.
Đến đây, nghe sông Hương kể chuyện
Gần ba thập kỷ với đam mê cổ vật vớt lên từ sông Hương, nhưng việc bắt tay để xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa chỉ mới được thực hiện gần 3 năm trở lại đây. Bà quyết định đặt bảo tàng ngay tại từ đường tổ tiên, biến nơi này trở thành không gian văn hoá kể câu chuyện về sông Hương. Vị trí ngôi nhà vô cùng phù hợp - có dòng sông Hương thơ mộng chảy qua.
“Mọi người sẽ được ngắm sông Hương trước, rồi khi vào bên trong, xem những hiện vật được vớt lên từ chính lòng sông ấy, họ sẽ hiểu và trân quý văn hoá, lịch sử mà ngàn xưa để lại – bà Lan mường tượng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lan thi thoảng tỏ ra tiếc nuối bởi những người thân quen như cố hoạ sĩ Thái Nguyên Bá hay nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, một đời đam mê nhưng ước nguyện xây dựng Bảo tàng sông Hương vẫn chưa thành hiện thực. Tất cả những nỗ lực mà bà đang thực hiện như một cách hiện thực hoá giấc mơ dang dở của thế hệ đi trước.
Và trong hành trình đó, ngoài những hiện vật mà người anh trai để lại, bà kể mình may mắn có được cơ duyên sở hữu rất nhiều hiện vật khác từ gia đình cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan để lại. “Tôi tin chắc, với những hiện vật có đến thời điểm này, có một câu chuyện thứ hai về di sản sông Hương sẽ được tái hiện một cách sinh động. Đó là cách mình đáp trả ân tình với con sông và trao truyền tình yêu văn hoá di sản Huế, văn hoá sông Hương cho các thế hệ”, bà Lan trải lòng.
Để hình thành được một bảo tàng là chuyện không hề đơn giản, trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó việc phân loại và hệ thống hoá khối di sản, hiện vật cần rất nhiều thời gian, phải có sự đánh giá khoa học, tỉ mỉ và chính xác. TS. Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hoá, Đại học Văn hoá Hà Nội) – người đảm nhận phần việc quan trọng này bảo rằng, dù mất nhiều thời gian nhưng với số lượng hiện vật “khổng lồ” mà GS.TS. Thái Kim Lan đang sở hữu để tạo dựng Bảo tàng sông Hương không gặp nhiều khó khăn.
Lý giải về điều đó, TS. Anh Thư cho rằng, tất cả các hiện vật đã thể hiện rất rõ nét, việc bây giờ cần làm đó là chọn lọc và trưng bày những hiện vật tiêu biểu trong số đó để người thưởng lãm có thể hình dung theo từng giai đoạn của dòng chảy sông Hương.
“Bên cạnh không gian đường gốm từ cổng dẫn vào vườn, bên trong không gian chính sẽ được trưng bày, chia theo 4 nhóm hiện vật: Tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, gốm nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc…). Tôi nghĩ với cách trưng bày như thế, cơ bản phản ánh đúng, khớp với dòng chảy lịch sử vùng đất Cố đô Huế”, TS. Anh Thư hy vọng. Vị chuyên gia này nói rằng, trong bộ sưu tập đó, rất ấn tượng với những đồ gốm nước ngoài được vớt lên từ sông Hương. Điều đó cho thấy sự giao thương rất mạnh và nhu cầu dùng gốm nhập khẩu đối với giới quý tộc Huế rất lớn.
GS.TS Thái Kim Lan và TS. Nguyễn Anh Thư đang lên kế hoạch viết một cuốn catalogue với nhiều ngôn ngữ khác nhau để giới thiệu, quảng bá những hiện vật của Bảo tàng sông Hương. Trong tương lai, dựa trên nền tảng trưng bày sẵn có, nếu được sẽ tính tới câu chuyện số hoá, bảo tàng ảo.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, ông biết rất nhiều người tâm huyết với nghiên cứu cổ vật được vớt lên từ lòng sông Hương, trong đó có GS.TS. Thái Kim Lan. Khi hay tin bà xây dựng Bảo tàng sông Hương, ông rất ủng hộ và mong khi mở cửa sẽ tạo nên một địa chỉ văn hóa, một nơi chốn đi về rất riêng của Huế. “Tôi tin, rồi đây cùng với hệ thống các bảo tàng khác, Bảo tàng sông Hương của bà Thái Kim Lan sẽ là điểm dừng chân sống động. Trong quá trình đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tàng này trở thành một điểm đến hấp dẫn, một địa chỉ quảng bá Huế đến với công chúng gần xa”, ông Thọ chia sẻ.
Bảo tàng mang tên dòng sông Hương đang được vị nữ giáo sư và cộng sự gấp rút hoàn tất trong năm 2021. Không gian này sẽ trở thành một điểm dừng chân dành cho những ai yêu di sản Huế lẫn “văn hoá sông Hương”!
Ý tưởng hay, khả thi
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nói rằng, ý tưởng thành lập Bảo tàng sông Hương của GS.TS. Thái Kim Lan hoàn toàn khả thi và có một hiệu ứng tích cực đối với xã hội.
“Ngoài bộ sưu tập cổ vật gốm sứ từ lòng sông Hương, chị Lan còn sở hữu bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ gỗ, bộ sưu tập đồ vải giá trị. Nếu khai thác được toàn bộ thế mạnh thì nơi đây có thể là một bảo tàng độc đáo của một dòng sông, vừa là bảo tàng văn hóa phong phú đồ sộ của một gia tộc trâm anh bề thế của xứ Huế”, ông Dũng khẳng định.
Bài, ảnh: Phan Thành