ClockThứ Bảy, 08/07/2023 10:27

“Lấp lánh” nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

TTH - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa qua đời ngày 6/7/2023, hưởng thọ 75 tuổi. Tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời khiến bao người quen, yêu thơ bà đều cảm thấy bàng hoàng khi phải tiễn biệt một nữ thi sĩ tài hoa, hồn hậu, đẹp người đẹp nết; một gương mặt thơ Việt Nam hiện đại tạo được nhiều ấn tượng khó phai mờ. Thi ca Việt Nam từ nay vắng bóng của một người thơ đầy nữ tính và suy tưởng, tha thiết với Tổ quốc và tình yêu...

Vĩnh biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ DạNhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời

leftcenterrightdel
 Các tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được nhiều thế hệ yêu thích. Ảnh: Liên hiệp các hội VHNT tỉnh

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Mẹ của bà là người vùng An Cựu - Huế. Bà có một tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, và đó là căn nguyên bà làm thơ từ nhỏ. Lên 8 tuổi, Mỹ Dạ đã có gia tài thơ gần 40 bài, tiếc là do chiến tranh nên thất lạc. Ký ức của những năm chiến tranh thường in hằn sâu sắc trong bà. Bà kể năm 1972, một nữ thanh niên xung phong về thăm nhà thì nền nhà thân yêu của cô ấy chỉ còn lại là một hố bom sâu hoắm. Một quả bom tấn tàn bạo đã rơi xuống mái tranh nghèo ngay trong bữa cơm gia đình của cô nơi thôn vắng. Tất cả những gì thân yêu nhất, máu thịt nhất đã bị kẻ thù xóa sạch, nỗi đau cùng cực khiến cô không chịu nổi và quyết định khoác ba lô trở lại chiến trường. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Bài thơ sau đó được trao giải Nhất báo Văn Nghệ năm 1972-1973, đánh dấu bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà cùng chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sống và sáng tác ở Huế một thời gian dài. Bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV. Nhà thơ  từng tham gia Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương, tham gia Ban Chấp hành Hội VHNT Bình Trị Thiên, Thừa Thiên Huế từ 1994 đến 2005. Ngoài giải thưởng báo Văn nghệ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn được trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1981-1983 cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”, giải A thơ 1999 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ “Đề tặng một giấc mơ”, Giải thưởng Văn học Cố Đô – Giải A Thơ (1998-2003) với tập thơ “Hồn đầy hoa cúc dại”. Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983) và “Đề tặng một giấc mơ” (1988). Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Hoa Kỳ. Một số bài thơ của bà được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là người hết sức quan tâm đến đề tài thiếu nhi. Bà lần lượt xuất bản các tác phẩm truyện thiếu nhi: “Danh ca của đất” (1984), “Nai con và dòng suối” (1989), “Nhạc sĩ Phượng Hoàng” (1989) và Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi” (2006).

Từ ngày chăm sóc chồng, bà không có điều kiện đi thực tế sáng tác, bà biết mình không có điều kiện theo đuổi thi ca được nữa và đã buông cờ trắng, trong bài “Lá cờ trắng”, bà viết: “Tôi-sa mạc-trước thơ”. Đó là sự bế tắc buộc bà phải tìm cho mình một hướng đi khác để tồn tại với văn học nghệ thuật. Thật tình cờ, một sáng mùa thu nắng vàng tươi tỏa sáng, chợt nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà bỗng hát to một câu hát vừa bất chợt đến: “Một sớm mùa thu lòng nhớ người xa...”. Rồi cảm xúc tuôn trào, bà hát một mạch. Thế là ca khúc “Niệm khúc nhớ người” hoàn thành trong buổi sáng đó. Từ đó nhà thơ bắt đầu viết nhạc. Có những ca khúc nhiều người rất thích như “Ru Tây Nguyên”, “Tôi nhớ làng tôi”... Đợt giao lưu âm nhạc ba thành phố kết nghĩa Huế - TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội tại Nhà văn hóa TP. Huế, ca khúc “Niệm khúc nhớ người” đã được ca sĩ trẻ Đông Nghi thể hiện rất thành công trên nền nhạc phối khí của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Chuyên mục “Người của công chúng” của Đài Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV1) đã dành hẳn một chương trình giới thiệu một số nhạc phẩm của bà, trong đó có ca khúc “Tôi nhớ làng tôi” do NSND Quang Thọ trình diễn,... Bà đã từng có ý định sẽ làm một CD cho những ca khúc của mình.

Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết: “Không thể lấy một bài thơ nào làm chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự “lấp lánh” riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Sự đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ”.

KHÁNH CHU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế

Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng. Không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng. Ngoài phát huy hai bộ sưu tập của họa sư Lê Bá Đảng và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng sau khi được thành lập đó là hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật.

Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế
Return to top