|
Du khách thích thú trải nghiệm xích lô khi du lịch ở Huế. Ảnh: Bảo Phước |
Và rồi, một dòng chảy cứ lấn lướt trong đầu, rằng Budapest và Huế sao có nhiều điều trùng hợp đến thế. Budapest là thủ đô của Hungary, còn Huế là Cố đô của Việt Nam. Tôi được biết, ngày xa xưa, cây cầu Széchenyi đã là nhịp cầu nối hai thành phố Buda và Pest lại với nhau. Bờ bắc là Buda cổ kính, bờ nam là Pest thật hiện đại. Buda và Pest đã tạo nên thành phố Budapest đẹp như một câu chuyện cổ tích. Và cũng như vậy, với Huế, bờ bắc Trường Tiền, là Đại Nội thật cổ kính với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Tả Vu, Hữu Vu, với điện Cần Chánh, Thái Bình lâu, cung Diên Thọ… và phía ngoài Hoàng thành là những ngôi nhà khiêm nhường, những con đường nhỏ bé, nép mình bên những bức tường thành, tránh xa sự ồn ã nơi phố thị, hòa vào nhịp sống lặng lẽ trầm mặc với thời gian, nhiều lúc ngỡ tưởng như đang muốn níu kéo, đang hoài niệm với những năm tháng xa xưa...
Tôi dừng lại trên cầu rất lâu, để ngắm thành phố Budapest, ngắm dòng sông Đa-nuyp, lắng nghe giai điệu piano trầm bổng của bản nhạc “Blue Danube” văng vẳng vọng tới và mơ đến một ngày nào đó những công trình đang hoang phế như Đại Cung Môn và một số công trình khác sẽ được phục hồi như điện Kiến Trung. Được biết để trùng tu điện Kiến Trung không phải chỉ có tiền là được mà việc khảo sát và tìm các chứng cứ, tư liệu về ngôi điện này cũng như lên kế hoạch dựng lại đã tốn thời gian hơn 10 năm. Mất 10 năm và bao công sức để có được điện Cần Chánh như ngày hôm nay cũng đã là thỏa lòng mong ước.
So sánh giữa Budapest và Huế có phần khập khiễng, nhưng đều biết rằng Budapest là hòn ngọc của châu Âu thì Huế là thành phố đẹp như mơ của đất nước Việt Nam.
Lần này trở lại Huế trong lòng lại rộn lên một niềm vui khôn tả. Đang thả bộ trên phố gặp được những khuôn mặt đầy biểu cảm lộ nét hân hoan, những đôi mắt long lanh, má ửng hồng của các cô gái ngồi trên những chiếc xe tải đầy ắp giường tủ quần áo. Tôi biết rằng, những khuôn mặt ấy, đôi mắt long lanh ấy chính là biểu tượng của một cuộc di dân lịch sử mà trải qua hàng trăm năm nay mới thực hiện được. Đúng là một cuộc di dân lịch sử bởi giờ đây hàng ngàn con người sống trong những xóm nghèo cheo leo, nương nhờ vào di tích Kinh thành Huế đã trở thành ký ức. Cuộc sống của họ đang bước sang một trang mới, tươi sáng hơn. Và, Cố đô Huế cũng đang bước vào một thiên niên kỷ mới.
Ngay lúc này lại nghĩ đến Thuận An, nơi mà năm nào tôi cũng được đắm mình trong những con sóng bạc đầu của biển cả. Biết đâu Thuận An cũng sẽ là một quận của thành phố Huế? Lẽ nào cảm nhận trước được điều này mà bãi biển Thuận An cũng bắt đầu đổi thay. Con đường bê tông láng bóng màu xi chảy dài hút tầm mắt đã xuất hiện từ bao giờ.
Con đường như dải lụa phân cách những dãy nhà kiểu bungalow với thảm cát chạy dọc theo bờ biển. Những ngôi nhà một tầng, hai tầng có vườn hoa bao quanh mà chủ nhân của nó đều là người nơi khác đến lập nghiệp. Họ xây nhà cho khách du lịch đến thuê, chả thế mà nơi đây lúc nào cũng sôi động với mọi ngôn ngữ, mọi màu da và chính tôi cũng đã thuê nhà ở đó để tắm biển.
Cũng con đường như Thuận An nhưng đôi chỗ người ta nối nó với các cầu cảng vươn ra biển khoảng trăm mét. Cuối cầu cảng là một quán Café và có rất nhiều cần câu cá. Cá câu được mang về nhà thoải mái.
Được tắm biển cả hai nơi mới thấy, biển Thuận An có bãi cát vàng hơn hẳn màu cát xám của New - Port - Beach, nước cũng trong xanh hơn, chỉ còn thiếu những ngôi nhà cho khách du lịch thuê. Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có những dãy nhà kiểu Bungalow mọc lên bên mép con đường bê tông đang hiện diện. Và tất nhiên rồi, tôi mơ bãi biển Thuận An một ngày nào đó sẽ là một New Port Beach. Tại sao không nhỉ?
Mơ. Tôi lại mơ, bởi Huế thương còn biết bao nơi để ta phải nặng lòng với Huế, nào nước khoáng Thanh Tân, nào là những khu du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Tôi cũng đã bốn lần đến nơi đây, lúc thì ở đầm Chuồn, lúc Chợ nổi ở làng chài Thái Dương Hạ, lúc lại đi dạo trên những con đường uốn lượn xuyên qua khu rừng ngập mặn Rú Chá với vẻ đẹp ma mị, hoang sơ và bí ẩn của nó. Những lúc bơi thuyền cùng SUP hoặc trên những thuyền máy lại cứ lăn tăn, tại sao quá ít gặp những đoàn khách “Tây” đến nơi này. Lẽ nào vì những tour du lịch trên phá còn quá đơn sơ và nghèo nàn? Có lẽ vậy. Nhưng giờ lại mơ, lại tin, phá Tam Giang không chỉ đẹp khi hoàng hôn về như nhiều người đã được chiêm ngưỡng mà cũng sẽ thật đẹp, bừng sáng lên khi đón nhận ánh bình minh về.
Huế của ta sẽ như thế, Huế của ta đang chuyển mình và Huế sẽ cất cánh bay lên cùng Rồng của năm Giáp Thìn và những năm tới. Hy vọng cứ lấp lánh, lấp lánh!