Tình yêu nghề trong ông Dung chưa bao giờ vơi.
Bên hông ngôi nhà nhuốm màu thời gian ở đường Phú Mộng (phường Kim Long, TP. Huế) là xưởng mộc nhỏ của gia đình. Kể về nghề, ông Nguyễn Văn Dung giảng giải: Nghề mộc xưa được phân ra nhiều loại khác nhau. Thợ đóng đồ gia dụng thông thường được thì gọi là thợ mớp. Thợ chuyên đóng các loại án, tủ thờ, trường kỷ, đoản kỷ với kỹ thuật cao hơn được gọi là thợ tuồng đâu. Thợ nhà rường thì chuyên về làm nhà rường.
Theo cắt nghĩa của ông Dung, “đâu” là đóng, còn “tuồng” nghĩa là gì thì ông cũng không rõ, chỉ nghe các cụ từ xưa đã gọi như vậy. Điểm khác biệt lớn nhất của nghề tuồng đâu so với đồ mộc hiện nay chính là nằm ở cách thức kết nối các bộ phận lại với nhau. Nếu như đồ mộc hiện đại thường chỉ dùng đinh vít hay mộng nối đơn giản thì mộc tuồng đâu lại kỳ công hơn rất nhiều với các loại mộng ráp khác nhau.
Hai loại mộng chủ yếu thợ tuồng đâu thường sử dụng là mộng vược (gài một lần) và mộng xương cá (gài hai lần)... Quan sát chiếc chân bàn được đục mộng kiểu xương cá, trong cùng lỗ mộng có 2 ngàm. Khi mộng khớp nhau thì các bộ phận liên kết chắc chắn, nếu chỉ dùng lực không thể tháo được, sản phẩm vừa có độ thẩm mỹ cao, vừa cực kỳ bền chắc. Các công đoạn làm mộng cũng rất phức tạp, chỉ cần đo đạc không chính xác hay làm không kỹ đều thất bại. Tuy trên thị trường hiện nay có nhiều máy móc hỗ trợ nhưng đối với nghề mộc tuồng đâu, chỉ có thể dùng máy liên hợp để cưa, bào riêng về phần mộng, hoàn toàn làm thủ công.
Ngoài ra, đồ mộc tuồng đâu còn rất cầu kỳ ở các chi tiết phụ khác, ví dụ như chân bàn thường phải đục theo kiểu chân nai chứ không vuông thành, xổ thẳng như thông thường.
Thổi hồn cho tác phẩm.
Tuồng đâu mới chỉ là bước khởi đầu, bởi mỗi sản phẩm đều phải chạm khắc nên phải kết hợp với kỹ thuật tuồng chạm mới tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh mang lại hồn xưa, nét cũ. Chi tiết được chạm vào đồ gỗ cũng rất đa dạng, tùy theo gia thế, địa vị của người dùng mà có thể để trơn hay chạm khắc tứ linh, tứ bình, mai lan cúc trúc…
Thấy tôi có vẻ mơ hồ, ông Dung lấy một chiếc chân bàn đang làm dở để thị phạm, từng đường nét thon gọn được ông khắc lên chạy nổi, uốn nhẹ theo dọc chân bàn tạo sự mềm mại. Bàn tay gân guốc mấy mươi năm trong nghề khẽ run lên giữa tiết trời chớm xuân nhưng vẫn uyển chuyển, tỷ mẩn khắc họa những đường nét tinh xảo, ánh mắt chú tâm vào tác phẩm tựa như quên hết mọi thứ đang diễn ra chung quanh. Tôi nín lặng dõi theo trong hồi hộp, sợ vô tình cắt đứt cảm hứng sáng tạo của người nghệ nhân già. Khi nét chạm trổ cuối cùng hoàn thành, ông vươn vai thả chiếc đục, tay quệt trán lấm tấm mồ hôi.
Chỉ vào bài vị vừa hoàn thành hôm trước, ông Dung cho biết tuy kích thước không lớn nhưng đây lại là sản phẩm tốn khá nhiều công sức bởi độ phức tạp, tinh xảo. Không như trường kỷ hay tủ thờ, chi tiết chạm trổ của bài vị đều rất nhỏ và cầu kỳ, mật độ phân bố lại hẹp nên khá khó thao tác. Mỗi sản phẩm như vậy ông thường mất hơn 5 ngày để hoàn thành.
Chính vì tính phức tạp, yêu cầu sự tinh xảo, độ chính xác cao của sản phẩm nên gia đình ông Dung chỉ tập trung sản xuất các dòng sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao như trường kỷ, đoản kỷ, tủ thờ, ngai, án thờ…
Gia đình ông Nguyễn Văn Dung hiện chỉ sản xuất trường kỷ, đoản kỷ, tủ thờ...
Từ kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề mộc tuồng đâu, theo ông Dung, học nghề này không khó nhưng sự tỉ mỉ và tập trung cao độ chính là điều kiện tiên quyết nếu ai muốn gắn bó lâu dài với nghề. Nếu chăm chỉ, có khiếu, mất khoảng 3 năm là thành nghề, nhưng để vững nghề cần cả một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, thực hành thật nhiều, tay nghề mới đạt đến độ tinh xảo.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, con trai cả của ông Dung và là thế hệ kế nghiệp thứ ba chia sẻ, ngày xưa hầu hết đồ gỗ của các gia đình đều đóng kiểu tuồng đâu nên thợ làm nghề không lo thiếu việc. Trước năm 1990, nghề tuồng đâu vẫn còn hưng thịnh. Không chỉ khách hàng địa phương, có lúc anh còn nhận được nhiều đơn hàng từ Nam ra Bắc giá trị đến vài trăm triệu đồng. Khách đặt hàng để xuất khẩu sang Lào, châu Âu với bàn ghế kiểu Louis Pháp, tủ thờ... Chủ hàng còn săn đón mời anh qua Lào làm việc. Thời hoàng kim, trong xưởng luôn có hàng chục học trò theo học, người vào ra tấp nập.
Những năm trở lại đây, tuy không còn đắt khách như xưa nhưng vẫn còn nhiều khách hàng hoài cổ tìm đến gia đình anh, chủ yếu là các phủ thờ, niệm phật đường, đình làng... đặt làm các bàn thờ, án thờ kiểu truyền thống; những người chuyên buôn đồ gỗ xưa muốn phục chế những bộ trường kỷ, tủ thờ quý. Ngoài ra vẫn còn những vị khách thật sự yêu mến hồn xưa nét cũ và sẵn sàng chi khoản tiền lớn để có được món đồ ưng ý.
Ra cửa và ngoái lại, tôi thấy cha con ông Dung lại cặm cụi trước hiên nhà, tiếp tục miệt mài bên những thanh gỗ thô mộc trong bóng chiều đang chầm chậm trôi.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, tinh hoa nghề mộc xứ Huế được thể hiện ở hai khía cạnh nổi bật: dù qui mô khiêm tốn, mảnh mai nhưng kiến trúc nhà rường xứ Huế được tạo dựng trên một kết cấu mộng đa dạng, phong phú, hữu hiệu. Trên nền kiến trúc nhà rường hay đồ mộc (từ đồ tự khí cho đến đồ gia dụng) lại được các nghệ nhân chạm khắc gỗ thể hiện rất sắc sảo, tinh tế đến sống động nhiều mô típ trang trí có tính biểu tượng cao, thể hiện rõ nét thế giới quan, nhân sinh quan truyền thống Huế. Đồ mộc Huế thường có cấu tạo cầu kỳ để thể hiện cái riêng của chủ nhân, gắn liền với danh phận và đẳng cấp của họ. |
Bài: Minh Nguyên
Ảnh: Khánh Nhật