ClockThứ Tư, 31/01/2024 07:51

Người rong chơi qua miền di sản

TTH - Những công trình kiến trúc di sản hay những danh thắng xứ Huế qua tài năng của họa sĩ trẻ đã khiến người xem cảm xúc, như được dạo chơi trong một chuyến du lịch. Ở đó không chỉ có địa danh mà còn có sự thăng hoa của tác giả với sắc màu độc đáo, mộng ảo.

Kết nối các điểm du lịch nông thôn tạo sản phẩm du lịchGửi gắm hiện vật quý cho bảo tàngRa mắt Website Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

 Họa sĩ Lê Hữu Long bên tác phẩm của chính mình

Dù đã góp mặt ở rất nhiều triển lãm chung, riêng ở mọi miền cả nước, nhưng những ngày đầu năm mới 2024, họa sĩ Lê Hữu Long (36 tuổi, TP. Huế) mới làm triển lãm cá nhân ngay tại quê hương với cái tên “Vọng Huế”, gửi gắm về chủ đề văn hóa, di sản.

Ở đó, người xem sẽ không khỏi trầm trồ khi được bắt gặp những công trình kiến trúc, di sản như lăng Tự Đức, Đại Nội, cung An Định, những tượng đá hay những cảnh sắc ngay chính bên trong những không gian ấy. Qua góc nhìn riêng cùng tài năng của mình, Lê Hữu Long đã khắc họa từng chi tiết với những mảng màu trầm tích nhưng đầy sang trọng, quý phái. Long không chỉ lột tả được sự uy nghiêm, tráng lệ của một công trình kiến trúc đồ sộ, mà còn cho thấy được sự điêu luyện trong góc nhìn và phối màu của chính mình. Để rồi từ đó, những tác phẩm ấy luôn níu chân người thưởng lãm.

Cảm xúc, đó là điều ẩn sâu bên trong Long khi thực hiện loạt tranh về di sản. Long bảo, lớn lên ở Huế, tìm hiểu thực địa và đọc tài liệu về các công trình di sản mới hiểu và yêu giá trị văn hóa lịch sử ở mảnh đất mình sinh ra và theo đuổi niềm đam mê hội họa. Hơn chục năm theo đuổi nghề vẽ, có vô số tác phẩm ra đời, nhưng nuôi được một cuộc triển lãm về chủ đề di sản không phải một sớm một chiều.

Ở “Vọng Huế” lần này, Long như đưa người xem quay ngược thời gian, trở về những trầm lắng với nhiều chiều kích, không gian, thời gian khác nhau, vừa thật, vừa ảo mộng. Đó có thể là một Đại Nội uy nghiêm dưới bóng chiều, khi vệt nắng rọi vào làm nổi bật những rêu phong cổ kính. Rồi những góc nghiêng từ bên ngoài cung An Định – công trình có kiến trúc mềm mại vẫn còn giữ được cho đến ngày hôm nay. Và bên trong cung ấy là một không gian sang trọng như gạch nối thời gian với biết bao thăng trầm. Hay như những chú voi đá, ngựa đá ở một ngôi lăng vua nào đó không chỉ trang nghiêm mà có chút đượm buồn từ góc nhìn của người cầm cọ… Không thể không kể đến những cánh cổng quanh Kinh thành Huế, bình yên và vững chãi theo năm tháng. 

Tại sao phải “Vọng Huế”? Thật lòng như lời chàng họa sĩ trẻ này tâm sự: “Dù đối diện hàng ngày nhưng vọng còn là cách tri ân những bậc tiền nhân, những người đã có công để lại những công trình này cho hậu thế. Để hôm nay, mình được đắm chìm trong những cảm xúc ấy. Vọng còn là cách mình muốn nhắn gửi về những người đồng điệu với tình yêu di sản, yêu mảnh đất với bề dày trầm tích, lịch sử”.

Đứng trước loạt tranh di sản của Long, người ta như được có một chuyến “du lịch bỏ túi” của vùng đất Cố đô. Với những người yêu di sản, nhiều lần trải nghiệm thực tế sẽ không khỏi bất ngờ, bởi những công trình kiến trúc ấy qua tài năng của họa sĩ vô cùng cảm xúc nhưng cũng đầy điêu luyện trong cách thể hiện tác phẩm. Phần nhiều trong những tác phẩm ấy được Long vẽ bằng bay với bút pháp mạnh mẽ, dồn dập nhưng mềm mại làm sao. Sẽ rất khó để nói chi tiết về điều đó nhưng nếu một lần thấy người họa sĩ trẻ này vẽ mới hiểu hết được cái gọi là cảm xúc để tạo nên một tác phẩm, như đã ngấm sâu vào trong cách nhìn để đưa lên toan.

"Vọng Huế" giữa gần 30 tác phẩm, một lần nữa mới thấy tình yêu của người họa sĩ trẻ với mảnh đất di sản mà Long nuôi mạch cảm xúc. Mọi người trầm trồ khen nhưng với Long đó cũng chỉ là cuộc chơi riêng với chính mình, với những người đồng điệu, chung cảm xúc về góc nhìn văn hóa di sản. Đó cũng là lý do khi lần đầu tiên Long bày biện cuộc triển lãm về chủ đề di sản, ngay chính trên quê hương. “Mình muốn được treo những tác phẩm ấy ngay tại Huế, ngay tại chính vùng đất đang sở hữu những công trình kiến trúc di sản ấy. Bởi chỉ có treo ở đây, Huế mới thật sự là Huế và ít ra với mình đó còn là cách tri ân vùng đất”, Long thật lòng.

Cứ như thế, Long không chỉ rong chơi theo cách của riêng mình, mà còn đưa nhiều người khác được dạo chơi trong miền di sản đầy hoài niệm, mộng mơ!

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top