ClockThứ Sáu, 16/06/2023 17:08

Phát triển di sản bền vững

TTH - Từ ngày 16 đến 18/6 sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể di tích cố đô Huế, 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Trước sự kiện quan trọng này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh”Gần 450 nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật “Di sản Cố đô, trao truyền & hội tụ”Khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ

leftcenterrightdel
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế 

Sau 30 năm Quần thể di tích cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản thế giới, hai di sản này đã được bảo tồn và phát huy giá trị như thế nào, thưa ông?

Các bạn cũng có thể thấy rõ, sau chiến tranh, nhiều khu vực trong Đại Nội hoang tàn, nhiều công trình biến mất, như: điện Cần Chánh, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung, vườn Thiệu Phương… Nhìn lại lịch sử, giai đoạn đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh nên quan điểm, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn hết sức hạn chế.

Bây giờ, không còn hình ảnh đổ nát, hoang tàn, cứu nguy khẩn cấp như trước đây chúng ta thường nói. Hơn 200 công trình lớn nhỏ đã được trùng tu, bảo tồn, cơ bản trả lại hình hài của Đại Nội, các lăng tẩm. Đây là may mắn, sự nỗ lực của nhiều thế hệ.

Giai đoạn đầu, chưa ai biết công tác trùng tu, phục dựng là gì, không có kinh nghiệm gì ngoài nhiệt huyết và phải tự mày mò nghiên cứu từ vật liệu, thiết kế phục dựng, kết cấu gỗ đến sưu tầm tư liệu sử sách còn lại qua bao cuộc chiến tranh, thiên tai, địch họa. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có được một đội ngũ theo đánh giá của giới chuyên môn là được tổ chức bài bản, hiệu quả, phù hợp với một đơn vị trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Di sản phi vật thể ngày càng được khẳng định giá trị thương hiệu. Từ khi Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lại hơn 70% kho tàng về Nhã nhạc. Nhà hát vừa nghiên cứu vừa trình diễn, hiện vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống tư liệu để nâng cao giá trị các bộ môn nghệ thuật cung đình, giới thiệu tinh hoa của đất nước với thế giới.

Để cứu nguy khẩn cấp cho di sản và đạt được thành tựu như ngày hôm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gặp không ít khó khăn và phải rất nỗ lực?

Để lượng hóa những nỗ lực thì rất nhiều. Qua 30 năm và hôm nay đạt được thành quả ấy là sự đóng góp của nhiều thế hệ với bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi, nước mắt. Ngay khi xây dựng hồ sơ di sản Quần thể di tích cố đô Huế trình UNESCO cũng chưa từng có tiền lệ, nhưng trung tâm quyết tâm làm với mong muốn, khao khát di tích được cứu vãn sau khi trở thành di sản thế giới.

Thời gian đầu, công tác trùng tu gặp muôn vàn khó khăn. Việc sưu tầm tư liệu sau chiến tranh còn rất ít, trong khi trùng tu là phải có tư liệu, nhất là tư liệu ảnh, phải sưu tầm từng bức ảnh, liên hệ với Bộ Ngoại giao, kết nối với các tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp. Bấy giờ, các mối quan hệ ngoại giao rất khó khăn chứ không tương đối thuận lợi như hiện nay. Trong khi nguyên tắc của trùng tu là phải đảm bảo yếu tố nguyên gốc. Tư liệu công trình còn lại rất ít, đòi hỏi phải kết hợp các phương pháp khác, như: đối chứng với những công trình cùng niên đại, phân tích lôgic…

Nguồn lực cho công tác trùng tu cũng là khó khăn. Một công trình di tích có tổng mức đầu tư lớn, nguồn lực không đủ, việc trùng tu phải kéo dài. Thời gian nghiên cứu cũng rất lâu, các thủ tục trùng tu phải tuân thủ theo quy trình. Công trình điện Cần Chánh chuẩn bị 20 năm, điện Kiến Trung cũng hơn 10 năm sưu tầm tư liệu, tính từ khi bắt đầu. 

Ngoài những khó khăn trên, hẳn trung tâm còn bị áp lực giữa việc bảo tồn và phát triển?

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là thách thức to lớn nhất đối với di sản Huế trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn. Đây cũng là vấn đề mà Ủy ban Di sản Thế giới đã nhiều lần khuyến cáo đối với di sản Huế. Sự quan tâm, tương tác của xã hội đối với di sản là bình thường, cần có những ý kiến đa chiều, khách quan. Người ta yêu quý di sản và sợ di sản bị xâm phạm mới quan tâm.

Thực tế, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới cũng tính các giải pháp làm sao vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị của di sản. Nội hàm của việc phát huy giá trị có sự phát triển bền vững. Kể cả UNESCO cũng rất nhân văn, bảo tồn không có nghĩa là không làm gì hết. Tất nhiên, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến di sản và bị ràng buộc bởi những quy định của Luật Di sản văn hóa.

Luật hiện chưa có quy định cụ thể cho việc phát huy giá trị di sản. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các “rào cản” để có hướng điều chỉnh các quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn, trên tinh thần bảo tồn nhưng phải phát huy được di sản nhằm đem lại hiệu quả. Trong nhiều diễn đàn góp ý, các di sản, di tích văn hóa cũng rất mong có những quy định thuận lợi, xác thực với tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Di sản Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để phát triển bền vững, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân còn có đóng góp của cộng đồng quốc tế. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Di sản Huế nhận được rất nhiều sự trợ giúp, quan tâm quý báu. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ trên 10 triệu USD. Từ năm 1978, UNESCO đã cử KTS. Pierre Pichard đến Huế khảo sát. Sau khi về Paris, ông Pierre đệ trình lên UNESCO bản báo cáo nhan đề “Bảo tồn Di tích Huế”. Năm 1981, tại Hà Nội, ông Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã kêu gọi cứu vãn Huế và phát động một cuộc vận động quốc tế giúp di tu tôn tạo di tích Huế trở lại quỹ đạo ban đầu. Nhóm công tác Huế - UNESCO cùng nhau nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản để trình UNESCO và những đóng góp vô cùng ý nghĩa của một số chuyên gia quốc tế như kiến trúc sư người Ba Lan Kazik mất ở Huế khi đang giúp trùng tu Thế Miếu…

Nhờ vậy, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên các mặt công tác chính, như: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản. Đến nay, các di tích đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển.

Sau chặng đường 30 năm với nhiều thành tựu, hẳn trung tâm có nhiều dự định trong việc tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản?

Giai đoạn tiếp theo là hướng tới việc phát triển di sản bền vững, thổi được cái hồn, gia tăng giá trị về lịch sử văn hóa để khách tham quan cảm nhận được bằng trực quan giá trị tiềm tàng, câu chuyện đằng sau mỗi công trình, di sản. Bây giờ đã có thực thể công trình kiến trúc, chúng tôi chú trọng tôn tạo hệ thống hạ tầng cảnh quan gắn liền với công trình kiến trúc, phát huy giá trị bên trong di sản.

Hiện nay, trung tâm đang xây dựng Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định vai trò “hạt nhân” của Quần thể di tích trong quá trình phát triển đưa tỉnh trở thành đô thị di sản đặc thù.

Công tác lập quy hoạch lần này tập trung nhận diện, đánh giá đầy đủ những giá trị của Quần thể di tích cố đô Huế và hoàn thiện các hồ sơ, cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, tự động hóa trong quản lý di tích, tạo lập khung pháp lý chính sách nhằm thu hút các nguồn lực nói chung; lập quy hoạch nhằm bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, tạo lập, phục hồi không gian gắn với di sản để Quần thể di tích trở thành hạt nhân, động lực trong việc phát triển, hình thành đô thị di sản theo chiến lược định hướng của Trung ương và tỉnh…

Xin cảm ơn ông!

Cát An (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển trò chơi điện tử mang đậm bản sắc Việt Nam

Những năm gần đây, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống không chỉ là đề tài hấp dẫn các hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà còn là nguồn cảm hứng, gợi ý mới mẻ cho ngành công nghiệp video game (trò chơi điện tử) - một lĩnh vực mang lại nguồn thu giàu tiềm năng tại Việt Nam.

Phát triển trò chơi điện tử mang đậm bản sắc Việt Nam
Mở hướng khai thác khách lẻ, phát triển du lịch

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng đi du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Khách du lịch tự sắp xếp chuyến đi theo nhóm lẻ (không đi theo tour) ngày càng nhiều đòi hỏi những người làm du lịch, các doanh nghiệp cần mở hướng khai thác khách lẻ để phát triển du lịch.

Mở hướng khai thác khách lẻ, phát triển du lịch
Return to top