ClockChủ Nhật, 18/02/2018 11:36

Phục hiện bánh cung đình triều Nguyễn

TTH - Mỗi chiếc bánh là câu chuyện kể về một loại cây trái nổi tiếng của vùng đất Cố đô: sen hồ Tịnh, thanh trà Thủy Biều, quýt Hương Cần, hay quả vả riêng có ở xứ Huế… Kế hoạch phục hiện 47 loại bánh cung đình theo sử sách là tâm huyết và tình yêu văn hóa của chàng trai trẻ Nguyễn Phước Quý Thân (hậu duệ vua Minh Mạng), người sáng lập và cũng là Giám đốc Công ty Nguyễn Triều.

“Việt Nam có nền văn hóa ẩm thực lâu đời. Vì vậy sứ mệnh chúng tôi đề ra khi thành lập là mang sản phẩm văn hóa Việt quảng bá với bạn bè thế giới. Phục hiện các loại bánh cung đình cũng là cách để nhớ về tổ tiên và tri ân vùng đất nơi chôn rau cắt rốn”, Quý Thân chia sẻ về kế hoạch công việc đang thực hiện.

Mỗi chiếc bánh là một câu chuyện kể về một loại cây trái đặc thù xứ Huế

Mỗi chiếc bánh, một câu chuyện

Gần 150 năm là kinh đô của cả nước, Huế là nơi hội tụ tinh hoa và lưu giữ trong mình nhiều di sản lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, trong đó có di sản văn hóa ẩm thực cung đình. Những sản vật, kỳ hoa dị thảo, những giống cây trồng quý hiếm nhất trong cả nước được chuyển về vùng đất kinh sư. Huế, vì thế trở thành một bảo tàng lớn của cây trái bốn mùa và là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đặc biệt để làm nên các loại bánh thơm ngon, bổ dưỡng, vốn xưa chỉ được dùng ở chốn cung đình.

Mỗi chiếc bánh là câu chuyện kể về một loại cây trái đặc thù, là sản vật nổi tiếng miền Hương Ngự. Chẳng hạn khi ăn bánh thanh trà, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh rất đặc trưng của thanh trà Huế và “cảm” được vị ngọt của dòng Hương kết tinh trong chiếc bánh. Đó không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa, là truyền thống, là di sản ẩm thực cung đình Huế mà Quý Thân cùng những người bạn muốn kế thừa, gìn giữ và giới thiệu đến khách hàng.

Nuôi ý tưởng phục hiện bánh cung đình từ cách đây 5 năm, Quý Thân cùng những người bạn của mình trong công ty đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và tuyển chọn từ nguyên liệu đến công thức làm bánh để bánh cung đình phục hiện có thể đạt được độ ngon của bánh cung đình xưa. Những bạn trẻ này cũng đã tìm gặp mệ Dinh (sinh năm 1921) - người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn hiện còn sống tại phủ Kiên Thái Vương bên dòng sông An Cựu và nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, cháu nội của ông Hồ Văn Tá, vị đội trưởng Đội Thượng thiện dưới hai triều vua Khải Định và Bảo Đại, để hỏi về những kinh nghiệm và bí quyết làm bánh cung đình triều Nguyễn vốn đã thất truyền.

Sau một thời gian dài kiên trì thử nghiệm, Công ty Nguyễn Triều đã phục hiện thành công một số loại bánh cung đình. Dùng thử bánh sen Nguyễn Triều, mệ Dinh khen: “Rất ngon, rất giống với hương vị của bánh sen ngày xưa mệ thường dâng Thái hậu ngự dùng và tiếp đãi khách quý. Lâu lắm rồi mệ mới gặp lại hương vị thân thuộc ni…”.

“Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ẩm thực cung đình Huế, chúng tôi đã tìm tòi và phục hiện thành công các loại bánh. Sử dụng nguyên liệu địa phương và vẫn giữ cốt lõi của bánh cung đình xưa nhưng bánh cung đình Nguyễn Triều được cải tiến để bánh giữ được lâu hơn và phù hợp với thị hiếu người dùng hiện nay”, Quý Thân nói. Hiện bánh cung đình Nguyễn Triều đã có mặt tại chuỗi nhà hàng món Huế ở TP. Hồ Chí Minh, sân bay Đà Nẵng. Tại Huế, bánh cung đình Nguyễn Triều được bán tại Khách sạn Hoàng Đế, sân bay Phú Bài và tại Hiệu bánh Bảo Thạnh.

Bao bì sản phẩm được thiết kế công phu

Hồn văn hóa bên trong sản phẩm

Không chỉ chú trọng đến nguyên liệu và chất lượng của chiếc bánh, các thành viên của Công ty Nguyễn Triều còn dành nhiều công sức vào thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm bánh cung đình, bởi “đây là cái nhìn đầu tiên thu hút khách hàng nhưng nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa chú trọng. Chúng tôi muốn qua những hộp bánh, người tiêu dùng trong nước và thế giới hiểu thêm về nét văn hoá lịch sử của triều Nguyễn, vì thế mỗi họa tiết trên hộp bánh đều mang ý nghĩa. Để làm nên sản phẩm văn hóa đòi hỏi người sáng tạo nên sản phẩm đó phải yêu sản phẩm của mình tới độ có thể thả hồn vào đó và thể hiện được hồn văn hóa bên trong sản phẩm”, Quý Thân chia sẻ.

Nhìn vào những hộp bánh cung đình Nguyễn Triều, có thể nhận thấy nét văn hóa cung đình Huế được thể hiện một cách sang trọng và tinh tế. Ở đó có họa tiết, hoa văn tinh xảo trên long bào thể hiện sự uy nghiêm, quyền quý của giới qúy tộc hoàng gia xưa; có họa tiết quả phật thủ trên trang phục nhật bình công chúa triều Nguyễn thể hiện sự giàu có vinh hoa, phú quý và là hình ảnh tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, trường thọ,… Tất cả các họa tiết đều được kết hợp tinh tế, hài hòa.

Với những bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống này, bốn loại bánh cung đình là bánh sen, bánh thanh trà, bánh xoài và bánh dứa vừa được công ty phục hiện thành công mới chỉ là bước khởi đầu. Con đường phía trước hãy còn dài và các thành viên công ty Nguyễn Triều đang ấp ủ dự định tiếp tục phục hiện 47 loại bánh cung đình theo như sách sử ghi lại.

“Huế là kho báu nếu xác định điểm rơi. Một sản phẩm đặc sản địa phương tiêu thụ quốc tế thì kéo theo người nông dân và cả vùng trồng nguyên liệu sẽ được hưởng lợi, Quý Thân nói. Thuận lợi của mình là sinh ra lớn lên từ Huế, mang dòng máu Hoàng tộc và gia đình có nghề bánh lâu đời nên mình kết hợp cùng những người bạn trong ngành thực phẩm để đưa ẩm thực Huế đi xa hơn. Chúng tôi đang tiếp tục điều chỉnh để bánh cung đình Nguyễn Triều đẹp hơn về hình thức và có chất lượng ngon hơn nữa. Hy vọng trong tương lai không xa, bánh cung đình Nguyễn Triều sẽ được người tiêu dùng các nước chấp nhận”.

Bài: Ngọc Hà

Ảnh: Quý Thân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Điểm đến

Sáng Chủ nhật 30/6, ở khu cồn mồ Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế) ở mé trái chùa Thuyền Tôn đã diễn ra một nghi lễ cúng tạ lăng mộ.

Điểm đến
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top