Trong lúc văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn có vẻ giảm sút trước cơ chế thị trường, nhưng thành tựu mà các văn nghệ sĩ đạt được - qua Tặng thưởng lần này - chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó. Trong ảnh, một cuộc triển lãm mỹ thuật ở Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng. Ảnh: Phan Thành
Năm 2018, Hội đồng nghệ thuật đã bình chọn được 16 tác phẩm, công trình trên cơ sở kết quả bình chọn của 7 hội chuyên ngành gồm Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhiếp ảnh và Hội Văn nghệ dân gian để trao tặng thưởng chính thức.
Nhìn qua chất lượng và sự đa dạng của các thể loại, thể tài từ các công trình, tác phẩm đạt giải năm nay, các văn nghệ sĩ đã có bước tổng hợp và khẳng định mới về chủ đề, đề tài và có sự tích hợp mới về tư duy nghệ thuật để thể hiện thành thế giới ngôn từ, hình tượng đặc trưng riêng do từng loại hình nghệ thuật qui định. 16 tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và hiện thực đời sống, trong đó, ưu tiên cho hiện thực đời sống Thừa Thiên Huế với cái nhìn nhân văn, triết lý sâu sắc, lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề bức thiết trước mắt và hằng cửu của hiện sinh đời người.
Ở đây, vai trò và ý thức sáng tạo của từng chủ thể thẩm mỹ trong mối quan hệ với khách thể thẩm mỹ được cảm nhận và tư duy theo ý đồ riêng để thể hiện thành chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, có cá tính và phong cách đặc sắc, làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai có sự hội ngộ kỳ diệu từ những điểm nhấn và tâm thức của con người hiện đại. Điều đó chứng tỏ rằng VHNT Huế đã tiếp cận được tầm khám phá và đón đợi mới trong ý thức sáng tạo của từng văn nghệ sĩ và trong ý thức tiếp nhận của độc giả.
Hội âm nhạc năm nay có 2 tác phẩm đạt giải, đó là “Huế vàng son”, đĩa CD gồm 8 ca khúc do ca sĩ Phan Thu thể hiện bằng giọng ca nam trung pariton đặc trưng, thể hiện các cung bậc, giai điệu đầy cảm xúc về tình yêu, quê hương và đất nước. Tác phẩm thứ 2 là ca khúc “Bất chợt” của Lê Phùng, phổ thơ Hoàng Xuân Thảo.
Hội Sân khấu năm nay góp mặt vào giải thưởng 2 công trình có tầm vóc. Vở diễn “Trò đời nghiệt ngã” của Lê Tất Đính, NSƯT La Thanh Hùng đạo diễn, vỡ diễn đạt 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ biểu diễn. Bên cạnh đó, có 1 giải trao cho cá nhân nghệ sĩ La Thanh Hùng, đạo diễn xuất sắc hai vở diễn “Trò đời nghiệt ngã” như đã đề cập và “Đường đến Tuần lễ vàng”, kịch bản văn học của Nguyễn Phước Hải Trung.
Hội Nghệ sĩ múa năm nay tham gia và đạt 2 giải thưởng xuất sắc. Đó là công trình “Nghề xưa” (Âm nhạc: Thanh Hải, biên đạo: Ánh Hồng) và “Cuộc chia ly màu đỏ” (Âm nhạc: Nguyễn Văn Thương, biên đạo: Nguyễn Hiền).
Hội Văn nghệ dân gian được Hội đồng nghệ thuật các cấp chọn 2 công trình trao giải thưởng. Đó là, “Văn hóa dân gian các làng biển Bình Trị Thiên” của Trần Hoàng và “Tục ngữ dân tộc Tà Ôi” (sưu tầm và bình giải) của Kê Sửu.
Hội Mỹ thuật lần này có 2 tác phẩm giá trị đạt giải. Đó là "Những gương mặt" của Phạm Trinh và "Mơ hoa" của Nguyễn Thị Lan.
Hội Nhiếp ảnh, năm nay được bình chọn 3 tác phẩm có giá trị. Trương Vững với tác phẩm ảnh màu “Bình minh trên đầm Chuồn” - tác phẩm đạt Huy chương Đồng trong Liên hoan ảnh khu vực Bắc Trung Bộ năm 2018. Hồ Ngọc Sơn với tác phẩm “Trên đường về”, tham gia Cuộc thi quốc tế lần thứ 12 Salon of Photography Banja Luka (Nam Tư). Một giải thưởng trao cho bộ tác phẩm ảnh đặc biệt, gây xúc động và lây lan nội cảm trong lòng người xem, đó là “Lỗi lầm và sự quan tâm” của Phạm Văn Tý.
Hoạt động viếng mộ thi nhân - một trong những nghĩa cử cao đẹp của Hội Nhà văn được tổ chức hàng năm. Ảnh: Phan Thành
Riêng Hội nhà văn, hầu như năm nào cũng bình chọn được những tác phẩm xuất sắc. Đây là loại hình nghệ thuật đặc thù, lấy chất liệu ngôn từ để thể hiện cuộc sống và con người bằng thế giới hình tượng đa dạng, phong phú, vừa cụ thể vừa khái quát, vừa kế thừa vừa cách tân theo tầm đón nhận của người đọc đương đại.
Năm nay Hội nhà văn bình chọn 3 tác phẩm tiêu biểu. Triều Nguyên - nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, một lần nữa, được Hội đồng nghệ thuật bình chọn tác phẩm “Các thể loại, kiểu tác phẩm dạng tản văn và biền văn trong nền văn học trung đại Việt Nam” để trao giải.
Về thơ, Lê Tấn Quỳnh với thi tập “Dài trên những tháng năm” được bình chọn để trao giải.
Về văn xuôi, Lê Vũ Trường Giang được giải với tập bút ký văn học “Đi như là trở lại” - tác phẩm gây tin yêu và hy vọng trong dư luận năm 2018, thể hiện bút lực và tiềm năng ký của một cây bút trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, nhưng từng trải về kinh nghiệm sống, giàu vốn văn hóa, hiểu biết nhiều về văn hóa vật thể và phi vật thể Huế.
Với những nhận định sơ lược và có phần chủ quan của chúng tôi về giải thưởng VHNT Thừa Thiên Huế 2018, chắc chắn là chưa nói hết những cạnh khía giá trị tư tưởng của từng tác phẩm, từng công trình nhưng cũng đủ để chúng ta tin yêu và hy vọng vào những gì cao hơn chất lượng đó.
Trong lúc văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn có vẻ giảm sút trước cơ chế thị trường, nhưng thành tựu mà các văn nghệ sĩ đạt được - qua Tặng thưởng lần này - chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng một cách sâu sắc để thể hiện thành đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, hình tượng và tư tưởng theo từng loại hình riêng đầy trách nhiệm, khát khao và nhân ái với cuộc sống và nhân dân.
Các công trình nói trên đều kết tinh được chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao của tư tưởng triết mỹ. Còn gì cao quý và hạnh phúc hơn khi được sống, lao động và sáng tạo trên quê hương mình - nơi được mệnh danh là xứ sở của thi - ca - nhạc - họa; cùng với đồng nghiệp được hưởng không khí học thuật, sáng tạo dân chủ, giao lưu và hữu nghị cao quý như thế để hình thành những giá trị nghệ thuật độc đáo, không ngừng làm đầy những giá trị mới cho mỗi tác phẩm, mỗi công trình nghệ thuật trong tương lai.
HỒ THẾ HÀ