ClockThứ Năm, 04/04/2024 05:57

“Thế gian Sư” và ông tổ ngành sơn dầu Việt Nam

TTH - Ở phường Tây Lộc (Huế), có một con đường mang tên Lê Văn Miến, xứng đáng với những đóng góp của ông cho đất nước. Trong giới chuyên môn, cái tên Lê Văn Miến không còn xa lạ với những dấu ấn to lớn, như: “Người thầy của nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước”, “họa sĩ sơn dầu đầu tiên của Việt Nam”.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

 Hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến

Thượng thư Lê Văn Miến (13/3/1874 – 6/6/1943) sinh tại làng Ông La, xã Kim Khê nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình khoa bảng. Ông theo Hán học và tiếp nhận nhân cách từ người cha là quan Án sát Lê Năng Nghiêm - một chí sĩ yêu nước và là bạn tâm giao của nhà yêu nước Phan Đình Phùng.

Là một trong ba người được triều đình nhà Nguyễn chọn đi du học tại Pháp, năm 15 tuổi ông học Trường Thuộc địa École Coloniale, tiếp đó là học tại xưởng của Jean - Léon Gérôme (một trong 3 giáo sư hội họa trưởng xưởng của Trường Mỹ thuật Paris). Sau khi hoàn tất chương trình học tại Trường Thuộc địa và quay về, Lê Văn Miến không làm quan như hai người bạn trở về từ Pháp của mình là Hoàng Trọng Phu và Thân Trọng Huề, mà chọn vẽ minh họa cho nhà in Schneider, nhà in đầu tiên tại Hà Nội rồi về dạy học ở Vinh (Trường Pháp – Việt) vào năm 1899.

Sự nghiệp giáo dục của ông kéo dài suốt 30 năm ở những ngôi trường danh tiếng nhất, nhì thời đó với vai trò trợ giáo, Đốc giáo (Hiệu trưởng) Trường Pháp - Việt (Vinh), Trường Quốc Học và Trường Hậu Bổ (Huế). Sau hết làm Tế tửu Trường Quốc Tử Giám (người đứng đầu Quốc Tử Giám, tương đương Hiệu trưởng ngày nay) vào năm 1921 tại Huế. Năm Canh Ngọ (Bảo Đại thứ 5 - 1930), Lê Văn Miến xin về hưu do chứng bệnh mờ mắt. Ông được thăng Lễ bộ Thượng thư trí sự - Tư Thiện đại phu năm 1929 và đến đầu năm 1943 (trước khi qua đời) ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ - Vinh lộc Đại phu.

Ông Lê Văn Miến đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước, như: Giáo sư Lê Thước, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Trương Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn… và đặc biệt nhất có lẽ là người học trò mang tên Nguyễn Tất Thành. Theo lời kể của học trò ông (từ năm 1910 là giáo sư Lê Thước và ông Lê Thanh Cảnh), Lê Văn Miến là một người thầy có thái độ rất rõ ràng với thực dân khi “thường dạy học bằng tiếng Việt, không dùng tiếng Pháp; không mặc âu phục, chỉ bận cái áo sa dài, chít khăn xếp, như các cụ đồ Nho; xem thường tay Hiệu trưởng người Pháp xuất thân là tên lính viễn chinh…”. Thậm chí, lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc của Lê Văn Miến được thể hiện rõ từ khi ông còn là một thanh niên xứ “An Nam” theo học ở Pháp khi luôn hoàn thành xuất sắc các môn học, dẫu bị đối xử khắt khe, bởi ông quan niệm “không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết: Dù trong lĩnh vực nào – nhất là về học vấn – nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không thua kém một ai…”.

Từ một người giáo viên bình thường cho đến khi đạt “vị trí cao nhất của một người thầy trong hệ thống giáo dục Trung Kỳ” (giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám), sau khi mất ông được các thế hệ học trò ở Huế vinh danh qua bức hoành phi “Thế gian Sư” (Thầy của thiên hạ). Mộ ông được đặt tại xứ Trường An (nay là thôn An Thôn, Phong Thu, Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Trong sự nghiệp hội họa, họa sĩ Lê Văn Miến không để lại nhiều tác phẩm nhưng số ít còn lại đã chứng tỏ được tài năng danh họa của ông ở kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu phương Tây. Điều đáng nói, từ kỹ thuật sơn dầu phương Tây, ông đã vận dụng thành công giữa hội họa hiện đại và hội họa Á Đông, để lại những tác phẩm chân dung đậm chất Việt cho nền hội họa nước nhà.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số tranh của họa sĩ Lê Văn Miến hiện còn 7 bức. Trong đó có những bức được giới nghiên cứu, chuyên môn nhận định “là niềm tự hào của mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, như: bức chân dung nhà nho Nguyễn Vĩnh Mậu, bức “Buổi học chữ Nho xưa” (còn có tên là Bình Văn) và bức “Chân dung cụ Tú Mền” hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hay bức chân dung cụ Lê Văn Hy,...

Theo họa sĩ Thái Bá Vân “Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh “Bình văn” là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời và thêm học vấn vững chãi không lặp lại một lần thứ hai nào nữa…”. Ngoài những đóng góp to lớn cho lĩnh vực giáo dục, có thể nói, họa sĩ Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên học vẽ sơn dầu, đánh dấu thời điểm mở đầu mỹ thuật Việt Nam chuyển từ mỹ nghệ dân gian sang giai đoạn hội nhập văn hóa Đông – Tây, nền tảng của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Ngày 21/12/2005, lăng mộ Lê Văn Miến được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, tên ông được đặt tên đường. Đây chính là sự ghi nhận, vinh danh bước đầu dành cho ông tổ ngành sơn dầu Việt Nam – Thế gian Sư Lê Văn Miến.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

TIN MỚI

Return to top